05/05/2019 - 08:17

Bia Ông Hổ 

Bia Ông Hổ còn gọi là tấm bình phong, là một trong những đơn nguyên kiến trúc tiêu biểu của đình Nam bộ. Mục đích chính của bình phong là ngăn chặn những gì xui xẻo, cũng như thể hiện sự kính trọng đối với các vị thần được thờ trong đình bằng cách dùng tấm bình phong này ngăn chặn mọi cái nhìn trực diện từ ngoài vào.

Mặt sau tấm bình phong ở đình Thới Thạnh (Ô Môn).

Theo Trần Lâm Biền và Trịnh Sinh, mục đích của bình phong là để chống luồng khí độc (đồng nhất với ma quỷ) thổi vào nơi của thần, thánh. Khảo sát điền dã cho thấy vị trí của bình phong thường ở sau nghi môn, với một khoảng cách tương xứng để không phá vỡ không gian rộng lớn của sân đình, đền. Nhưng nếu vị thần được thờ ở miền đất dữ (đất thấp, dễ lụt úng...) thì thường bình phong được đưa ra phía trước, gần sát mép nước (hồ, đầm, sông, lạch...).

Giá trị biểu tượng là sự tổng hòa nhiều ý nghĩa, chức năng tâm linh khác nhau. Trước hết, mặt bình phong phải kín để tránh cho khí độc lọt qua. Mặt chính ở phía trước phải đắp hổ vàng (có nơi đắp phù điêu 5 hổ, tượng cho 5 phương, gần đây có nơi thay bằng tượng 5 hổ), bởi màu này gắn với trung ương, có thể thay thế cho cả ngũ phương. Hổ được xem là thần cai quản mặt đất, có khả năng trừ tà sát quỷ nên được đặt ở ngoài để giữ bình yên cho mảnh đất thiêng của thần. Trong những hội dân gian, thường có lễ Kỳ yên (cầu an) với tục tế “mao yết” (mao huyết). Người xưa thường đựng huyết heo (thường phải là con heo đen) trong một cái bát, rồi lấy lông gáy heo để lên trên, đem tế thần. Phần ngoài của con heo được coi như đất trồng màu mỡ, trên đó cây cối, hình tượng bằng lông của nó gắn với sinh sôi nảy nở, mà nơi lông mọc dài nhất khỏe nhất là ở gáy. Còn máu heo màu đỏ, tượng trưng cho nguồn sinh khí thiêng liêng. Bát tiết có lông gáy heo, khi đưa lên bàn thờ thần linh, đã được coi như một gợi ý về ước vọng của con người muốn đề đạt lên thần, trong ý thức cầu phồn thực nông nghiệp... Nhưng đó mới chỉ là một khâu của tục này, bởi sau khi thần chứng giám, bát tiết có lông gáy sẽ được đưa ra cúng thần hổ, thần cai quản mặt đất, rồi chôn xuống  ngay trước mặt thần. Hành động đó như một khoán ước của cả thần và người trao cho thần hổ trách nhiệm trừ tà sát quỷ để mùa màng tốt tươi, xã hội yên bình. Mặt trong của bình phong thường là biểu tượng gắn với ngũ phúc (phú, quý, thọ, khang, ninh) hoặc tứ linh với rồng cuốn thủy...(1)

Bên trên là đặc điểm và ý nghĩa của tấm bình phong ở Bắc bộ. Đặc điểm và ý nghĩa này đã theo chân các đoàn lưu dân vào Nam khai khẩn vùng đất mới. Tính chất tự nhiên, lịch sử hình thành vùng đất, đặc điểm tộc người tại đây... đã làm cho tấm bình phong ở Nam bộ có ít nhiều thay đổi. 

Ở Nam bộ, tấm bình phong, trước hết theo quan niệm phong thủy là để che chắn những gì không hay, tạo sự kín đáo cho công trình phía trong; đồng thời là diện rộng để đắp vẽ trang trí những hình có tính chúc tụng. Ở đây, tấm bình phong được gọi là Bia Ông Hổ. Có thể nói, trang sử thứ nhất của vùng đất Nam bộ do lưu dân viết nên bắt đầu từ những ngày đánh cọp để tồn tại. Khi tới vùng đất này khai phá lập làng, ngoài việc gặp những cánh đồng, đầm lầy, rừng rậm bạt ngàn; họ còn gặp khá nhiều thú dữ, mà cọp là mối đe dọa thường xuyên. Chính thực tế lịch sử ấy đã tạo ra trong tâm thức con người cả hai thái cực: vừa sợ hổ, vừa sẵn sàng chinh phục hổ. Tâm lý ấy tạo ra việc thờ cúng Ông Hổ trong đình làng. Vì thế trên bình phong hướng từ cổng vào có vẽ hay đắp nổi hình hổ để canh giữ bảo vệ đình miếu. Hoặc cảnh rồng cọp vờn nhau tượng trưng cho âm dương hòa hợp, mưa thuận gió hòa... Dọc hai bên bình phong thường có câu đối: Hổ cứ sơn lâm phù xã tắc/ Long du nguyệt điện tráng sơn hà (Cọp chiếm núi rừng giữ đất nước/ Rồng dạo cung trăng giúp non sông). Cũng có đình đắp hình cá vượt vũ môn hay hình long mã chở cuốn thư nhằm đề cao sự học.

