02/05/2019 - 19:27

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ trước sức ép từ chức 

Theo giới quan sát, việc Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr (ảnh) từ chối tham gia phiên điều trần trước Hạ viện có thể châm ngòi “cuộc chiến” đang leo thang giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và phe Dân chủ tại Quốc hội.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Hôm 1-5, Bộ trưởng Barr có phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện về cách ông xử lý và công bố báo cáo điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Trong hơn 4 tiếng đồng hồ, vị bộ trưởng này đã bác bỏ chỉ trích liên quan lá thư “phàn nàn” của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, vốn cho rằng bản tóm lược do ông soạn thảo khiến công chúng “mập mờ” về các khía cạnh quan trọng của cuộc điều tra. Ông Barr cũng phản bác cáo buộc của đảng Dân chủ, rằng ông đang cố “bảo vệ” Tổng thống Trump khỏi nguy cơ bị truy tố về hành vi cản trở công lý trong khi cuộc điều tra không có kết luận như vậy.

  Cho đến nay, đã có ít nhất 6 ứng viên của đảng Dân chủ tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020 kêu gọi Bộ trưởng Barr từ chức, cáo buộc ông bóp méo sự thật và ra sức bảo vệ Tổng thống Trump. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren coi ông Barr là “sự hổ thẹn”, cho rằng ông đã nỗ lực lái nội dung báo cáo của ông Mueller. Bà Warren cũng liên tục kêu gọi Quốc hội bắt đầu các thủ tục luận tội chống lại Tổng thống Trump. 

Bất chấp lời kêu gọi từ chức của một số nghị sĩ đảng Dân chủ, Bộ trưởng Barr nói rằng báo cáo điều tra đang nằm trong tay người dân Mỹ và các bên nên ngừng sử dụng hệ thống tư pháp như “vũ khí chính trị”. Trong tuyên bố nghiêng về ông chủ Nhà Trắng, ông Barr khẳng định Tổng thống Trump đã bị bôi nhọ một cách bất công với hai năm cầm quyền gần như bị chi phối bởi những cáo buộc hiện đã được chứng minh là sai. Trả lời phỏng vấn tờ Fox News, Tổng thống Trump ca ngợi sự thể hiện của Bộ trưởng Tư pháp, đồng thời nói rằng lời kêu gọi ông Barr từ chức là hết sức “vô lý”.

Vòng 2 phiên điều trần dự kiến diễn ra tại Ủy ban Tư pháp Hạ viện ngày 2-5, nhưng chủ tịch Jerrold Nadler cho biết cơ quan này đã nhận được thông báo ông Barr không tham dự. Phát biểu trước báo giới, ông Nadler nói rằng động thái né tránh như vậy cho thấy Bộ trưởng Barr “sợ” phải làm chứng về việc ông đã “không trung thực”. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Tư pháp Kerri Kupec cho biết ông Barr vắng mặt là do không tán thành chủ ý của ông Nadler. Bà Kupec khẳng định ông Barr tình nguyện tham gia điều trần nhưng việc ông Nadler cho phép các thành viên ủy ban thẩm vấn Bộ trưởng Tư pháp là trường hợp “chưa từng có, không phù hợp và không cần thiết”. 

Trong nỗ lực gây sức ép, phe Dân chủ tại Hạ viện tuyên bố sẽ ra trát nhằm buộc Bộ trưởng Tư pháp ra làm chứng. Ông Nadler còn cảnh báo cơ quan này sắp tới có thể bỏ phiếu để tuyên bố ông Barr chống lại Quốc hội sau khi Bộ Tư pháp không tuân thủ yêu cầu của Ủy ban Tư pháp Hạ viện nộp bản đầy đủ các báo cáo điều tra của công tố viên Mueller, vốn đã hết hạn vào ngày 1-5.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết