12/07/2015 - 09:18

Các chủ nợ ủng hộ kế hoạch cải cách của Hy Lạp

Với 251 phiếu thuận và chỉ có 32 phiếu chống, Quốc hội Hy Lạp ngày 11-7 đã thông qua gói cải cách mới nhằm cứu nước này thoát khỏi sự sụp đổ tài chính. Các chủ nợ quốc tế cũng đánh giá tích cực đối với đề xuất của Athens.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau khi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thúc giục quốc hội thông qua gói cải cách, bao gồm việc rà soát lương hưu, tăng thuế và cam kết tư nhân hóa tương tự như những điều khoản mà các chủ nợ đề xuất hồi tháng rồi, nhằm cứu Athens "sống sót" và ở lại Liên minh Châu Âu (EU). Hôm 9-7, ông Tsipras cũng đã trình các giải pháp này cho các chủ nợ của Hy Lạp, bao gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). "Hôm nay, quốc hội đã dành cho chính phủ sự ủy thác mạnh mẽ để hoàn tất các cuộc thương lượng và đạt được một thỏa thuận hợp lý về xã hội và tồn tại về kinh tế với các đối tác"- ông Tsipras phát biểu sau cuộc bỏ phiếu hôm 11-7. Tuy nhiên, trước thềm cuộc bỏ phiếu tại quốc hội, khoảng 8.000 người đã tập trung ở Athens để phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng".

Các nghị sĩ chúc mừng Thủ tướng Alexis Tsipras (giữa) sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Hy Lạp hôm 11-7. Ảnh: Reuters

Một quan chức EU nói với Reuters rằng: "EC, ECB và IMF đã đưa ra đánh giá chung đầu tiên về những đề xuất cải cách mà Hy Lạp trình lên. Theo những điều kiện cụ thể, chúng tôi thống nhất xem các đề xuất trên là nền tảng cho việc thương lượng về chương trình của Cơ quan Bình ổn châu Âu (ESM)". Trước đó, một nguồn tin EU ở Brussels (Bỉ) đánh giá những đề xuất mới nhất của Athens là đủ "tích cực" để làm nền tảng cho gói cứu trợ sắp tới. 19 bộ trưởng tài chính của khu vực đồng euro (Eurozone) cũng ngồi lại với nhau để thảo luận về kế hoạch cải cách kinh tế của Hy Lạp trong ngày 11-7, một ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh EU nhóm họp để đưa ra quyết định cuối cùng về việc cứu trợ Athens. Tuy nhiên, một nguồn tin từ EU cho biết cơ hội để kế hoạch của Hy Lạp được thông qua chỉ là "50-50" do vấp phải sự phản đối từ một số đối tác cứng rắn như Đức, quốc gia đầu tàu của Eurozone, vốn không chịu rót thêm tiền cho Athens. Berlin lo ngại rằng Athens có thể rơi vào hố đen nếu nhận được các khoản vay mới.

Nếu được các chủ nợ thông qua, Hy Lạp sẽ nhận được gói cứu trợ thứ ba trị giá 53,5 tỉ euro cũng như một số hình thức giảm nợ khác trong 3 năm tới. Một nguồn tin cho biết các chủ nợ thậm chí có thể xem xét tăng gói cứu trợ cho Hy Lạp khoảng 74 tỉ euro giữa lúc tăng trưởng kinh tế của nước này đang có dấu hiệu tiếp tục suy thoái. Từ năm 2010 đến nay, Hy Lạp đã nhận được 240 tỉ euro của các chủ nợ song kinh tế lại suy giảm đến 1/4 và thất nghiệp vẫn ở mức hơn 25%.

THANH BÌNH (Theo AFP, AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết