02/04/2008 - 11:10

Ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng WB

Các giải pháp kiểm soát lạm phát, bình ổn nền kinh tế cần được thực hiện linh hoạt, mềm dẻo

Việt Nam không phải là nước bị ảnh hưởng nhiều khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại; mức tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo đạt 8% năm 2008 và phục hồi mức 8,5% vào năm 2009 là có cơ sở - Đó là những thông tin được ông Martin Rama, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra trong buổi họp báo công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương, sáng 1-4 tại Hà Nội.

Ông Martin Rama nói rằng, lạm phát tăng ở Việt Nam từ cuối năm 2007 đến nay là dấu hiệu rõ ràng nhất của một nền kinh tế quá nóng và việc cắt giảm tín dụng, duy trì tỷ giá linh hoạt là những giải pháp đã giúp nhiều nước thành công trong việc kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, tình trạng “bong bóng” trên thị trường nhà đất sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế và việc giám sát hoạt động ngân hàng, quy định mức trần cho vay mua bất động sản, cũng như đưa ra các quy định mới về thuế tài sản sẽ là những cách làm hữu hiệu để ngăn ngừa tình trạng đầu cơ nhà đất, giúp kiềm chế lạm phát, đồng thời có thêm nguồn tài chính cho phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, cũng cần tính đến nhu cầu phát triển đô thị còn rất lớn ở Việt Nam.

Việc siết chặt hoạt động vay vốn của khu vực công, dừng lại hoặc hủy bỏ các khoản vay để thực hiện các dự án công ít hiệu quả là cần thiết, nhưng thắt chặt chi tiêu công không phải là giải pháp tốt nhất nếu tăng trưởng xuất khẩu bị chậm lại - ông Martin Rama nhấn mạnh. Và tất cả các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, bình ổn nền kinh tế, đều phải được thực hiện hết sức mềm dẻo, linh hoạt, cần được xem xét cẩn thận, dựa trên các cơ chế thị trường.

Ông Vikram Nehru cũng cho rằng Chính phủ Việt Nam mới đây đã đưa ra những chính sách đúng đắn nhằm ổn định tình hình tài chính và những chính sách này đang được thực hiện rất tốt tại Việt Nam.

NGUYỄN THỊ SỰ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết