14/10/2012 - 14:50

Bệnh nhân đột quị đang có xu hướng trẻ hóa

Chứng tăng huyết áp cũng là một nguyên nhân gây đột quị ở người trẻ tuổi.
Ảnh: Irish Medical times
  

Đột quị có thể đang thay đổi từ một căn bệnh chỉ xuất hiện ở người cao tuổi thành một vấn đề sức khỏe ở tuổi trung niên khi ngày càng có thêm nhiều bệnh nhân trẻ tuổi, một nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí Thần kinh học (Neurology) của Mỹ cho biết.

Tiến sĩ Brett Kissela ở Đại học Cincinnati, trưởng nhóm nghiên cứu và các đồng nghiệp đã quan sát hồ sơ y tế của gần 1,3 triệu người trưởng thành tại Mỹ (ở độ tuổi 20-54) trong khoảng thời gian 12 năm. Họ phát hiện số người trẻ và ở độ tuổi trung niên (không phân biệt sắc tộc) chiếm một số lượng đáng ngạc nhiên trong các trường hợp bị đột quị. Cụ thể, tỷ lệ mắc đột quị ở những bệnh nhân thuộc nhóm tuổi này đã tăng từ 12,9% trong 2 năm đầu lên 18,6% ở năm cuối khi nghiên cứu kết thúc. Ngoài ra, độ tuổi trung bình của bệnh nhân bị đột quị cũng đã giảm từ 71 tuổi xuống còn 69 tuổi vào năm 2005.

Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Kissela cho biết sự gia tăng số lượng bệnh nhân đột quị trẻ tuổi trong suốt thập niên qua có thể phản ánh xu hướng đang mở rộng của các nhân tố dẫn tới đột quị, bao gồm chứng tăng huyết áp, tiểu đường và thói quen hút thuốc lá ở những bệnh nhân trẻ hơn. Theo đó, số đông những bệnh nhân trẻ tuổi mắc phải đột quị là do chứng nhồi máu cơ tim. Cụ thể, nhóm mắc đột quị lần đầu do nhồi máu trong suốt thời gian nghiên cứu đã tăng từ 56,8% lên 65,7% ở những bệnh nhân từ 20 đến 44 tuổi. Các chuyên gia cho rằng so với ở người lớn tuổi, cơ chế xuất hiện đột quị ở nhóm dân số trẻ cũng khác biệt, chủ yếu liên quan đến mức độ gia tăng nguy cơ bị béo phì và tiểu đường.

Bác sĩ tim mạch Marc Gillinov ở Bệnh viện Cleverland cho biết lối sống hiện đại đang góp phần làm gia tăng tỷ lệ đột quị ở người trẻ. Ít vận động, thường xuyên dùng thức ăn nhanh, áp lực công việc nhiều, thiếu ngủ và kinh tế khó khăn đang tạo ra một môi trường hết sức độc hại cho sức khỏe trái tim. "Trong 2 thập niên qua, nguy cơ mắc bệnh tim mạch đã giảm, nhưng nay, nguy cơ này đang có xu hướng quay đầu và tăng trở lại nếu chúng ta không kiểm soát tốt lối sống của mình", chuyên gia Gillinov cảnh báo.

Theo ông Gillinov, không ai miễn dịch với bệnh tim, nhưng chúng ta có thể ngăn ngừa bệnh bằng lối sống lành mạnh. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra những yếu tố bất ngờ dẫn tới nguy cơ mắc bệnh tim nhưng cũng mở ra giải pháp giúp chúng ta phòng bệnh. Chẳng hạn:

- Về tinh thần, các nhà nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng ở Trường Y Harvard phát hiện thái độ sống tích cực là yếu tố quan trọng để duy trì một trái tim khỏe mạnh. Cụ thể là những người lạc quan có nguy cơ nhồi máu cơ tim thấp hơn người bi quan tới 50%. Hầu hết các nghiên cứu liên quan đến béo phì, hút thuốc lá, cao huyết áp, trầm cảm cũng đều xác nhận sự lạc quan luôn có lợi cho tim vì nó lấn át các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh. Do đó, các chuyên gia khuyên bạn nên tập thói quen suy nghĩ tích cực trong mọi hoàn cảnh, đối xử tốt với mọi người, sống hòa đồng và mở rộng các mối quan hệ mà bạn cảm thấy tốt cho tinh thần – tất cả đều có lợi cho tim.

- Về thể chất, ngoài việc cung cấp cho cơ thể một chế độ ăn lành mạnh (ví dụ: những món ăn ít dầu mỡ, đường, muối…kết hợp với trái cây và rau củ), các chuyên gia đề nghị chúng ta dành chút ít thời gian (khoảng 30 phút mỗi ngày) để vận động thân thể, kích thích tuần hoàn máu, góp phần phòng tránh bệnh tật. Nếu không có đủ thời gian cho các bài tập thể dục hoàn chỉnh, bạn có thể tận dụng các kiểu vận động đơn giản như: tranh thủ đi bộ bất cứ lúc nào, dùng thang bộ thay cho thang máy, đứng nhiều hơn (lúc ở trên xe buýt hoặc xem ti-vi ở nhà), làm việc nhà, chăm sóc cây cối…

NGUYỆT CÁT-HẠNH NHÂN
(Theo Medpage Today, Health)

Chia sẻ bài viết