Một điểm đáng chú ý là ở mỗi ngôi đình phương Nam không thể thiếu bệ thờ Thần Nông hay còn gọi là Thần Xã Tắc. Bệ này xây bằng gạch, có người gọi là Đàn Xã Tắc. Đây là vị thần gắn với nghề nông, đã được tôn thờ phổ biến, lâu đời trên đất Bắc. Đàn Xã Tắc ở nông thôn là một dạng thu gọn Đàn Xã Tắc và Đàn Tiên Nông ở kinh đô. Nay theo lưu dân, Đàn Xã Tắc cũng không thể thiếu được trong tín ngưỡng thờ thần của người dân Nam bộ. Chỉ có một điều khác biệt là bệ thờ Thần Nông được gắn với mặt sau của bức bình phong. Ý nghĩa biểu tượng phối tự trên đây, vừa giữ nét truyền thống thờ Thần Nông vừa mang ý nghĩa mới, thờ Thần Hổ(2). Như vậy ở Nam bộ, bình phong vừa trừ tà, đồng thời để thờ Thần Nông và Thần Hổ.

Thần Nông còn gọi là Viêm Đế, tức là vị thiên đế cai quản các vùng nóng nực phương Nam; lại còn gọi là Xích Đế, tức là vị thiên đế màu đỏ, cai quản mặt trời. Thường thì người ta gọi Viêm Đế hoặc Xích Đế là Thần Nông vì thần đã khai sáng ra nghề nông. Tục truyền khi thần dạy dân gieo trồng ngũ cốc thì trên trời các loại hạt giống tự nhiên rơi xuống. Thần chọn một số loại, khai khẩn đất đai mà trồng cấy, sau đó đem nghề nông dạy cho dân. Truyện kể rằng có một con chim màu đỏ bay tới, miệng ngậm một nhánh lúa có chín bông, các hạt lúa ấy rụng xuống, Thần Nông gieo trồng giống lúa đặc biệt ấy. Vị thần này không chỉ dạy dân trồng ngũ cốc mà còn tìm ra các thứ cây thuốc để chữa bệnh cho con người, dạy dân họp chợ để trao đổi hàng hóa và sai mặt trời mọc và lặn đều đặn để cây cối tốt tươi(3).

Tục thờ Thần Hổ là vì tâm lý như đã nói ở trên: vừa sợ hổ vừa muốn diệt hổ để bảo vệ sự bình yên. Thậm chí, để hợp thức hóa tấm bia Ông Hổ, dân gian Nam bộ còn có câu chuyện về sự tích của tấm bình phong. Truyện kể rằng: Vào đời xưa, có hai vợ chồng nghèo và hiếm muộn đường con cái. Dầu vậy, hay vợ chồng vẫn hay giúp đỡ mọi người, làm phúc cho bà con chòm xóm. Lòng thành của hai vợ chồng thấu đến trời và một vị thần được sai xuống đầu thai. Ít lâu sau, người vợ mang thai, sanh được một đứa bé khôi ngô tuấn tú. Đứa bé lớn lên thành một chàng trai cao lớn, nên mọi người gọi chàng là cọp. Rồi hai vợ chồng mất sớm, chàng trai dựng một cái lều ven rừng để tiện kiếm củi. Vốn được cha mẹ dạy dỗ từ nhỏ, chàng trai cũng hào hiệp giúp đỡ dân làng. Hồi ấy, trong rừng có nhiều cọp, người dân khi vào rừng đốn củi phải đi thành nhóm năm bảy người. Để trừ họa cho dân làng, chàng trai nhiều lần đánh cọp. Người ta nhớ là chàng trai đã một mình hạ tới hai mươi con cọp ở rừng này. Dần dà, người dân yên ổn làm ăn. Sau một đêm mưa to gió lớn, người ta không thấy chiếc lều và chàng trai đâu nữa. Từ ngày ấy, nạn đói kém mất mùa xảy ra liên tục. Một bữa nọ, một cụ già trong làng nằm mơ gặp chàng trai. Chàng bảo: “Ta là con trời, được trời sai xuống giúp dân lành, nay ta về trời. Các ngươi muốn có ta, lập bình phong thờ ta trước đình, coi như ta còn đó!”. Vậy là dân làng xây một bình phong thờ Ông Cọp. Từ khi có bình phong này, dân làng làm ăn khấm khá ơn.

Theo đó, các làng khác trong vùng đều xây bình phong thờ Ông Cọp, ở cửa đình. Mỗi khi cúng đình, người ta đều cắm nhang và đặt mâm cỗ thờ Ông Cọp. Vì thế, các đình trong vùng này đều có bình phong thờ Ông Hổ phía ngoài, rồi tới am thờ Thổ Công, am thờ Ngũ Hành và nền lộ thiên thờ Thần Nông là thế(4). Tóm lại, bình phong cũng là một kiến trúc thành phần mang giá trị biểu tượng tâm linh(5). Tất cả nhằm thể hiện lòng mong muốn về sự trường tồn của thôn ấp, sự thịnh vượng của xóm làng và sự bình an cho cộng đồng.

.......................................

(1) Trần Lâm Biền - Trịnh Sinh (2017), Thế giới biẻu tượng trong di sản văn hóa, Nxb Hồng Đức, tr.119-120.

(2) Hồ Tường (chủ biên) - Nguyễn Hữu Thế (2005), Đình ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, tr.41-44.

(3) Đinh Gia Khánh (1991), Thần thoại Trung Quốc, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.45-46.

(4) Nguyễn Phương Thảo (1993), Mãnh hổ giữa đồng hoang, Nxb Văn  hóa dân  tộc, tr.12-14.

(5) Trần Lâm Biền - Trịnh Sinh, Sđd, tr.119                                                                         

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Bia Ông Hổ