23/09/2018 - 15:14

Biết mình là ai khi vay tiêu dùng 

Điểm tín dụng cá nhân là gì?

Trong cuộc sống không phải ai cũng dễ dàng vay tiền người khác. Khả năng trả nợ, tín nhiệm cá nhân là điều người khác đánh giá để sẵn sàng cho bạn vay, hay từ chối. Tương tự như vậy, đối với khách hàng vay tiêu dùng, các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ phải căn cứ vào lịch sử vay mượn của họ để xem có đủ tin cậy để giải ngân hay không.

Vì TCTD là một hệ thống rất nhiều đơn vị, khách hàng lại có thể vay tại nhiều nơi, nên những khoản vay lớn/nhỏ, bằng mọi phương thức của khách hàng đều được các TCTD cung cấp về Trung tâm Thông tin tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước-CIC (NHNN) hoặc Công ty cổ phần Thông tin tín dụng Việt Nam-PCB. Thông tin bao gồm việc thanh toán khoản vay/ mua bảo hiểm/ thẻ tín dụng bao gồm lịch sử vay, lãi suất (LS), thời gian thanh toán, địa điểm giao dịch và một số các thông tin cá nhân đã được khách hàng đồng ý chia sẻ trong hợp đồng vay/ mua bảo hiểm/ mở thẻ... đều được tập hợp lại thành một bộ hồ sơ tín dụng mang tên khách hàng và được CIC ghi nhận, cập nhật và lưu trữ trong vòng 3-5 năm. Các TCTD khác trước khi cho khách hàng vay sẽ tìm hiểu thông tin trên hệ thống này, phân tích các dữ liệu có trong hồ sơ tín dụng, từ đó đánh giá uy tín, mức độ tín nhiệm của khách hàng để chấm điểm tín dụng khách hàng cá nhân.

Điểm tín dụng tốt giúp khách hàng vay nhanh, lãi rẻ

Vay tiêu dùng là hình thức vay tín chấp không cần tài sản đảm bảo,  do đó bộ phận thẩm định của TCTD rất chú trọng đến các khoản vay trước của khách hàng. 

Lịch sử tín dụng được đánh giá là tốt khi khách hàng có khoản nợ được phân loại từ nhóm 1 (đủ tiêu chuẩn) và được chấp nhận vay vốn ở hầu như tất cả ngân hàng hoặc công ty tài chính. Khách hàng có khoản nợ được phân loại vào nhóm 2 (cần chú ý) thì tùy thuộc vào điều kiện từng nơi có thể được xét duyệt có chấp nhận cho vay vốn tiếp hay không.  Lịch sử tín dụng được đánh giá là kém (nợ xấu) khi khách hàng có khoản nợ được phân loại từ nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (nghi ngờ) và nhóm 5 (khả năng mất vốn cao) và khi rơi vào các nhóm này hầu hết các TCTD đều từ chối cho vay.

Hiện nay, nhiều người vẫn không biết rằng lịch sử vay mượn của mình được các TCTD đang chia sẻ thông tin vay nợ thông qua các trung tâm thông tin tín dụng. Một số người nghĩ rằng có thể giấu TCTD khi đi vay tiêu dùng về các khoản nợ mình đã không trả được. Chị Nga (TP HCM) đặt vấn đề vay 30 triệu từ một TCTD, không hiểu sao mình bị từ chối vì chị cho rằng mình chưa đi vay tiêu dùng bao giờ, sau nhân viên tín dụng cho biết chị đã từng sử dụng Credit card mua vượt quá 50% giới hạn nợ.   

Hậu quả của việc bị xếp vào nhóm nợ xấu của các khoản vay trước là sẽ không thể vay ở bất kì TCTD nào khác cho dù có tài sản thế chấp hay chứng minh được thu nhập, khả năng chi trả.

Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến hồ sơ vay tín chấp bị từ chối là khoản vay quá lớn trong khi thu nhập hàng tháng của người đi vay lại không tương xứng. Nhân viên TCTD sẽ có cách tính xem sau khi trừ đi mọi chi phí sinh hoạt thì khách hàng có đủ tiền để chi trả cho khoản vay hay không. Chẳng hạn, thu nhập của khách hàng 15 triệu/tháng, chi phí sinh hoạt 9 triệu/tháng. Khoản tiền hàng tháng theo tính toán  phải  trả  cho khoản vay lớn hơn 6 triệu thì nhiều  khả năng bị TCTD từ chối cho vay vì khách dễ rơi vào nhóm nợ 2 không chắc chắn về khả năng trả nợ đúng hạn.

Vì những nguyên nhân trên, người vay tiêu dùng nên nâng cao nhận thức và quan tâm đến chấm điểm tín dụng cá nhân một cách cẩn thận. Trước khi vay TCTD, nên xem trước mình phải trả mỗi tháng là bao nhiêu. Sau khi đánh giá nhu cầu của mình cũng như mức thu nhập hiện tại nên ấn định mức vay mà chi phí trả nợ mỗi tháng không quá 50% thu nhập để bảo đảm cuộc sống. Nếu vẫn còn lịch sử nợ xấu chưa trả được thì cố gắng trả hết trước khi đi gặp các Công ty tài chính. Nếu người vay có điểm tín dụng cá nhân tốt thì có thể “mặc cả” với TCTD để nhận được khoản vay lớn, LS thấp.

 Đối với các công ty tài chính, ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc CIC có lời khuyên là cần tìm hiểu kỹ các thông tin về khách hàng trước khi đưa ra quyết định cho vay. Các thông tin này có thể là lịch sử vay nợ của khách hàng, có thể là các lịch sử thanh toán (nếu có) của khách hàng, nhằm hỗ trợ các TCTD có cái nhìn cụ thể và chính xác hơn về khách hàng vay của mình.

Phương Anh

Chia sẻ bài viết