12/03/2016 - 20:12

Bước tiến lịch sử trong quan hệ Cuba-EU

Sau 2 năm đàm phán, Liên minh châu Âu (EU) và Cuba hôm 11-3 đã ký kết thỏa thuận hướng tới bình thường hóa quan hệ, không những giúp thúc đẩy kinh tế, thương mại, mở rộng sự trợ giúp của EU đối với Cuba, mà còn tạo khuôn khổ đối thoại cả những vấn đề "nhạy cảm" như hệ thống kinh tế - chính trị hay quyền con người.

Lễ ký diễn ra tại Thủ đô Havana của Cuba với sự chứng kiến của người đứng đầu ngành ngoại giao hai bên. Văn kiện có tên "Đối thoại chính trị và hợp tác" nêu rõ thỏa thuận này mở ra giai đoạn quan hệ mới dựa trên sự "tôn trọng, tương hỗ và chia sẻ lợi ích" của nhau. Cao ủy phụ trách lĩnh vực đối ngoại và an ninh của EU, bà Federica Mogherini tuyên bố tại lễ ký kết: "Đây là bước tiến lịch sử. Thỏa thuận này đánh dấu sự khởi đầu cho kỷ nguyên mới trong các mối quan hệ của chúng ta". Bà nhấn mạnh thỏa thuận "đánh dấu sự kết thúc lập trường chung" của EU. Cái gọi là "lập trường chung" là quan điểm chính trị mà EU buộc tất cả 28 quốc gia thành viên phải xa lánh với Cuba vì vụ bắt giữ 75 nhà hoạt động chống đối chính phủ năm 2003. Havana cho rằng đây là hành động can thiệp của EU vào vấn đề nội bộ của Cuba.

Phái đoàn ngoại giao Cuba (trái) và EU trong cuộc đàm phán trước khi ký kết thỏa thuận thúc đẩy bình thường hóa quan hệ hôm 11-3. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez cũng nhấn mạnh trong cuộc họp báo: "Thỏa thuận này là một bước tiến chưa từng có trong lịch sử quan hệ giữa EU và Cuba". Và ông kêu gọi EU thúc đẩy quá trình phê chuẩn văn kiện. Theo quy định của EU, các nước thành viên sẽ lần lượt thông qua thỏa thuận trước khi được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Tiến trình pháp lý này có thể kéo dài trong nhiều tháng.

Joaquin Roy, nhà phân tích trị của Đại học Miami (Mỹ), nhận định đây là thỏa thuận "hai bên cùng thắng", bởi nó giúp Cuba gặt hái được lòng tin, trong khi EU trút được gánh nặng vì không đạt được mục tiêu gì với "lập trường chung" của mình. Hai bên đã bắt đầu đàm phán khôi phục quan hệ từ tháng 4-2014, tức trước cả khi Mỹ và Cuba thông báo kế hoạch bình thường hóa quan hệ hồi tháng 12-2014.

Trên thực tế, EU và Cuba đã nối lại quan hệ từ năm 2008, sau khi ông Raul Castro lên làm Chủ tịch Cuba, thay thế người anh trai là lãnh tụ Fidel Castro. Kể từ đó, EU đã viện trợ cho Cuba khoảng 140 triệu euro thực hiện các dự án văn hóa, giáo dục và tái thiết các vùng bị thiên tai tàn phá. Nhiều nước EU, đặc biệt là Tây Ban Nha vẫn duy trì các mối quan hệ song phương với Cuba bất chấp lệnh cấm của khối. Vì thế, EU vẫn được coi là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba (sau Venezuela) với tổng kim ngạch đạt khoảng 2,6 tỉ euro năm 2013. Trong thỏa thuận mới, EU cam kết sẽ cấp thêm một khoản viện trợ có trị giá 10 triệu euro giúp Cuba giúp xây dựng các năng lực quản trị hành chính công và sản xuất lương thực bền vững. Đây là phần trong tổng số 50 triệu euro trong các quỹ hợp tác phát triển của EU dành cho Cuba.

EU ký thỏa thuận thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ với "đảo quốc tự do" được cho là đi sau so với đà khôi phục quan hệ giữa Mỹ và Cuba, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Barack Obama đang chuẩn bị chuyến công du lịch sử tới Havana từ ngày 20 đến 23-3 tới. Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ-Cuba được dự báo khó tiến triển sâu hơn bởi rào cản chính trị (vì cái cớ nhân quyền) từ Quốc hội Mỹ.

Nhà lãnh đạo ngoại giao EU Magherini có lẽ muốn khẳng định sự vượt trội của EU so với Mỹ trong quan hệ với Cuba khi nhấn mạnh: "Chúng tôi thống nhất rằng lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Cuba là hoàn toàn lỗi thời và lạc hậu. Sự ưu tiên hiện nay là đối thoại và hợp tác, và lệnh cấm vận là một rào cản cần kết thúc".

KIẾN HÒA (Theo AFP, WSJ, Reuters)

Chia sẻ bài viết