14/11/2019 - 09:32

Bước tiến lịch sử trong cuộc chiến chống Ebola 

Ngày 12-11, vắc-xin ngừa Ebola của hãng dược Merck đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá tiền lâm sàng là biện pháp an toàn và hiệu quả để ngăn chặn căn bệnh đáng sợ này.

Sự kiện trên đánh dấu lần đầu tiên WHO “bật đèn xanh” cho một vắc-xin phòng bệnh Ebola, có tên gọi là Ervebo. Quyết định này sẽ cho phép các tổ chức của Liên Hiệp Quốc và Liên minh Vắc-xin (Gavi) tạo điều kiện thuận lợi để cấp phép lưu hành Ervebo tại những nước có nguy cơ cao bùng phát dịch. “Đây là bước đi lịch sử trong việc đảm bảo những người cần vắc-xin nhất có thể tiếp cận chiếc phao cứu mạng này. Với việc vắc-xin được phê chuẩn và các liệu pháp thí nghiệm, hiện nay Ebola có thể được phòng ngừa và điều trị” - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phấn khởi nói.

Một người dân CHDC Congo được tiêm vắc-xin ngừa Ebola. Ảnh: arstechnica

Một ngày trước đó, Ervebo cũng đã được Ủy ban châu Âu (EC) cấp phép sử dụng trên người trưởng thành, vì vậy Merck sẽ bắt tay sản xuất vắc-xin này tại Đức và hy vọng những liều vắc-xin được cấp phép đầu tiên sẽ có mặt trên thị trường trong quý III/2020. Tin vui này xảy đến sau nhiều thập niên thế giới nỗ lực nghiên cứu phương pháp phòng ngừa Ebola. Dự kiến vào giữa tháng 3-2020, Cục Quản lý Thực - Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng sẽ cấp phép lưu hành Ervebo.

Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Merck - Ken Frazier đánh giá việc EC cấp phép lưu hành Ervebo là “kết quả của sự hợp tác chưa từng có” mà cả thế giới nên tự hào. Mặc dù vắc-xin mang danh là của Merck, nhưng thực tế rất nhiều nhà nghiên cứu và nhân viên phản ứng với sự bùng phát Ebola tại Canada, Mỹ, châu Âu và châu Phi đã có công trong việc mở đường để Ervebo được cấp phép lưu hành. Chính những người này đã phát triển vắc-xin, thực hiện những nghiên cứu tiền lâm sàng trên động vật hoặc thí nghiệm lâm sàng mà Merck sử dụng để hỗ trợ đơn xin cấp phép lưu hành Ervebo.

Do Ervebo chưa được cấp phép lưu hành tại Cộng hòa Dân chủ Congo, nên chế phẩm sinh học này vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng tại quốc gia châu Phi dưới hình thức “sử dụng nhân đạo”, tương tự như một cuộc thử nghiệm lâm sàng. Thời gian qua, vắc-xin này đã được tiêm cho hơn 250.000 người trong đợt dịch Ebola đang bùng phát tại các tỉnh Bắc Kivu và Ituri. Dữ liệu sơ bộ cho thấy Ervebo đạt hiệu quả phòng bệnh lên tới 97,5%. Tính từ tháng 8-2018, dịch Ebola ở CHDC Congo đã cướp đi sinh mạng của gần 2.200 người và khiến gần 3.300 người nhiễm bệnh. EC cho rằng cấp phép vắc-xin là ưu tiên vì dịch bệnh từng hoành hành dữ dội ở Tây Phi từ năm 2014-2016, giai đoạn có hơn 28.000 ca mắc và trên 11.000 trường hợp tử vong. Tính đến nay, đó là dịch Ebola lớn nhất trong lịch sử.

Ebola là bệnh do virus gây ra với các triệu chứng ban đầu như sốt đột ngột, đau cơ, đau họng. Sau đó người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, một số trường hợp có thể bị xuất huyết cả bên trong và bên ngoài. Virus lây qua tiếp xúc gần gũi với động vật nhiễm bệnh, sau đó lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc nội tạng của người nhiễm bệnh, hoặc lây gián tiếp qua môi trường ô nhiễm.

Hiện một loại vắc-xin khác do hãng Johnson & Johnson phát triển vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

HẠNH NGUYÊN (Theo Healio, Arstechnica)

Chia sẻ bài viết