21/06/2011 - 08:17

Bóng ma vỡ nợ vẫn lơ lửng giữa Eurozone

Người biểu tình tại quảng trường Neptuno ở
Thủ đô Madrid. Ảnh: AP

Các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã hoãn đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu có tiếp tục trợ giúp Hy Lạp vào mùa hè này hay không, khi cho rằng Athens phải thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” trước khi nhận được khoản giải ngân 12 tỉ euro tiếp theo trong gói giải cứu 110 tỉ euro cam kết của châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nếu không có khoản tiền này, xứ sở thần thoại khó tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ, gây lo sợ khắp Eurozone.

Hy Lạp lung lay

Bộ trưởng Tài chính 17 nước Eurozone đã nhóm họp suốt đêm 19 đến rạng sáng 20-6 tại Luxembourg, nhằm tìm ra cơ cấu về gói giải cứu mới dành cho Hy Lạp theo hướng thuyết phục các ngân hàng châu Âu, các quỹ lương hưu và các chủ nợ tư nhân giãn nợ cho nước này. Tuy nhiên, trong tuyên bố sau cuộc họp, các bộ trưởng chỉ cam kết sẽ thảo luận về gói giải cứu thứ hai, trong đó bên cạnh có thêm vốn vay chính thức (khoảng 100 tỉ euro) là phần giãn nợ tự nguyện của các nhà đầu tư tư nhân đang nắm giữ nợ của Hy Lạp. Còn quyết định cuối cùng về khoản giải ngân 12 tỉ euro mà Hy Lạp đang rất cần sẽ được đưa ra vào đầu tháng 7, và phụ thuộc vào việc Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou có thể vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội nước này vào hôm nay 21-6 hay không. Các bộ trưởng tài chính dự kiến trong khoản 12 tỉ USD này, các nước Eurozone góp 8,7 tỉ euro, còn IMF góp 3,3 tỉ euro. Nếu không nhận được khoản giải ngân kế tiếp, Hy Lạp đối mặt nguy cơ cạn tiền mặt vào giữa tháng 7 tới.

Tình hình này cho thấy sau một năm nhận được 53 tỉ euro trong quỹ giải cứu, Hy Lạp vẫn đối mặt với cuộc khủng hoảng diễn biến ngày càng tồi tệ. Điều này làm gia tăng sự hoài nghi rằng Athens có thể siết chặt chi tiêu hơn nữa, nhằm “trả giá” cho gói giải cứu.

Tây Ban Nha lao đao

Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, hàng chục ngàn người gồm cả người già, thanh niên, người có việc làm và thất nghiệp, đã xuống đường biểu tình rầm rộ tại Thủ đô Madrid hôm 19-6. Họ bày tỏ sự tức giận với chính phủ khi để tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và viễn cảnh kinh tế ảm đạm. Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra ở nhiều thành phố khác trong đó có Barcelona ở phía Bắc, Valencia ở phía Đông và Seville ở phía Nam.

Gần 2 năm suy thoái đã khiến Tây Ban Nha lao đao với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 21,3%, gấp đôi so với năm 2007, cao nhất trong khối Eurozone, và nợ nần chồng chất. Tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 16-29 tăng tới 35%. Nhiều thanh niên học thức cao cũng không thể tìm được việc làm, trong lúc nền kinh tế lớn thứ tư của Eurozone tăng trưởng ì ạch.

Chính quyền Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero đã nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng nợ bằng cách cắt giảm chi tiêu, đóng băng lương hưu, tăng tuổi nghỉ hưu và tạo điều kiện dễ hơn cho các công ty phí thuê mướn nhân công. Tuy nhiên, việc Tây Ban Nha không cần hoặc không cầu cứu gói giải cứu quốc tế như các nước Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, kể từ khi rơi vào suy thoái năm 2008, đang gây ra sự lo sợ khắp châu Âu, vì đây là nền kinh tế quy mô lớn thứ tư trong khu vực Eurozone.

Tuy nhiên, Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker cảnh báo rằng không phải Tây Ban Nha mà là Ý và Bỉ có thể gặp nguy cơ vỡ nợ tiếp theo, nếu gói giải cứu mới đang đàm phán cho Hy Lạp dẫn tới sự thua lỗ của các chủ nợ tư nhân và các thị trường tài chính.

N. MINH
(Theo Guardian, NYT, WSJ)

Người biểu tình tại quảng trường Neptuno ở Thủ đô Madrid. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết