17/01/2022 - 20:38

Biến thách thức thành động lực 

MINH HUYỀN

Ðại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các startup ở ÐBSCL. Làm thế nào để hạn chế những tác động tiêu cực, thậm chí biến khó khăn thành "đòn bẩy" để tạo bứt phá cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNÐMST) của vùng trong năm 2022 và những năm tiếp theo là vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra. Bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ, tạo nên những chuyển đổi lớn mang tính đột phá đòi hỏi các startup phải định hình và hành động ngay từ bây giờ để không bị bỏ lại phía sau.

Năm 2021, Công ty TNHH Trà Vinh Farm (SokFarm) là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đoạt giải thưởng ASEAN Business Awards ở hạng mục Inclusive Business (Doanh nghiệp phát triển bao trùm). Trong ảnh: Đóng gói sản phẩm mật hoa dừa tại SokFarm. Ảnh: CTV

Nhận diện thách thức

Dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cả năm 2021 nhưng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động KNÐMST của Việt Nam nói chung cũng như của ÐBSCL nói riêng. Dù đây là thông tin lạc quan nhưng những khó khăn, thách thức tác động lên hoạt động khởi nghiệp phải được nhìn nhận, phân tích thấu đáo để tìm ra những hướng đi mới cho những năm tiếp theo. Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tái cấu trúc - Chuyển đổi số Dr. SME (Dr.SME), nhận định: "DN có đổi mới mô hình kinh doanh như thế nào cũng phải xác định rằng đối thủ cạnh tranh cũng đang chuyển đổi số rất nhanh, áp lực cạnh tranh vô cùng khốc liệt, rất khó để chúng ta có được mô hình đổi mới sáng tạo đột phá và tăng trưởng nhanh. Bên cạnh những kết quả đạt được của hoạt động KNÐMST là tin mừng nhưng cũng đi kèm những nỗi lo khi các đối thủ, các nước xung quanh cũng thay đổi rất nhanh. Vì vậy vấn đề đặt ra là hoạt động KNÐMST trong năm 2022 phải làm gì để giữ vững tốc độ. Bởi vì chúng ta đi nhanh, họ cũng nhìn thấy và đi nhanh hơn chúng ta. Vì vậy chúng ta không quá thỏa mãn, tự bằng lòng với những gì chúng ta làm được, mà phải đối mặt với thách thức là phải tự làm mới, phải đột phá bản thân, phải kết nối mở rộng các nguồn lực".

Nguồn nhân lực, một trong những điểm nghẽn đang trong quá trình cần khơi thông của ÐBSCL, cũng đóng vai trò quan trọng hàng đầu thúc đẩy KNÐMST ở ÐBSCL. Ông Lý Ðình Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn KNÐMST quốc gia (SHI), chia sẻ: DN ở ÐBSCL chủ yếu là các SME sáng tạo và phát triển dựa trên các tài nguyên bản địa là chủ yếu và cần có khát vọng, ước mơ đủ lớn để từng bước mở rộng thị trường ra cấp vùng, ra tầm quốc gia. Họ chưa có nhiều kỹ năng để vận hành như một DN số hoặc như những DN hoạt động với hệ thống quản trị trình độ cao, chưa có những kỹ năng của doanh nhân thời đại mới, hiện đại. Ðiều quan trọng là các SME đang gặp khó khăn và đang tìm mọi cách vượt qua khó khăn. Chúng ta phải chung tay tạo ra một môi trường mạnh mẽ, đột phá để tạo động lực cho các nguồn nhân lực hiện có, phải thay đổi cả tổ chức và trong từng cá nhân cũng như thay đổi tầm nhìn để ÐBSCL đủ sức bứt phá trong hoạt động KNÐMST.

Không ngừng chuyển đổi

Phải chuyển đổi số mãnh liệt đối với tất cả hoạt động khởi nghiệp là yêu cầu được nhiều chuyên gia đặt ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ông Vũ Tuấn Anh nói: "Trong câu chuyện KNÐMST chúng ta đã nói nhiều đến chuyển đổi mô hình kinh doanh, phấn đấu để có những kỳ lân khởi nghiệp. Nhưng thực tế muốn trở thành kỳ lân, người lãnh đạo DN phải lột xác hàng chục lần, hàng trăm lần. Ở đây chúng ta quan tâm đến câu chuyện lột xác của DN. Thay vì nghĩ đến những câu chuyện lớn, chúng ta phải nghĩ đến những câu chuyện nhỏ nhưng phải lột xác, biến đổi, thay đổi hằng ngày. Và tương tự vậy, câu chuyện số hóa, đổi mới sáng tạo phải được nghĩ đến và triển khai thực hiện hằng ngày, trong từng lĩnh vực. Như đối với khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở ÐBSCL đặt trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến quốc gia và khu vực, các vấn đề tồn tại trong nền kinh tế ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng ra sao... Các startup, các chuyên gia KNÐMST ở ÐBSCL nhìn nhận các vấn đề này để xác định được những định hướng cần triển khai, những bài toán cần giải đáp và những cơ hội cần nắm bắt để KNÐMST. Các SME sáng tạo cần xác định mục tiêu sinh tồn và phục hồi sau đại dịch.

Theo ông Lý Ðình Quân, trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, DN phải sắp xếp hoạt động, tinh gọn bộ máy, quay về những giá trị cốt lõi của chính mình, tìm mọi cách tạo ra nguồn doanh thu để bù đắp những tổn thất do đại dịch gây ra, tái cấu trúc lại hoạt động và các nguồn vốn. Dịch COVID-19 diễn ra khiến thị trường và khách hàng đều thay đổi, các chuỗi cung ứng cần được mở rộng để tiếp cận khách hàng hiệu quả. Ði kèm với đó là các giải pháp về chuyển đổi số, thương mại điện tử. Giải pháp chuyển đổi số và thương mại điện tử bắt đầu bùng phát từ năm 2020 và các DN không còn con đường nào khác ngoài chuyển đổi số và thương mại điện tử. Giải pháp đột phá về cơ chế, chính sách cho khởi nghiệp phát triển tập trung vào thu hút tài năng, tiếp cận vốn đầu tư phát triển với sự đa dạng nguồn vốn, hợp tác, liên kết các mạng lưới nguồn lực, liên kết chuỗi
giá trị.

Vùng ÐBSCL còn nhiều tiềm năng về khoa học và công nghệ, hội tụ đông đảo của đội ngũ trí thức, nhà khoa học và các chuyên gia đầy nhiệt huyết và kinh nghiệm; là nơi tập trung rất đông các viện nghiên cứu, trường đại học, cũng như các tổ chức khoa học, công nghệ. Ðây là điều kiện thuận lợi để hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển, cũng như là điều kiện thuận lợi để hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động KNÐMST của vùng ÐBSCL. Vì vậy, cần thúc đẩy hội thảo các chuyên gia và các chương trình giáo dục khởi nghiệp bằng nhiều hình thức; thúc đẩy hợp tác song phương đa dạng nguồn lực về hỗ trợ khởi nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, các cơ quan hỗ trợ khởi nghiệp cần lưu ý lựa chọn những dự án khởi nghiệp phù hợp để hỗ trợ với các tiêu chí như: chọn founder và đội ngũ dự án là ưu tiên hàng đầu, sản phẩm có sự khác biệt và nổi trội; sản phẩm, dịch vụ, có khả năng thương mại hóa và đầu tư, hỗ trợ nguồn lực. Các hoạt động hỗ trợ tập trung vào: hỗ trợ giai đoạn ươm tạo, sản phẩm mẫu, thử nghiệm thị trường, gọi vốn đầu tư, hỗ trợ giai đoạn thương mại hóa và chuyển giao công nghệ.

Chia sẻ bài viết