18/02/2008 - 21:44

Thu hút đầu tư vào Cà Mau

"Bước nhảy 16 năm"

Là tỉnh nằm ở cực Nam Tổ quốc, cách xa các trung tâm kinh tế lớn, nên nhiều năm qua Cà Mau chưa gây được sự chú ý của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Song, nhờ những nỗ lực trong thu hút đầu tư, gần đây Cà Mau trở thành một vùng đất được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

1 năm bằng 16 năm

Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong năm 2007 tỉnh này đã thu hút trên 450 nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký trên 5.000 tỉ đồng và 3 triệu USD. Tổng mức vốn đầu tư này đã bằng từ năm 1990 đến cuối năm 2006 cộng lại. Trước đây, hầu hết các dự án đầu tư vào Cà Mau đều nhỏ lẻ, thì năm qua nhờ những nỗ lực không ngừng trong việc cải tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh mà tỉnh đã có những dự án lớn mang tính đột phá lớn trong phát triển kinh tế -xã hội. Trong đó, phải kể đến dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Bột giấy và Giấy tại ấp 1, xã Trí Phải, huyện Thới Bình của Công ty cổ phần Tâm Minh Thiện, với quy mô sản xuất 100.000 tấn bột giấy và giấy/năm, tổng vốn đầu tư 40 tỉ đồng. Đặc biệt, Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Khánh An có quy mô 360 ha (không bao gồm diện tích kho - cảng) với tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng. Riêng trong tháng 11-2007, tỉnh Cà Mau đã cấp phép cho nhà đầu tư xây dựng nhà máy và phát triển vùng nguyên liệu để sản xuất gỗ có tổng vốn đăng ký hơn 150 triệu USD; đồng thời, tiếp tục xem xét cho nhiều nhà đầu tư chuẩn bị đầu tư vào các khu du lịch sinh thái...

 Cụm công nghiệp khí điện đạm - một công trình đầu tư lớn đã và đang tạo động lực phát triển mạnh kinh tế xã hội của tỉnh Cà Mau.

Không chỉ thu hút đầu tư trong nước, năm 2007 lần đầu tiên Cà Mau cấp giấy phép đầu tư cho một doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài là Công ty TNHH Việt - Úc. Ông Lưu Thanh Văn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Úc - Cà Mau, cho biết: “Với vị trí đặc biệt nên tỉnh Cà Mau có nhiều tiềm năng phát triển mạnh thương mại - du lịch trong tương lai. Bên cạnh đó, từ nhiều chính sách ưu đãi của chính quyền địa phương trong thu hút đầu tư nên công ty đã quyết định đầu tư vào đây. Với các chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng, trong tương lai không xa Cà Mau còn thu hút mạnh thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa”.

Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào cuối năm 2007, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Cà Mau đã đạt 56,19 điểm, đứng thứ 29/64 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 28 bậc so với năm 2006. Với kết quả xếp hạng này, Cà Mau được đánh giá là một trong 10 tỉnh tiến bộ nhất. Trong đó có 2 chỉ số thành phần tiến bộ nhất là tính minh bạch và chi phí thời gian gia nhập thị trường giúp cho các nhà đầu tư khi triển khai các dự án đầu tư vào tỉnh. Chính kết quả thu hút vốn đầu tư trong thời gian gần đây đã góp phần đáng kể trong việc tăng trưởng kinh tế của Cà Mau trong năm qua là 12,8%, thu ngân sách tăng 20,3%, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 610 triệu USD...

Nỗ lực vươn lên

Trong chiến lược thu hút đầu tư của mình, UBND tỉnh Cà Mau cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư trong khuôn khổ các quy định hiện hành của Chính phủ và các cam kết quốc tế. Chính yếu tố đó giúp cho các dự án đầu tư bước đầu mang lại kết quả khả quan, như dự án đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VINASHIN) tại Năm Căn. Chỉ sau thời gian ngắn khởi công Dự án xây dựng nhà máy đóng tàu Cà Mau giai đoạn I, Vinashincamau đã có hợp đồng đóng mới 4 tàu hàng loại 12.500 tấn. Còn tại các khu công nghiệp, không khí đầu tư cũng đang rất khẩn trương như: khu công nghiệp Khánh An mới trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhưng nhà đầu tư đã đăng ký thuê trên 50% diện tích đất; khu công nghiệp Năm Căn đã đăng ký thuê được 60 ha đất; khu công nghiệp Hòa Trung đã thu hút được 7 nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy...

Chính những kết quả này đã thôi thúc Cà Mau quyết tâm hơn trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu lọt vào nhóm các tỉnh có chỉ số PCI tốt nhất. Bên cạnh việc từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là các công việc có liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tỉnh đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa liên thông để rút ngắn thời gian gia nhập thị trường của các doanh nghiệp. Thường xuyên tổ chức gặp gỡ giữa doanh nghiệp với lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành chức năng nhằm trao đổi thông tin, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Một số cơ quan của tỉnh đã bố trí cán bộ làm việc ngày thứ bảy để giải quyết đồng bộ các công việc hành chính có liên quan về thuế, về đất đai, thủ tục đăng ký kinh doanh... nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Ngoài những chiến lược cơ bản, tỉnh sẽ gấp rút đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Khánh An, triển khai xây dựng tiếp các khu công nghiệp Hòa Trung, Năm Căn, Sông Đốc, nhằm đáp ứng mặt bằng sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư. Đồng thời, xúc tiến xây dựng Đề án thành lập Khu Kinh tế Năm Căn và đang lập hồ sơ để hình thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư xúc tiến các hoạt động sản xuất kinh doanh với nhiều chính sách ưu đãi, nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch sinh thái đặc thù của vùng đất cực Nam Tổ quốc.

Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Trong thời gian tới, ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, thì đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ là nguồn vốn quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương nhanh hơn. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư; đồng thời đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa trong thu hút đầu tư để huy động cao nhất các nguồn vốn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”.

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết