10/07/2021 - 12:27

Cả nhà thương yêu nhau... 

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội, thay đổi nếp sinh hoạt của nhiều gia đình. Để người thân giảm bớt căng thẳng, lo âu, nhiều cặp đôi cố gắng tổ chức lại cuộc sống chung cho cả nhà bằng những hoạt động ý nghĩa, thiết thực, thích ứng với điều kiện mới, vừa đảm bảo sức khỏe thể chất vừa ổn định tâm lý. Từ sự quan tâm, chia sẻ, mọi người gắn kết thêm tình cảm, cùng nương tựa nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.

Những ngày dịch bệnh, gia đình là nơi “ẩn trú” an toàn nhất bởi ở đó có tình yêu thương và sự quan tâm dành cho nhau. Ảnh mang tính minh họa.

Những ngày dịch bệnh, gia đình là nơi “ẩn trú” an toàn nhất bởi ở đó có tình yêu thương và sự quan tâm dành cho nhau. Ảnh mang tính minh họa.

Gần 2 tháng nay, từ ngày chồng tạm nghỉ việc công ty, chị Hồng Vân ở quận Ninh Kiều gánh vác kinh tế chính. Thu nhập bị ảnh hưởng nhưng chị Vân khéo léo sắp xếp để chồng và 2 con trai (học lớp 4 và lớp 8) không phải lo lắng. Ngoài việc đảm bảo chế độ ăn uống, chị bàn với chồng hướng dẫn con làm việc nhà, đọc sách, học online… để đỡ buồn khi không được ra ngoài đi chơi thoải mái như trước, vừa củng cố kiến thức vừa giảm bớt việc chơi game, xem ti vi. Thấy vợ vất vả, chồng chị Vân nhiệt tình hợp tác bằng cách cùng các con xung phong đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp… để mẹ có thời gian đi làm, nghỉ ngơi. Chị Vân kể: “Ban đầu chồng tôi có vẻ chán nản vì mất việc, tôi động viên chỉ là khó khăn tạm thời, hết dịch mình tính tiếp. Ba má chồng tôi rất thương con cháu nên hỗ trợ tiền ăn cho tụi nhỏ. Bây giờ, về nhà, nhìn mấy cha con quây quần bên nhau, thương lắm. Buổi tối, tôi tạo không khí vui vẻ bằng cách rủ mọi người tập thể dục tại chỗ như nhảy dây, gập bụng, giữ thăng bằng…, sau đó xem phim. Tôi mong cả nhà mạnh khỏe để cùng làm điểm tựa cho nhau”.

Vợ chồng anh Ngọc Vinh làm việc quận ở Cái Răng, cuối tuần cả nhà thường về thăm mẹ ruột ở Hậu Giang. Từ ngày dịch bệnh bùng phát, anh Vinh thuyết phục mẹ lên ở chung để tiện bề chăm sóc. Do các trường học nghỉ, con còn nhỏ nên vợ anh Vinh quyết định nghỉ làm để lo cho con gái học lớp 3 và con trai gần 3 tuổi. Nhờ có má chồng đỡ đần, vợ anh Vinh có thời gian trổ tài nấu nhiều món ngon đãi cả nhà. Anh Vinh tâm sự: “Dù mất một đầu lương, tài chính không được như trước nhưng tôi có niềm vui lớn hơn là cả nhà bên nhau, không còn thắc thỏm lo má ở xa những khi trái gió trở trời. Mỗi ngày được ăn cơm chung, nhìn vợ con yêu thương, quấn quýt bà nội, tôi rất hạnh phúc nên cũng đỡ áp lực trong công việc”.

Đối với gia đình cô Mai Quyên ở quận Ninh Kiều thì ngày nào cũng  náo nhiệt vì 4 cháu ngoại cùng nghỉ hè. Để đảm bảo an toàn, các con gái và rể của cô cũng ở nhà làm việc online. Tranh thủ thời gian rảnh, 2 con rể phụ với ba vợ sơn sửa lại đồ dùng, trang trí nhà cửa, dọn sân rồi mua dụng cụ trồng rau. Cô Quyên phụ trách vấn đề quan trọng là cân đối chuyện ăn uống của 10 người sao cho vừa đủ chất, tăng sức đề kháng vừa tiết kiệm. Buổi sáng con rể chở cô đi chợ thật sớm mua đồ tươi, mọi người cùng sơ chế, nấu nướng nên không khí bữa ăn rất vui. Những lúc giải cứu khoai lang, dâu, xoài, vải, cô Quyên cùng các con chế biến nhiều món ăn vặt và sinh tố ngon, bổ, rẻ. Mỗi khi trẻ nhỏ than buồn, đòi đi chơi thì người lớn thay phiên nhau dạy vẽ, lắp ráp mô hình, may đồ cho búp bê, trộn bột làm bánh…  Cô Quyên cho biết: “Lúc trước, cuối tuần cả nhà mới có dịp ăn uống đủ mặt. Bây giờ gần gũi, trò chuyện thường xuyên nên các con hiểu thêm hoàn cảnh anh em, sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết. Biết các con bị giảm tiền lương nên tháng này tôi lo hết chi phí sinh hoạt. Mình cực một chút nhưng thấy con cháu an yên là mãn nguyện”.

Chồng làm nghề tài xế ở Vũng Tàu, hơn tháng nay chưa về nhà được do ảnh hưởng dịch bệnh, chị Ngọc Mai ở quận Bình Thủy vừa đi làm vừa chăm sóc mẹ chồng và các con chu đáo. Lo lắng cho con trai ở xa nên má chồng chị Mai thường xuyên bị mất ngủ, ăn uống không ngon, tăng huyết áp. Để má bớt căng thẳng và chồng đỡ nhớ nhà, mỗi buổi chiều, chị Mai gọi điện video cho mọi người trò chuyện, động viên nhau. Chị Mai mua dụng cụ làm bánh để mấy bà cháu bày việc làm cho khuây khỏa, sẵn nhờ má dạy các con nấu ăn, chị còn hướng dẫn con ở nhà xoa bóp chân tay cho nội, nhắc uống thuốc đúng giờ, đọc sách cho nội nghe…

Để đảm bảo an toàn trong thời điểm dịch bệnh, phải hạn chế đi lại và tiếp xúc với người xung quanh, bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm… nên chuyện căng thẳng, stress là điều không tránh khỏi. Trên nền tảng của sự yêu thương, gia đình sẽ là điểm tựa an toàn nhất giúp các thành viên vượt qua bất ổn, cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt hơn khi dịch bệnh bị đẩy lùi.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết