26/06/2014 - 16:11

Bệnh tay chân miệng gia tăng

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP Cần Thơ, từ đầu năm 2014 đến ngày 19-6, toàn thành phố có 489 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), tăng 23 ca so với cùng kỳ năm 2013, không có ca tử vong. Theo bác sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm và vắc- xin sinh phẩm, TTYTDP TP Cần Thơ, từ cuối tháng 5 đến nay, bệnh TCM có dấu hiệu tăng nhanh tại một số địa phương.

Cao điểm bệnh TCM

Theo TTYTDP thành phố, đến ngày 19-6, 3/9 quận, huyện có số ca mắc TCM tăng cao. Cụ thể, huyện Cờ Đỏ có 45 ca (tăng 13 ca), huyện Phong Điền có 49 ca (tăng 6 ca) và quận Thốt Nốt có 52 ca (tăng 30 ca) so với cùng kỳ. Các quận, huyện còn lại phần lớn đều giảm. Theo bác sĩ Trần Văn Tuấn, cao điểm bệnh TCM từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11. Hiện đã cuối tháng 6 nhưng số ca TCM chưa giảm. Trước đó, TTYTDP thành phố phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế từ tuyến thành phố đến xã, phường về công tác chẩn đoán, điều trị, giám sát phòng, chống bệnh sởi, TCM. Ngoài ra, ngành y tế cũng tổ chức tập huấn cho bác sĩ phòng khám tư nhân, cán bộ y tế trường học, hiệu trưởng các trường mầm non và tiểu học về phòng, chống bệnh TCM.

Trẻ bị tay chân miệng nặng điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, bệnh nhân bị TCM điều trị nội trú tại bệnh viện từ 30-40 bệnh/ngày, giảm hơn so với vài tuần trước (thường ở mức 40-50 bệnh/ngày). Trong đó, lượng bệnh nhi ở các tỉnh chiếm 50-60%, còn lại là của TP Cần Thơ. Bệnh viện được cấp cloramin B để khử khuẩn, tờ rơi tuyên truyền để phát cho thân nhân bệnh nhi bị bệnh TCM. Bệnh TCM có dấu hiệu điển hình là nổi bóng nước ở tay, chân, miệng, mông. Nếu trẻ chỉ nổi bóng nước, sốt nhẹ, tỉnh táo thì chỉ cần điều trị ngoại trú. Đa số bệnh nhẹ nhưng có thể có biến chứng: viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi. Vì thế, nếu trẻ có sốt cao, run chi, giật mình, chới với, ngủ lịm… cần cho nhập viện ngay. Bệnh TCM lúc đầu có thể chỉ sốt nhẹ, nổi ban... giống như nhiễm vi-rút thông thường nhưng sau đó, một số ít sẽ nguy kịch nhanh. Do vậy, cần theo dõi tình trạng của trẻ sát sao, phát hiện kịp thời các dấu hiệu cảnh báo để đưa trẻ nhập viện điều trị kịp thời. Bác sĩ Lê Hoàng Sơn cảnh báo, kinh nghiệm lâm sàng cho thấy, có trường hợp trẻ không có biểu hiện bệnh đặc thù như: nổi hồng ban, bóng nước rất ít nhưng bệnh có thể nặng hoặc nổi rất nhiều hồng ban, bóng nước nhưng bệnh lại nhẹ. Có trẻ chỉ nổi vài nốt trong miệng, phụ huynh cứ tưởng là nổi đẹn, đến lúc trẻ trở nặng thì trở tay không kịp. Đặc biệt với trẻ dưới 12 tháng tuổi, có những bệnh lý khác kèm theo, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa nhi sớm để theo dõi, điều trị.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Trước tình hình bệnh TCM gia tăng, ngành y tế phát động cộng đồng thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng, chống tại 16 xã, phường trọng điểm có nguy cơ bùng phát dịch: An Khánh, An Bình, An Hòa và Hưng Lợi (quận Ninh Kiều); Bình Thủy, An Thới, Long Hòa, Trà Nóc (quận Bình Thủy), Thường Thạnh, Hưng Thạnh (quận Cái Răng), Tân Lộc (quận Thốt Nốt), Phước Thới (quận Ô Môn), Nhơn Ái (huyện Phong Điền), Trung Hưng (huyện Cờ Đỏ), Đông Thuận, Trường Xuân (huyện Thới Lai). Cộng tác viên các trạm y tế lập danh sách các gia đình có trẻ dưới 3 tuổi để vãng gia tuyên truyền nhằm khống chế bùng phát dịch bệnh. Thành phố hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cộng tác viên trực tiếp tuyên truyền, vận động. Ngoài ra, TTYTDP huyện, quận chọn xã, phường trọng điểm nguy cơ bùng phát bệnh TCM, tham mưu UBND huyện và xã chỉ đạo tăng cường công tác xử lý ổ dịch/ca bệnh theo quy định; tăng cường thời lượng truyền thông trên đài phát thanh về căn bệnh này. Từ ngày 19-6 đến 28-6-2014, TTYTDP thành phố kết hợp với TTYTDP quận, huyện giám sát việc triển khai, phát động và thực hiện tại cộng đồng.

Theo bác sĩ Trần Văn Tuấn, người chăm sóc trẻ và trẻ phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; rửa đồ chơi, vật dụng của trẻ bằng chất sát khuẩn thông thường; giữ nhà ở thoáng mát, sạch sẽ; ăn chín, uống sôi; sử dụng hố xí hợp vệ sinh; vệ sinh răng miệng, điều trị triệt để các bệnh viêm đường hô hấp trên… Theo dõi sức khỏe trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh TCM cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị. Ngành y tế cũng cho in những thông tin phòng dịch bệnh: tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm A để các trường phát cho học sinh tiểu học vào đầu năm học 2014-2015.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết