21/01/2018 - 15:44

Bùng nổ công nghệ sinh học ở Trung Quốc 

Dưới sự hỗ trợ của chính phủ cùng với kinh tế thịnh vượng và đổi mới khoa học kỹ thuật, ngành công nghệ sinh học của Trung Quốc dự kiến bứt phá với giá trị có thể lên đến hàng trăm tỉ USD vào năm 2020.

Cách đây 10 năm, khi các nhà khoa học Trung Quốc ở nước ngoài bắt đầu về nước khởi nghiệp, ngành công nghiệp dược phẩm Trung Quốc vẫn đang bị chi phối bởi  “thuốc generic”. Đây là những loại thuốc tính chất tương đương với biệt dược gốc nhưng được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thuốc generic thường được bán với giá rẻ. Mặc dù là thị trường thuốc lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, nhưng việc tiếp cận những loại thuốc mới nhất lại là điều khó khăn đối với người dân Trung Quốc. Tình trạng này trái với thực tế cường quốc châu Á đang đối mặt nhu cầu y tế ngày càng tăng với các ca bệnh ung thư, thần kinh, tiểu đường và dân số đang già đi nhanh chóng.

-Một cơ sở thí nghiệm phát triển dược phẩm tại Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Nhưng điều đó sẽ thay đổi khi người ta đang nhìn thấy lĩnh vực khoa học sự sống với điểm nhấn là ngành công nghệ sinh học tại Trung Quốc đang bước sang trang mới. Đó là khi chính phủ nước này khuyến khích các công ty sản xuất thuốc nội địa đầu tư nhiều hơn bằng cách giảm thuế, tăng ngân sách hỗ trợ và nới lỏng rào cản thủ tục đăng ký thuốc. Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc, ngành công nghệ sinh học sẽ đóng góp hơn 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020. Theo ước tính, hơn 100 tỉ USD đã được đầu tư vào lĩnh vực khoa học sự sống nhằm đạt được các mục tiêu kế hoạch 5 năm. Trong đó, Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc tạo ra các cụm nghiên cứu khoa học, xây dựng phòng thí nghiệm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương phát triển với kỳ vọng sẽ sớm sản xuất những loại thuốc chất lượng đưa ra thị trường toàn cầu thay vì chỉ tập trung thuốc generic như lâu nay. Các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu tại Trung Quốc cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo bên cạnh mở rộng khai thác mạng lưới du học sinh, chuyên gia nghiên cứu người Trung Quốc ở nước ngoài nhằm thu hút tài năng quốc tế.

Sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc với nhiều ưu đãi đặc biệt trong 10 năm qua không chỉ nhận được sự quan tâm từ các công ty dược đa quốc gia mà còn gồm giới nghiên cứu hàng đầu. Trong số 2 triệu người hồi hương 6 năm qua, ước tính 250.000 người làm việc trong các lĩnh vực khoa học sự sống. Chủ nhiệm đề án “Thousand Talents” do Chính phủ Trung Quốc đề xuất năm 2011 Dan Zhang khẳng định, những người trở về là lực lượng đứng sau phần lớn trường hợp cấp phép dược phẩm tại Trung Quốc. Yếu tố kinh nghiệm về lâu dài sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong nỗ lực nâng chất lượng ngành dược Trung Quốc ngang tầm thế giới, đặc biệt khi Bắc Kinh đã là thành viên Hội nghị quốc tế về hài hòa hóa thủ tục đăng ký dược phẩm sử dụng cho con người (ICH). Việc gia nhập cũng cho thấy ý định của Trung Quốc hình thành hệ thống quản lý theo khuôn mẫu các thành viên sáng lập ICH là Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản.

Cùng với chiến lược thu hút nhân tài, triển vọng tăng trưởng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học sự sống tại Trung Quốc cũng đang tạo động lực để các nhà đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp đưa các công ty dược sinh học vào danh mục đầu tư tiềm năng. Tính đến tháng 6-2017, công ty tư vấn ChinaBio cho biết lĩnh vực khoa học sự sống trong 2 năm rưỡi qua đã huy động được 45 tỉ USD vốn đầu tư. Phần lớn nguồn tiền này phục vụ các sáng kiến ​​về công nghệ sinh học.

MAI QUYÊN (Theo Nature)

Chia sẻ bài viết