24/04/2010 - 09:36

Bỉ lại lâm vào khủng hoảng chính trị

Ảnh: AFP

Chính trường Bỉ một lần nữa lâm vào khủng hoảng, khi hôm 22-4, Thủ tướng Yves Leterme (ảnh) đệ đơn từ chức chỉ sau 5 tháng nắm quyền, do một đối tác quan trọng rút khỏi liên minh cầm quyền. Diễn biến này xảy ra vào thời điểm Bỉ đang chuẩn bị đảm nhận cương vị chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Leterme buộc đưa ra quyết định từ chức khi đảng VLD Mở rộng của người nói tiếng Hà Lan (Flander) ở vùng Flamish, tỉnh phía Bắc nước Bỉ, rút khỏi liên minh 5 đảng vì bất đồng xung quanh cuộc tranh cãi lâu nay với cộng đồng nói tiếng Pháp ở phía Nam về các quy định bầu cử ở khu vực ngoại ô Brussels. VLD rút lui sau khi cuộc đàm phán kéo dài giữa các đảng về những khu vực sử dụng 2 ngôn ngữ không đạt được thỏa thuận về quyền bỏ phiếu đặc biệt, theo đó áp dụng cho cộng đồng khoảng 100.000 người nói tiếng Pháp ở quận ngoại ô Halle-Vilvoorde của Brussels.

Năm 2003, Tòa án Hiến pháp phán quyết việc quận Halle-Vilvoorde để 2 ngôn ngữ trong lá phiếu cử tri là bất hợp pháp vì vi phạm quy định phân chia các khu vực tiếng Pháp và Hà Lan. Các khu vực ở Bỉ được phân chia theo cộng đồng nói tiếng Hà Lan và Pháp, theo đó xác định ngôn ngữ được dùng cho những thứ như giấy thế chấp, tín hiệu giao thông, phiếu bầu cử và giấy ly hôn. Chỉ có ở Brussels chính thức sử dụng song ngữ, còn 20 thị trấn xung quanh thủ đô là nói tiếng Hà Lan. Do vậy, các chính khách nói tiếng Hà Lan lâu nay phàn nàn quận Halle-Vilvoorde để tiếng Pháp trên lá phiếu để cử tri bỏ phiếu cho các đảng nói tiếng Pháp ở thủ đô. Cuộc tranh cãi này kéo dài, trở thành vấn đề lớn ở đất nước có 6,5 triệu người nói tiếng Hà Lan và 4 triệu người nói tiếng Pháp. Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo của ông Leterme với đảng Tự do và Xã hội đã định hạn chót giải quyết vấn đề bỏ phiếu của quận này hồi tháng rồi, nhưng thất bại, dẫn tới chính phủ sụp đổ.

Liên minh 4 đảng còn lại (một đảng ở vùng Flemish nói tiếng Hà Lan và 3 đảng nói tiếng Pháp ở vùng Walloon) vẫn có thể chiếm đa số ở Quốc hội, nhưng rất mong manh, với 76 ghế trong 150 ghế ở Hạ viện. Điều này gây khó khăn cho chính phủ thông qua các dự luật.

Có thể nói, cũng vì vấn đề tranh cãi giữa hai cộng đồng ngôn ngữ, mà nước Bỉ từ gần 2 năm qua không có được chính quyền ổn định. Đây là lần thứ 3 ông Leterme đệ đơn từ chức lên Quốc vương Albert II, lần đầu vào tháng 7-2008 và lần thứ hai vào tháng 12-2008. Trở lại nắm quyền từ tháng 11-2009, thay thế ông Herman Van Rompuy (chuyển sang giữ chức Chủ tịch EU), Leterme cũng không thoát những rắc rối cũ.

Bỉ đang vất vả khôi phục kinh tế sau suy thoái, lại đối mặt nguy cơ khủng hoảng chính trị trong bối cảnh chuẩn bị tiếp nhận vai trò chủ tịch luân phiên EU vào ngày 1-7. Các nhà phân tích cho rằng Bỉ, vốn rất tự hào về vai trò “kinh đô của châu Âu” với các cơ quan chính của EU đặt tại Brussels, nhưng thật mỉa mai cho Brussels khi EU đang tìm cách đoàn kết 27 thành viên của khối thì tình trạng chia rẽ giữa các cộng đồng trong nước lại bế tắc. Các đảng ở vùng Flamish muốn có quyền tự trị hơn, để tự quyết định về thuế, giao thông, y tế, thị trường lao động và tư pháp. Còn các đảng nói tiếng Pháp phản đối vì cho rằng người nói tiếng Hà Lan tìm cách “cắt bỏ” khu vực Wallonia có kinh tế yếu kém hơn.

N. MINH (Theo Guardian, AFP, NYT)

Chia sẻ bài viết