02/06/2023 - 21:18

BRICS muốn đối trọng với G7 

HẠNH NGUYÊN (Theo DW, Japan Times)

Các quan chức ngoại giao của 5 nước thành viên BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nam Phi đã kêu gọi tái cân bằng trật tự thế giới trong cuộc họp tại thành phố Cape Town, Nam Phi hôm 1-6. Ðây là cuộc họp cấp ngoại trưởng đầu tiên của BRICS sau 4 năm. “Cuộc họp của chúng ta phải phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng thế giới này đa cực, đang tái cân bằng và những phương pháp cũ không thể giải quyết những tình hình mới”, Ngoại trưởng Ấn Ðộ Subrahmanyam Jaishankar nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc.

Các quan chức ngoại giao BRICS chụp ảnh chung tại cuộc họp hôm 1-6. Ảnh: Reuters

Nội dung thảo luận của cuộc họp kéo dài 2 ngày tập trung vào tiềm năng sử dụng những đồng tiền thay thế USD để thực hiện các giao dịch quốc tế và tăng cường Ngân hàng Phát triển mới của BRICS. Các nước thành viên của nhóm cũng trao đổi về việc cải cách Liên Hiệp Quốc, trong đó Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor chỉ trích sự thiếu vắng của một đại diện thường trực đến từ châu Phi tại Hội đồng Bảo an.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết nhiều quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS, bao gồm các “ông lớn” sản xuất dầu mỏ như Saudi Arabia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Theo Ðại sứ Nam Phi tại BRICS Anil Sooklal, hơn 20 nước đã “chính thức hoặc không chính thức” xin gia nhập khối. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc nói rằng Bắc Kinh hy vọng BRICS sẽ tiếp nhận các thành viên mới.

Tầm ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của BRICS

BRICS gần đây đã vượt G7 về đóng góp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cụ thể, BRICS đóng góp 31,5% vào GDP toàn cầu, trong khi tỷ lệ này của G7 chỉ là 30,7%, theo số liệu của hãng nghiên cứu kinh tế Acorn Macro Consulting (Anh). Khoảng cách trên dự kiến sẽ tăng trong năm nay, đặc biệt nếu có thêm quốc gia gia nhập BRICS. Kể từ khi thành lập năm 2006, BRICS chỉ một lần mở rộng là kết nạp thêm Nam Phi vào năm 2011.

Với sự tham dự của Nga cùng Trung Quốc, BRICS ngày càng được coi là một đối trọng mới nổi của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và sự mở rộng của nhóm có thể tăng cường ảnh hưởng kinh tế và chính trị của cả Mát-xcơ-va lẫn Bắc Kinh. Theo giới phân tích, một nhóm gồm Nga, Trung Quốc và ba nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới có thể sẽ đặt ra thách thức trực tiếp cho phương Tây.

Dù chưa có quyết định nào được đưa ra trong cuộc họp ngày 1-6, đã có sự đồng thuận về việc trình tài liệu chính thức để kết nạp thành viên mới khi các lãnh đạo BRICS gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg (Nam Phi) vào tháng 8 tới.

Ðược đề xuất đầu tiên bởi Trung Quốc hồi năm ngoái, kế hoạch mở rộng BRICS sẽ tăng số lượng đại diện từ các nước ở châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Ðông và châu Á, với danh sách các quốc gia quan tâm gồm Ai Cập, Nigeria, Mexico, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ… Ðại sứ Sooklal nhấn mạnh đây là tín hiệu tích cực cho BRICS bởi nó cho thấy sự tin tưởng của Nam bán cầu đối với sự lãnh đạo của khối. Thuật ngữ Nam bán cầu chỉ một nhóm khoảng 100 quốc gia, trong đó đa phần là nước đang phát triển và không liên kết.

Chia sẻ bài viết