31/08/2024 - 19:04

Ca bệnh sởi ở Cần Thơ tăng nhanh 

Sau 3 ca tử vong do bệnh sởi, ngày 27-8, TP Hồ Chí Minh đã công bố dịch bệnh sởi trên địa bàn. Còn tại TP Cần Thơ, ghi nhận của ngành y tế đã có 10 ca mắc bệnh sởi, đa số ca mắc do chưa tiêm ngừa, hoặc chưa tiêm ngừa đầy đủ.

Tiêm ngừa cho trẻ là giải pháp chủ động phòng bệnh sởi.

Đa số chưa tiêm ngừa

Thống kê của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, trong năm 2023 chỉ ghi nhận 1 ca bệnh sởi nhập viện thì năm nay, ghi nhận 16 ca. Số ca bệnh này đến từ các tỉnh, thành trong vùng ÐBSCL. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí có thể tử vong, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.

Theo thống kê của CDC Cần Thơ, tại thành phố, từ đầu năm 2024 đến 29-8-2024 có 10 trường hợp mắc sởi; ghi nhận vào các tháng: tháng 3 (2 trường hợp), tháng 4 (1 trường hợp), tháng 6 (1 trường hợp), tháng 7 (1 trường hợp), tháng 8 (5 trường hợp). Trường hợp mắc nhỏ tuổi nhất là 6 tháng tuổi và lớn tuổi nhất là 34 tuổi.

Cũng theo CDC Cần Thơ, các trường hợp mắc chưa ghi nhận sự liên quan về dịch tễ, là các trường hợp tản phát. Nguyên nhân bệnh sởi tăng là do gián đoạn tiêm vaccine trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thiếu vaccine trong thời gian dài (năm 2022-2023). Hoạt động rà soát tiền sử tiêm chủng năm 2024 vẫn đang tiếp tục rà soát các trẻ thiếu mũi sởi và cho trẻ đăng ký tiêm ngừa.

Hiện nay, bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu để phòng bội nhiễm và điều trị các biến chứng nặng do sởi gây ra. Vì vậy, bệnh nhân cần được cách ly, tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh thân thể, hạ sốt khi sốt cao (sử dụng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như lau nước ấm, chườm mát), uống bổ sung vitamin A 2 ngày liên tiếp, bù nước và điện giải qua đường uống, chỉ truyền dịch khi người bệnh nôn nhiều.

Thời kỳ ủ bệnh có các triệu chứng: sốt, viêm kết mạc, sợ ánh sáng, ho, sổ mũi. Thời kỳ khởi phát: xuất hiện các đốm ở niêm mạc miệng (mặt trong má), có thể lan rộng đến môi, vòm miệng, nướu, xuất hiện 48 giờ trước khi phát ban - đây là đặc trưng để chẩn đoán sớm bệnh sởi. Thời kỳ toàn phát: phát ban sởi (phát ban dạng dát) sau sốt 2-4 ngày. Xuất hiện từ vùng trán, gáy rồi lan đến đầu, mặt, cổ, thân. Thời kỳ lui bệnh: ban biến mất tuần tự giống khi mọc, sau đó bong vảy.

Tiêm đủ mũi vaccine để chủ động phòng bệnh

Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi có khả năng truyền nhiễm cao, lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc kết mạc mắt dưới dạng giọt bắn, có thể tồn tại trong không khí đến 2 giờ. Thời gian lây lan từ 4 ngày trước khi có triệu chứng phát ban đến 4 ngày sau khi phát ban. Thời gian ủ bệnh từ 6-21 ngày, thường không có triệu chứng. BS CKI Lê Phúc Hiển, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Cần Thơ, cho biết: Ðể chủ động phòng bệnh cần đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh sởi ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại sởi mũi 2 và rubella khi trẻ đủ 18 tháng tuổi, theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tại các trạm y tế. Hiện tại, TP Cần Thơ đủ vaccine tiêm ngừa sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, cha mẹ nếu không nhớ con mình tiêm hay chưa, hoặc làm mất sổ tiêm chủng thì liên hệ với trạm y tế (nơi tiêm) để trạm tra cứu trên hệ thống thông tin tiêm chủng.

Ðể chủ động phòng ngừa sởi, ngoài tiêm chủng, cần thường xuyên vệ sinh đường mũi họng, mắt hằng ngày cho trẻ. Với người lớn, sau khi ra đường về, cần vệ sinh mũi họng, bàn tay, thay quần áo rồi mới tiếp xúc với trẻ. Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào. Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh; khi phải tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh sởi, rubella. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa,)… đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm. Lau sàn nhà, tay nắm cửa, mặt bàn, ghế khu vệ sinh chung, che miệng khi ho, hắt hơi. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Tăng cường ăn hoa quả như cam, chanh và các vitamin. Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh.

BSCKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ:

Phân biệt sốt phát ban thông thường và sởi: Trong khi sốt phát ban khá lành tính thì sởi lại có nguy cơ gây ra những biến chứng nghiêm trọng. 
Đặc điểm điển hình của sốt phát ban thông thường là: nốt ban đỏ và sáng; ban mịn, ít sần sùi trên mặt da; ban nổi đồng loạt khắp cơ thể; sau khi lặn thường không để lại sẹo hoặc vết thâm. 
Trong khi sốt phát ban sởi có những dấu hiệu đặc trưng: ban xuất hiện theo trình tự (bắt đầu ở sau tai, sau đó lan đến mặt, dần xuống ngực, bụng và nổi kín khắp toàn thân); ban dạng sẩn, gồ lên mặt da; đôi khi gây ngứa, khó chịu cho người bệnh; khi lặn sẽ để lại những vết thâm, hay còn gọi là “vằn da hổ”. Đặc biệt, bệnh nhi bị nhiễm sốt phát ban sởi thường có 1 trong 3 triệu chứng phân biệt đi kèm: ho, chảy mũi, nổi hạch (cổ, sau tai); viêm kết mạc, giác mạc (đau mắt đỏ, mắt lèm nhèm, phù nề mí mắt); tiêu chảy.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết