Những năm gần đây, Bóng đá Việt Nam gây được tiếng vang lớn trên đấu trường quốc tế với những thành tích ấn tượng của các đội tuyển quốc gia và cả CLB khi tham dự AFC Champions League. Thành công đó là nhờ sự quan tâm đầu tư vào phát triển Bóng đá trẻ của các CLB, trung tâm đào tạo trên cả nước. Tuy nhiên, đó là thành quả của một số ít lò đào tạo, chứ chưa thể khẳng định sức mạnh vững chắc.

Các cầu thủ Viettel trong chiến thắng CLB Kaya ở AFC Champions League. Ảnh: AFC
Mới đây, CLB Bóng đá Viettel đã kết thúc hành trình tại AFC Champions League sau chiến thắng tối thiểu 1-0 trước CLB Kaya Illoilo FC (Philippines). Trong lần đầu tiên tham dự giải đấu danh giá châu lục cấp CLB, đội bóng của HLV Trương Việt Hoàng giành được 2 chiến thắng và thua 4 trận, rời giải với vị trí thứ 3 bảng F. Tuy không thể vào sâu tại AFC Champions League, nhưng thành tích của Viettel giúp Việt Nam có thêm 3 điểm trên bảng thứ tự AFC dành cho các giải cấp CLB. Theo footyrankings, Việt Nam đang có 39,232 điểm ở vị trí 12, còn Triều Tiên bị đẩy xuống dưới với 36,257 điểm. Việt Nam đang đứng thứ năm ở khu vực phía Đông của AFC, sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan. Do các nước đứng sau không còn CLB ở AFC Champions League, Việt Nam gần như chắc chắn bảo toàn được vị trí cho đến hết năm nay. Bảng thứ tự AFC sẽ xác định mỗi quốc gia có bao nhiêu suất AFC Champions League và AFC Cup. Vì vậy, với vị trí này, khi kết thúc mùa giải 2021 và 2022, Việt Nam sẽ có thể tìm kiếm một suất vòng bảng và hai suất play-off AFC Champions League ở mùa 2023.
Viettel là một trong những CLB làm tốt công tác đào tạo trẻ tại Việt Nam, dù ra đời muộn hơn so với Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội hay PVF. Kế thừa truyền thống của CLB Thể Công danh tiếng một thời, hệ thống đào tạo trẻ của Viettel được xây dựng bài bản, là một trong những trung tâm mạnh với lực lượng HLV đông đảo, cơ sở vật chất hiện đại. Những năm gần đây, lò đào tạo Viettel luôn đóng góp số lượng lớn cầu thủ cho các đội tuyển quốc gia U16, U19, U21, U22 Việt Nam; đặc biệt ở đội tuyển quốc gia với những gương mặt như: Tiến Dũng, Hoàng Đức, Đức Chiến...
Không thể phủ nhận những thành công vang dội của Bóng đá Việt Nam thời gian gần đây, với những cầu thủ trưởng thành từ các lò đào tạo như Viettel. Thế nhưng, cũng cần nhìn nhận rằng, số CLB làm tốt công tác đào tạo trẻ hiện tại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhìn vào danh sách tập trung đội tuyển quốc gia và U23 quốc gia thời gian qua có thể thấy hầu hết là cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội, Sông Lam Nghệ An, thỉnh thoảng có thêm cầu thủ của Nam Định, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh, mà thực chất có khi là những cầu thủ từ lò PVF về đầu quân. Với hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hiện tại có tổng cộng 27 CLB (14 tham dự V.League và 13 hạng Nhất), nhưng chỉ có ngần ấy CLB đào tạo trẻ hiệu quả là quá ít cho nền móng của Bóng đá quốc gia.
Thế nên, việc các CLB Bóng đá Việt Nam đang tranh thủ thời điểm tạm dừng các giải do dịch COVID-19 để đầu tư cải thiện sân bãi, cơ sở vật chất, nâng chất khâu tổ chức trận đấu là một tín hiệu đáng mừng. Bởi không thể dựa vào một thế hệ cầu thủ để đánh giá sự đi lên về lâu dài, mà cần nhìn nhận ở cấp CLB với sự vào cuộc đầy quyết tâm và trách nhiệm trong công tác đào tạo trẻ. Có như thế mới hy vọng nâng cao được đẳng cấp, rút ngắn khoảng cách với những ông lớn ở châu lục...
MINH - NGUYÊN