15/04/2017 - 16:14

Cá nược sông Vàm Nao

Cá nược- còn được gọi là cá heo Mekong và ngư dân gọi cung kính là "ông Nược"- nay đã gần như mất tích trên sông nước ĐBSCL. Trong câu chuyện của những ngư dân cao niên, cá nược có thời chạy có bầy trên sông nước Cửu Long. Khoảng 60-70 năm trước, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy cá nược bơi lội trên hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, nhưng mật độ dày đặc phải nói là trên sông Vàm Nao.

Cá nược một thời tung tăng trên sông nước miền ĐBSCL - Ảnh: WWF

Cá nược có hình dáng bên ngoài khá giống cá heo, nhưng nhỏ hơn, lưng màu nâu đen, bụng màu nhạt hơn, toàn thân trơn nhớt. Cá nược đực nhiều gấp 100 lần cá nược cái, con cá cái có 2 vú lớn mọc dưới vây trước. Dường như cá nược đẻ mỗi lần chỉ một con. Cá con mới đẻ đã trên 10kg, bú vú mẹ cho đến khi biết tự tìm thức ăn. Cá trưởng thành dài khoảng 2,5m, trọng lượng đạt đến 400kg. Các bậc cao niên sống quanh bờ Vàm Nao kể rằng cá nược sống hòa đồng với các loài sinh vật khác và rất hiền, không bao giờ làm hại ai và rất thân thiện với người. Thường thì, trưa trưa khi có hàng chục đứa trẻ tắm sông, chúng đùa giỡn một hồi rồi hè nhau đếm "Một. Hai. Ba", tiếp theo đồng la lớn vài lần câu: "Ông Nược ơi! Đua! Đua!", chỉ 10 đến 15 phút sau, một bầy cá nược xuất hiện (tất nhiên nhằm lúc chúng quanh quẩn gần đó), "vận động viên" nào cũng trồi lên hụp xuống "đua tốc độ", nhưng khá chậm chứ không nhanh như các loại cá khác, thỉnh thoảng thấy phun nước khi nó nhảy thẳng lên mặt nước. Đám trẻ càng vỗ tay reo hò "Ông Nược đua! Ông Nược đua!" chúng càng bơi lội rất vui.

Chưa hết, các lão ngư ở An Giang thường kể cho con cháu nghe những giai thoại về loài cá này cách nay khoảng 70- 80 năm, tức cái thuở trên sông không có quá nhiều ghe tàu, máy nổ ầm ì như ngày nay. Những người sống nghề Bà Cậu thường thầm vái "ông Nược" độ đánh bắt được thật nhiều cá. Phổ biến nhất là khi thấy biết có luồng cá rất nhiều đang di chuyển, nhưng không nhằm vào lưới đang giăng, ngư dân thường gây tiếng động bằng cách vỗ tay (hoặc gõ khua trên mạn thuyền) và la lớn vài ba lần giữa thinh không: "Lùa cá vô lưới dùm ông Nược ơi!", là "ông" đều giúp bằng cách vừa lội ven theo đàn cá vừa nhảy tung lên phun nước xối xả (từ một cái lổ ở trán) lùa cá vô lưới.

Dân thương hồ, đang chơi vơi giữa sông mà gặp sóng to gió lớn, ghe sắp bị chìm, người ta la lớn cầu cứu: "Bớ Ông Nược! Mau mau cứu ghe chìm! Ghe chìm! Bớ Ông Nược!"... thì ông Nược kịp thời cứu giúp, bằng cách nổi lên tựa lưng vào ghe dìu đưa vô bờ! Kịp thời cứu mạng trong những lúc thập tử nhứt sanh như vậy thì còn ân nghĩa nào bằng! Chính vì vậy bà con rất mến kính, bất luận cá cái hay cá đực đều gọi chung là "ông Nược".

Trong đánh bắt thủy sản, nếu cá nược mắc lưới, người dân liền mau mau cắt lưới để thả (vì cá bị lưới quấn, vô phương vùng vẫy), lại cho là điều không may (rất xui) nên họ mua nhang đèn, lễ vật trọng hậu để "xin lỗi Ông" và van vái Bà Cậu "thông cảm" vì đây là việc hoàn toàn ngoài ý muốn. Một lão ngư ở Phú Tân kể lại, khoảng 60- 70 năm về trước, ở Vàm Nao có người lưới dính ông Nược, người ấy sợ hãi đến mức phải cạo đầu, bán xuồng (nhưng rất khó bán, vì người địa phương đều đã nghe biết sự việc ấy nên không ai dám mua) và giải nghệ!

Đó là chuyện của ngày trước! Cá nược trên sông ngày nay gần như không còn. Dĩ nhiên, người dân sống quanh Vàm Nao không săn bắt cá nược, thấy cá chết trôi vào bờ người ta còn mang chôn đàng hoàng; nhưng họ bất lực nhìn những người từ nơi khác tới lùng bắt cá nược. Trong ký ức nhiều bậc cao niên ở Vàm Nao, những người săn cá nược đuổi theo từng bầy cá vốn không biết sợ con người để tha hồ đánh lưới, phóng lao. Tính nết ưa vui đùa và thân thiện với con người của cá nược đã khiến chúng dễ dàng bị hại. Những người lạ cũng bắt chước người dân quanh bờ Vàm Nao gọi "Ông Nược đua! Ông Nược đua!", chúng nổi lên thì bị sát hại. Lại thêm ngày xưa câu lưới ít, cá nược vốn to lớn còn có nơi để sống, bây giờ lưới vây, cá nược vốn hay tung hoành giỡn hớt, dễ dính lưới mà chết.

Đối với ngư dân, cá nược là "ân nhân", nên họ không chỉ xem nó như một loài cá quý mà ở nhiều nơi miền biển người ta còn hiểu là "nhân ngư", tôn xưng là "thần", lập đền thờ để thờ. Sách Gia Định thành thông chí chép: "Thần là con cá nhân ngư, không có vảy, đầu tròn trơn láng, đỉnh trán có lỗ phun nước ra như mưa, môi voi, đuôi tôm, dài đến 2,3 trượng, ưa nhảy bơi trên mặt nước. Ngư phủ giăng lưới dính cá, thường hô là thần mà cầu khấn, thì nhân ngư đuổi bầy cá chạy cả vào lưới. Ngư phủ rất cảm ơn, có khi nhân ngư lầm vào trong lưới, thì ngư phủ mở một mặt lưới kêu mà dẫn ra, nhân ngư ắt theo cửa lưới ấy mà ra! Lại những ghe thuyền gặp lúc gió sóng nguy hiểm, thường thấy nhân ngư dìu đỡ thân ghe bảo vệ vào bờ yên ổn. Còn hoặc ghe bị chìm úp thì cũng trong cơn sóng gió rầm rộ ấy nhân ngư cũng đưa người lên bờ, sự hỗ trợ hiển nhiên rõ rệt".

Thành ra, ý thức bảo vệ và đối xử tử tế với "nhân ngư; đức Ngư" của người dân quanh bờ Vàm Nao thể hiện tinh thần đạo lý "có ơn tất báo" đối với loài cá có tánh từ thiện này, là nét đẹp trong văn hóa đánh bắt của bà con ngư dân, cũng là một tín ngưỡng dân gian Nam bộ. Chỉ tiếc, sự săn bắt tận diệt của một số cá nhân đã khiến "ông Nược" sông Vàm Nao mất dạng.

Nguyễn Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết