22/08/2008 - 22:46

Biển Việt Nam và các chế độ pháp lý

* Đại tá NGUYỄN DUY TỶ
Chỉ huy trưởng Đoàn M27/Vùng E Hải Quân

Biển và đại dương có một vai trò vô cùng quan trọng, là cái nôi của sự sống và là chỗ dựa cho cuộc sống của loài người. Hướng ra biển là một xu thế tất yếu của nhân loại trong thế kỷ 21 khi mà các nguồn tài nguyên trên đất liền đang cạn dần.

Đất nước ta có bờ biển tiếp liền với Biển Đông. Biển Đông có một vị trí chiến lược quan trọng vào hàng bậc nhất trên thế giới, là trung tâm nối liền hàng loạt các vịnh, biển và đại dương khác. Biển Đông là một phần quan trọng của châu Á - Thái Bình Dương, là đầu mối giao thông hàng hải và hàng không huyết mạch giữa châu Âu, Trung Đông, châu Á và giữa các nước Đông Nam Á, châu Á với nhau... Xung quanh Biển Đông có chín quốc gia ven biển: Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, lndonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Brunei và Trung Quốc. Diện tích Biển Đông khoảng 3.447.000km2. Biển Đông có hai vịnh lớn là Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan. Vịnh Bắc Bộ nằm về phía Tây Bắc Biển Đông được bao bọc bởi bờ biển Việt Nam và bờ biển Trung Quốc, diện tích khoảng 123.700km2, dài khoảng 500 km, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 km, nơi hẹp nhất khoảng 220 km, chiều dài bờ biển phía Việt Nam khoảng 694km. Vịnh Thái Lan nằm về phía Tây Nam Biển Đông được bao bọc bởi bờ biển Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Malaysia, diện tích khoảng 293.000km2, chiều rộng trung bình khoảng 385km, độ sâu sâu nhất khoảng 80m-85m.

Bờ biển đất liền nước ta trải dài hơn 3.260km từ Bắc xuống Nam, với hơn 3.000 hòn đảo ven bờ và ngoài khơi, đặc biệt có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông với hàng trăm đảo, đá, bãi san hô, bãi ngầm... diện tích các vùng biển nước ta rộng trên 1.000.000km2. Biển nước ta có một vai trò vô cùng quan trọng về chiến lược kinh tế, an ninh, quốc phòng trước mắt và lâu dài cũng như có vị trí trọng yếu trên tuyến đường hàng hải chiến lược của thế giới đi qua Biển Đông. Do tầm quan trọng của Biển Đông nên đất nước ta thường xuyên phải đối đầu với sự tranh chấp quyết liệt, với những hành động lấn chiếm, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cũng như những hành vi xâm phạm vùng biển trái phép, vi phạm chủ quyền và lợi ích của Việt Nam trong các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển Việt Nam.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới biển. Trong một lần về thăm Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam (ngày 15-3-1961) Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4 năm 1975, Đảng và Nhà nước ta đã có quyết tâm đúng đắn, kịp thời giải phóng, tiếp quản quần đảo Trường Sa, giữ vững thế đứng của đất nước trên Biển Đông.

Ngay sau khi đất nước ta hoàn toàn độc lập, thống nhất, ngày 12-5-1977 Chính phủ ta ra tuyên bố (tuyên bố 77) về Nội thủy, Lãnh hải, vùng Tiếp giáp lãnh hải, vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 12-11-1982, Chính phủ ta ra tuyên bố về đường Cơ sở (tuyên bố 82) dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, đặt cơ sở pháp lý cho việc xác lập các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Với hai bản tuyên bố này, đất nước ta có một vùng biển rộng gấp mấy lần lãnh thổ đất liền, mà chúng ta có trách nhiệm phát triển kinh tế, quản lý, bảo vệ. Đường Cơ sở: Theo tuyên bố năm 1982 của Chính phủ nước CHXHCNVN, Đường Cơ sở (là căn cứ để xác định ranh giới của tất cả các vùng biển) của Việt Nam là đường nối liền của 11 điểm có tọa độ đã xác định, gồm: điểm A1 (hòn Nhạn thuộc quần đảo Thổ Chu tỉnh Kiên Giang); điểm A2 (hòn Đá Lẻ thuộc quần đảo Hòn Khoai tỉnh Cà Mau); điểm A3, A4, A5 (hòn Tai Lớn, hòn Bông Lang, hòn Bảy Cạnh thuộc quần đảo Côn Sơn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu); điểm A6 (hòn Hải thuộc tỉnh Ninh Thuận); điểm A7, điểm A8 (hòn Đôi, mũi Đại Lãnh thuộc tỉnh Khánh Hòa); điểm A9 (hòn Ông Căn thuộc tỉnh Bình Định); điểm A10 (đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi); điểm A11 (đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị). Hệ thống này được xác định theo kiểu đường cơ sở thẳng (theo Công ước luật biển 1982). Hiện nay Đường cơ sở của Việt Nam còn để ngỏ hai điểm: điểm Ao nằm trên giao điểm giữa đường thẳng nối liền Hòn Nhạn (quần đảo Thổ Chu) với hòn Ông (quần đảo Poulowai- Campuchia) và điểm kết thúc ở cửa vịnh Bắc Bộ là giao điểm đường cửa vịnh Bắc Bộ với đường phân định biển trong vịnh Bắc Bộ.

Cần chú ý rằng đường Cơ sở không phải là đường Biên giới quốc gia trên biển nhưng nó là cơ sở để xác định đường biên giới đó. Đường Biên giới của nước ta trên biển chính là ranh giới bên ngoài của Lãnh hải, chạy song song với đường Cơ sở và cách đường cơ sở 12 hải lý.Nội thủy là vùng nước nằm bên trong đường Cơ sở. Theo tuyên bố 77, Nội thủy của nước CHXHCN Việt Nam bao gồm: Vùng biển nằm phía trong đường Cơ sở của Việt Nam; vùng biển nằm trong đường Cơ sở của hai Quần Đảo Trường Sa và Hoàng Sa; vùng nước Lịch sử Việt Nam - Campuchia. Trong Nội thủy nước ta có chủ quyền hoàn toàn, tối cao và đầy đủ như trên lãnh thổ đất liền không chỉ với vùng nước mà cả vùng trời, vùng đáy biển và vùng đất dưới đáy biển.Lãnh hải của Việt Nam được xác lập theo tuyên bố 77, theo đó chiều rộng của lãnh hải là 12 hải lý tính từ đường Cơ sở trở ra. Trong Lãnh hải nước ta thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn cả vùng nước, vùng trời, đáy biển và vùng đất dưới đáy biển. Riêng lãnh hải của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa sẽ được xác lập khi vấn đề chủ quyền được giải quyết.Vùng Tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm ngoài Lãnh hải, tiếp giáp với Lãnh hải. Theo tuyên bố 77, vùng Tiếp giáp lãnh hải của nước ta rộng 12 hải lý. Trong vùng tiếp giáp lãnh hải nước ta có quyền kiểm soát nhằm bảo vệ an ninh, bảo vệ các quyền lợi về hải quan, thuế khóa, bảo đảm sự tuân thủ các quy định về y tế, di cư trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.Vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo tuyên bố 77 được xác lập là 200 hải lý tính từ đường Cơ sở. Nhà nước Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước, đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển của vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.Thềm lục địa Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của lục địa Việt Nam cho đến bờ ngoài cùng của rìa lục địa; nơi nào rìa ngoài của bờ lục địa cách đường Cơ sở không đến 200 hải lý thì Thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra đến 200 hải lý kể từ đường Cơ sở. Nhà nước Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả tài nguyên thiên nhiên ở Thềm lục địa bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên sinh vật, tài nguyên không sinh vật thuộc loài định cư tại Thềm lục địa Việt Nam.

Như vậy, theo công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, các tuyên bố của Chính phủ ta năm 1977 và 1982, các Hiệp định ta đã ký kết với các nước trong khu vực và các văn bản liên quan khác, hiện nay các vùng biển của nước ta được xác lập như sau:+ Tại vùng Vịnh Bắc Bộ: Vùng nội thủy của ta vẫn chưa xác định vì ta chưa công bố đường cơ sở trong Vịnh Bắc Bộ. Các vùng còn lại xác lập theo Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 25 tháng 12 năm 2000.+ Tại vùng biển từ Vịnh Bắc Bộ đến Vịnh Thái Lan: Các vùng biển được xác lập căn cứ vào Đường Cơ sở Việt Nam (theo tuyên bố 82) và chiều rộng các vùng biển này được tính theo tuyên bố 77, gồm: vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng tiếp giáp lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa trải dài tới rìa ngoài của lục địa, nơi nào rìa lục địa không vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì tại nơi đó thềm lục địa mở rộng đến 200 hải lý.+ Tại vùng Vịnh Thái Lan: các vùng biển nước ta được xác lập theo tuyên bố của Chính phủ ta về đường cơ sở, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa. Phần tiếp giáp với các nước được tính như sau: Ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan được xác lập bằng đường thẳng KC (điểm K có vĩ độ 08046’54'’Bắc; kinh độ 102012’11'’Đông; điểm C có vĩ độ= 07049’00'’ Bắc, kinh độ 103002’30'’ Đông) theo Hiệp định phân định biển Việt Nam - Thái Lan ngày 9-8-1997. Ranh giới vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam chồng lấn với Malaysia và Thái Lan được xác định sau, tạm thời vùng chồng lấn được đặt dưới chế độ khai thác chung. Vùng chồng lấn với Indonesia chưa xác định được ranh giới cũng như chế độ pháp lý tạm thời. Vùng nước lịch sử chung Việt Nam - Campuchia được xác lập theo hiệp định 1982, ranh giới trong vùng nước lịch sử và ranh giới các vùng biển bên ngoài vùng nước lịch sử giữa hai bên cụ thể chưa được xác lập.

Bộ đội vùng E hải quân thường xuyên luyện tập sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: ĐẶNG KIÊN 

Để quản lý, bảo vệ và khai thác các tiềm năng trên các vùng biển Việt Nam, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã có những đường lối, chủ trương đúng đắn, kịp thời đáp ứng với yêu cầu trước mắt và lâu dài. Năm 1987, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 06/NQ-TW về bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tăng cường sự có mặt của Việt Nam ở Biển Đông và quần đảo Trường Sa.

Đại hội Đảng lần thứ VII đã thông qua phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền, quyền lợi quốc gia trên biển của nước ta đến năm 2000 là: “Từng bước khai thác toàn diện các tiềm năng to lớn của biển, phát triển kinh tế hải đảo, làm chủ lãnh hải và thềm lục địa, thực hiện chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế”. Ngày 6 tháng 5 năm 1993, Bộ Chính trị Đảng ta đã ra Nghị quyết 03/NQ-TW về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt. Hội nghị toàn thể BCHTW Đảng lần thứ 4 (khóa X), diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15-1 đến ngày 24-1-2007, đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020. Đây là một nghị quyết rất quan trọng, vừa có ý nghĩa cấp thiết trước mắt vừa cơ bản lâu dài. Mục tiêu tổng quát của chiến lược biển Việt Nam đến 2020 là: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm cho đất nước giàu mạnh”.

Với mục tiêu phát triển kinh tế biển nhằm góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kinh tế biển nước ta trên một số lĩnh vực và ngành có tính chất mũi nhọn như dầu khí, thủy sản, giao thông vận tải biển, dịch vụ hàng hải, du lịch biển, khai thác và chế biến khoáng sản biển... đã được chú trọng phát triển, đầu tư và đang có sự phát triển mạnh về công nghệ và kỹ thuật, về trình độ quản lý hợp tác và kinh doanh; từng bước trở thành các ngành và lĩnh vực giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh và điều kiện mới của đất nước ta hiện nay, cần xây dựng và nâng cao nhận thức công dân về vai trò quan trọng sống còn của biển đối với tương lai phát triển của dân tộc. Kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia và chủ quyền trên biển. Phát triển kinh tế biển không thể tách rời với bảo đảm quốc phòng an ninh trên biển. Đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền, giữ vững hòa bình và ổn định trên các vùng biển là điều kiện tiên quyết, là tiền đề cần thiết để phát triển khai thác biển và từng bước tiến ra biển một cách vững chắc. Ngược lại, phát triển mạnh mẽ các ngành khai thác biển sẽ tạo điều kiện tốt để củng cố quốc phòng, hỗ trợ các lực lượng vũ trang canh giữ vùng biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Do vậy, phát triển kinh tế biển, củng cố quốc phòng, giữ vững chủ quyền trên biển là hai nhiệm vụ quan trọng có liên quan mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau. Mọi hoạt động khai thác biển phải quán triệt và thể hiện đầy đủ, nghiêm túc yêu cầu về chủ quyền quốc gia, kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ kinh tế với củng cố quốc phòng an ninh nhằm chủ động ngăn ngừa và đẩy lùi các hành động xâm phạm chủ quyền, phá hoại an ninh chính trị và kinh tế trên biển. Các lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân chủng Hải quân và các lực lượng khác cùng với lực lượng dân quân tự vệ biển, cần kết hợp tốt giữa nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền với tích cực tham gia phát triển kinh tế biển, làm chỗ dựa vững chắc cho các ngành khai thác biển có điều kiện tiến ra khơi xa; tăng cường đầu tư, đồng thời sử dụng có hiệu quả các phương tiện và cơ sở vật chất kỹ thuật của lực lượng vũ trang thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam XHCN.

--------------------
(Tư liệu trong bài viết dựa theo Sổ tay pháp lý cho người đi biển - Ban Biên giới Bộ ngoại giao - 2002)

Chia sẻ bài viết