25/05/2022 - 10:29

Bệnh tay chân miệng đang gia tăng ở TP Cần Thơ 

(CTO) - BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ, cảnh báo tình trạng trẻ mắc tay chân miệng đang gia tăng trên địa bàn thành phố. Các bậc phụ huynh có con nhỏ cần quan tâm phòng bệnh cho trẻ.

Trong 3 tháng 3, 4 và 5-2022, BV Nhi đồng TP Cần Thơ tiếp nhận gần 1.000 trẻ mắc tay chân miệng, tăng đột biến vào tháng 5, với gần 100 trẻ nhập viện. Tại các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước, tình trạng trẻ mắc tay chân miệng cũng có xu hướng gia tăng, khiến các bậc phụ huynh rất lo lắng vì những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Trong đó, đáng lo nhất là nhóm trẻ dưới 3 tuổi, có nguy cơ tử vong với tỷ lệ 75-86% các trường hợp tử vong do tay chân miệng ở trẻ.

BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám, thăm khám cho trẻ có dấu hiệu mắc tay chân miệng. Ảnh do BS cung cấp. 

Theo các bác sĩ, những dấu hiệu nhận biết sớm trẻ mắc tay chân miệng gồm: các tổn thương hồng ban, bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, trong miệng và đôi khi xuất hiện ở mông, đầu gối của trẻ. Một trong những biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc tay chân miệng là tình trạng loét miệng, thường ở vùng hầu họng (gần lưỡi gà), niêm mạc má, môi hoặc lưỡi. Loét miệng khiến trẻ đau rát, không chịu ăn uống, bỏ bú và và thường chảy nước miếng liên tục. Một số trẻ bị sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 370C-380C. Những trẻ sốt cao trên 390C liên tục là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ bị tay chân miệng nghiêm trọng cần nhập viện để điều trị tốt hơn.

BS CKII Trương Cẩm Trinh cho biết, trẻ đã mắc tay chân miệng vẫn có thể mắc bệnh nhiều lần. Khi trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ dẫn đến các biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp, nặng hơn là viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, nguy cơ dẫn đến tử vong. Vì vậy, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay BV nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh hoặc thấy trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục 390C không hạ sau khi đã tích cực hạ sốt; giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần; run chi (thấy rõ khi đưa đồ chơi cho trẻ cầm), yếu chi, đi đứng loạng choạng; đảo mắt bất thường; trẻ nôn ói nhiều, quấy khóc (dỗ không nín); co giật; thở mệt.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết