09/04/2010 - 22:02

Bữa tiệc trấn an

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chọn Praha, Thủ đô của CH Czech, để ký với người đồng nhiệm Nga Dmitry Medvedev Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START), đồng thời tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh đa phương không chính thức giữa ông và 11 nhà lãnh đạo Trung và Đông Âu.

Với ông Obama, Praha có tính “biểu tượng kép”: Nơi mà cách đây một năm, ông có bài phát biểu bày tỏ “mong muốn xây dựng một thế giới phi hạt nhân” và là nơi từng diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa cựu Tổng thống Bill Clinton (cùng đảng Dân chủ với ông Obama) và các vị nguyên thủ của Czech, Slovakia, Ba Lan và Hulgarie tháng 1-1994.

Nếu trong cuộc gặp khi xưa, ông Bill Clinton hướng tới mục tiêu giúp các nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) nhằm tạo ra cái gọi là “một châu Âu hội nhập, dân chủ, thịnh vượng, an ninh và tự do”, thì nay ông Obama muốn trấn an các nước cựu Xô-viết rằng Washington sẽ không “gạt họ khỏi cuộc chơi” dù mối quan hệ giữa Mỹ với Nga thời gian qua tiến triển tốt đẹp.

“Tổng thống Mỹ đảm bảo với chúng tôi rằng chúng tôi vẫn là một phần của khu vực châu Âu-Đại Tây Dương”- Thủ tướng Cộng hòa Czech Jan Fishcher nói với phóng viên báo chí sau khi ông Obama dùng bữa cơm chiều với lãnh đạo của 11 nước Trung và Đông Âu tại Đại sứ quán Mỹ ở Thủ đô Praha hôm 8-4.

Có thể nói, việc ký kết START mới là một thành quả đối ngoại quan trọng của ông Obama, nhưng người ta cho rằng nó chỉ là bước khởi đầu mang giá trị tượng trưng cho một mơ ước “vì thế giới không có vũ khí hạt nhân” khó trở thành hiện thực. Mặc khác, dù Mỹ đã thành công trong việc đưa các nước Trung và Đông Âu gia nhập NATO và EU như cam kết thì khu vực này ngày nay vẫn thấy mình bị chính quyền Obama “bỏ rơi”.

Các nước Trung và Đông Âu lo “hụt hẫng” khi mà EU chưa thể có hệ thống phòng thủ chung để tự đảm bảo an ninh cho tất cả các quốc gia thành viên. Vì thế, trong một bức thư chung gởi ông Obama tháng 7-2009, một số cựu tổng thống Trung và Đông Âu bày tỏ quan ngại về sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực này. Họ đề nghị Obama và các nhà lập chính sách Mỹ nhớ đến lợi ích của các đồng minh khi thương thảo với Nga và xem xét kế hoạch lá chắn tên lửa, đồng thời cảnh báo rằng từ bỏ hệ thống phòng thủ hoặc cho Nga một vai trò quá to lớn trong hệ thống này sẽ “hủy hoại uy tín của Mỹ trong toàn khu vực”.

Tuy nhiên, hai tháng sau đó, Nhà Trắng tuyên bố hủy bỏ kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ba Lan và CH Czech, vốn được coi là “niềm hy vọng duy nhất” thể hiện sự cam kết và tin cậy của Mỹ dành cho khu vực. Và “châu Âu mới” thật sự bị “sốc” khi tháng 10-2009, ông Obama thông báo không thể sang tham dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ.

“Hiện có mối lo sợ ở Trung và Đông Âu rằng mối quan tâm xây dựng quan hệ bền chặt xuyên Đại Tây Dương đang bị đánh đổi lấy quan hệ với Nga”, Alexandr Vondra, cựu ngoại trưởng Czech, bình luận. Đông Âu cũng bày tỏ mối lo ngại về vai trò yếu đi của NATO, và nhắc lại lời của Obama trong một hội nghị thượng đỉnh của liên minh gần đây, rằng “các kế hoạch phòng thủ cho mỗi một thành viên Liên minh cũng được hoan nghênh, nhưng không đủ để chấm dứt những lo ngại về mức độ sẵn sàng của toàn khối”.

Các nhà phân tích cho rằng khi những mối quan tâm mang nặng tính địa chiến lược của Mỹ về Afghanistan, Iran và Triều Tiên đòi hỏi Washington tìm kiếm sự trợ giúp về hậu cần và ngoại giao của Nga, thì sự lo lắng ở những nước được coi là “châu Âu mới” tăng lên rõ rệt. Cuộc chiến giữa Nga và Gruzia năm 2008 càng khiến mối lo đó thêm sâu sắc, vừa lo hành động của Nga vừa lo cách phản ứng của Mỹ.

“Cuộc chiến Gruzia chỉ ra rằng Mỹ chỉ muốn hoặc chỉ có thể hành động trong giới hạn nào đó đối với những xung đột quân sự trong khu vực này”, Angela E. Stent, từng là cố vấn cấp cao về Nga trong Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ và hiện hướng dẫn các nghiên cứu về Nga ở Đại học Georgetown, bình luận. Bà thêm rằng ý định của chính quyền Mỹ đối với các đồng minh Đông Âu vẫn chưa rõ ràng. “Cho đến nay, chúng ta đã nghe nói đến chính sách với Nga, nhưng chưa thấy chính sách đối với các láng giềng của Nga”.

Xem ra, bữa tiệc trấn an của ông Obama hôm 8-4 vừa qua vẫn chưa làm lãnh đạo các nước Trung và Đông Âu yên lòng.

KIẾN HÒA (Theo Le Monde, AFP)

Chia sẻ bài viết