Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc) diễn ra tại Washington ngày 25-9 (giờ Việt Nam) đã quyết định “chính thức hóa” các cuộc họp thượng đỉnh thường niên của nhóm nhằm tăng cường và mở rộng hợp tác đối phó với các thách thức từ Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy an ninh, thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Các lãnh đạo Bộ tứ tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Nhà Trắng hôm 25-9. Ảnh: Kyodo News
Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 giờ đồng hồ ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nêu rõ: “Chúng tôi ủng hộ pháp quyền, tự do đi lại trên biển và trên không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”. Tuyên bố chung có đoạn: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết thúc đẩy trật tự dựa trên các quy tắc tự do và rộng mở, lấy luật pháp quốc tế làm gốc và không bị cưỡng ép, nhằm tăng cường an ninh và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và xa hơn nữa”.
Tuyên bố trên được cho nhằm vào các hành vi cưỡng ép, xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, đặc biệt là trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Bộ Tứ cũng lên tiếng ủng hộ các đảo quốc nhỏ, đặc biệt là tại Thái Bình Dương, nhằm tăng cường sự bền vững về kinh tế và môi trường tại khu vực này. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên nhằm tăng cường và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực then chốt trong kỷ nguyên mới.
Bộ tứ cũng thông báo một số thỏa thuận mới, bao gồm một thỏa thuận tăng cường an ninh chuỗi cung ứng cho chất bán dẫn và chống đánh bắt cá trái phép cũng như nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí triển khai mạng lưới viễn thông 5G “an toàn, rộng mở và minh bạch”, hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng “minh bạch, tiêu chuẩn cao”. Tuyên bố chung nêu rõ các nước sẽ bắt đầu triển khai “quan hệ hợp tác mới” trong lĩnh vực không gian, trong đó có việc chia sẻ dữ liệu vệ tinh vì mục đích hòa bình như theo dõi biến đổi khí hậu và ứng phó thảm họa. Việc thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực 5G, chất bán dẫn, cơ sở hạ tầng và không gian thể hiện sự lo ngại của Bộ tứ về những thách thức an ninh mới từ Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Về cuộc chiến chống COVID-19, các nhà lãnh đạo cũng có động thái mở rộng bao phủ vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới, hoan nghênh kế hoạch của Ấn Độ nối lại xuất khẩu vaccine vào cuối tháng 10 với dự kiến 8 triệu liều. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về những tiến triển mới nhất trong nỗ lực cung cấp 1 tỉ liều vaccine cho khu vực Đông Nam Á đến trước cuối năm 2022, trong đó có việc đầu tư cho năng lực sản xuất vaccine của Ấn Độ.
Phản ứng về hội nghị trực tiếp đầu tiên của Bộ tứ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên mạnh mẽ chỉ trích rằng: “Một bè phái khép kín, độc quyền nhằm vào các nước khác đi ngược lại xu thế của thời đại và nguyện vọng của các nước trong khu vực. Nhóm này sẽ không nhận được sự ủng hộ và chắc chắn sẽ thất bại”.
Kết thúc trò “ngoại giao con tin”
Sáng 25-9 (giờ Việt Nam), Bộ Tư pháp Canada xác nhận bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc, đã được tự do rời khỏi Canada. Bà Mạnh là con gái của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi và được gọi là “công chúa Huawei”.
Tòa Tối cao British Columbia trước đó đã ký lệnh phóng thích bà Mạnh và chấm dứt quá trình dẫn độ sang Mỹ. Quyết định này được đưa ra sau khi bà Mạnh đạt được một thỏa thuận hoãn truy tố với Mỹ. Bà Mạnh tham gia theo hình thức trực tuyến một phiên điều trần được tổ chức tại tòa án liên bang ở Brooklyn (New York) ngày 24-9. Trong đó, bà thừa nhận đã đưa ra “các tuyên bố sai cố ý” khiến một ngân hàng Mỹ vi phạm lệnh cấm vận Iran khi tin rằng Huawei không có hoạt động kinh doanh nào tại Iran. Đổi lại sự thừa nhận này, phía Mỹ đồng ý hoãn truy tố và sẽ hủy toàn bộ cáo buộc vào ngày 1-12-2022 nếu bà Mạnh “không phạm các tội liên bang, tiểu bang hoặc địa phương” của Mỹ.
Ngay sau bà Mạnh được phóng thích, hai công dân Canada Michael Spavor và Michael Kovrig đã được Trung Quốc trả tự do và đang quay về Canada. Hai người này bị bắt giữ vào tháng 12-2018, không lâu sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh theo yêu cầu của Mỹ. Ottawa cáo buộc Bắc Kinh sử dụng trò “ngoại giao con tin” này để trả đũa.
Dù vụ án kéo dài gần 3 năm liên quan đến bà Mạnh tạm thời kết thúc, giới phân tích cho rằng sự căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc với Canada và Mỹ sẽ không sớm được cải thiện.
|
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)