Hệ thống sông rạch chằng chịt, rừng ngập mặn ven biển của ba huyện Bình Đại- Ba Tri- Thạnh Phú dài đến 65km, rồi rừng dừa nước, rừng chà là, vườn cây ăn trái
đã tạo nên vị trí khác biệt của Bến Tre so với các địa phương khác trong ĐBSCL. Qua các cuộc chính biến thời phong kiến, rồi đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, sự hiểm trở ấy đã khiến Bến Tre trở thành nơi tị địa của các nhân vật lịch sử thời phong kiến và là nơi các nhà cách mạng nước ta xây dựng chiến lược chống giặc ngoại xâm.
* Từ chuyện xưa
Điển hình nhất là cuộc bôn tẩu của chúa Nguyễn Ánh. Ông từng bị quân Tây Sơn đuổi theo, đánh tan tác ở đoạn đầu nguồn sông Giồng Trôm vào một đêm tháng 10 năm Đinh Dậu (1787). Đang lúc hỗn loạn, ông cho đoàn thuyền chiến rẽ vào sông Hương Điểm, xuống tới Long Mỹ thì bị lạc đường (nơi này tồn tại địa danh ngã Ba Lạc ghi dấu sự kiện ấy). Sau đó ông lên bờ tẩu thoát. Đến Thạnh Phú Đông, ông nói dối rằng mình là thương buôn từ miền Trung vào bị cướp, nên được cụ Trương Tấn Khương và người con là Trương Tấn Bửu cho tá túc. Sau đó, hai ân nhân này đưa ông xuống cồn đất Ba Tri. Tại đây, ông ở trong nhà cha con ông Thái Hữu Xưa và Thái Hữu Kiểm (tức "ông già Ba Tri" nổi tiếng với huyền tích đi bộ ra triều đình Huế kiện tụng). Sau này, bị cha con cụ Trương Tấn Khương phát hiện chân tướng, chúa Nguyễn Ánh thú nhận rồi xin cụ Trương Tấn Khương cho Trương Tấn Bửu theo phò ông, dần dần lên đến chức Phó tướng, cùng với Chánh tướng Lê Văn Duyệt cai quản cả miền Nam- từ Bình Thuận xuống tận Hà Tiên. Khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi (hiệu Gia Long) đã phong cho cụ Thái Hữu Kiểm nhiều chức tước quan trọng.
Theo ông Trần Đông Phong (nguyên Phó Ban Dân vận Trung ương), hiện về hưu ở Giồng Trôm, Bến Tre, tổ tiên bên họ ngoại ông và nhà biên kịch Nguyễn Hồ (nguyên Giám đốc Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh TFS) là lớp hậu duệ của bà Hồ Thị Hoa Hoàng hậu của vua Minh Mạng. Hoàng hậu Hồ Thị Hoa có người em trai là Lãnh binh Hồ Văn Thất. Vị quan này trong cuộc chính biến lịch sử từng bôn tẩu và sinh sống ở Giồng Trôm, đến khi hai vợ chồng qua đời được chôn cất ở xã Phong Mỹ (Giồng Trôm). Năm 2013, gia đình ông Trần Đông Phong và gia đình ông Nguyễn Hồ đã cải táng phần mộ của vợ chồng Lãnh binh Hồ Văn Thất về đất nhà (cũng ở xã Phong Mỹ). Cũng từ nguồn gốc đó nên hiện nay ông Nguyễn Minh Chiếm (em ruột ông Nguyễn Hồ) đang lưu giữ chiếc hộp bằng kim loại đựng chiếc ấn của vua Minh Mạng.
Ông Trần Đông Phong cho biết thêm, trong gia phả bên họ nội ông cùng họ tộc với nữ tướng Bùi Thị Xuân của Tây Sơn. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long, truy sát nhà Tây Sơn, tổ tiên ông Trần Đông Phong cũng từng chạy trốn sự trả thù. Ở Giồng Trôm có ngôi đình Bình Tiên do cụ Bùi Văn Trọn (là cụ tổ của ông Trần Đông Phong) đứng ra xây cất. Ngoài ra, cụ Trọn còn có người em tên Bùi Văn Hưng, từng hiến nhiều tiền của để xây dựng đình Bình Hòa (ở Giồng Trôm). Đình này được công nhận là Khu Di tích Văn hóa lịch sử cấp Quốc gia. Cụ Trọn và cụ Hưng cùng nhiều người thân đều là người Bình Định có họ hàng với nữ tướng Bùi Thị Xuân, trốn thoát vào đây. Bên cạnh đó, rất có thể có không ít người thuộc hoàng tộc của Quang Trung- Nguyễn Huệ, nữ tướng Bùi Thị Xuân và những họ tộc có "nợ" với Nguyễn Ánh. Họ đều phải thay tên đổi họ và trốn vào Bến Tre, vì đến cuối triều Nguyễn (thời vua Bảo Đại) cuộc truy sát những ai họ Nguyễn thuộc hậu duệ của Quang Trung - Nguyễn Huệ vẫn còn.
|
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm lại nhà ông Mười Trác. Ảnh: tư liệu từ nhà lưu niệm. |
Bến Tre còn là nơi nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu căm thù, chán ghét bọn thực dân Pháp xâm lược, đã đưa vợ con về tị nạn (Ba Tri). Khi giặc pháp chiếm Gia Định, cụ Phan Thanh Giản không muốn nhà giáo lớn của đất Nam Bộ Võ Trường Toản yên nghỉ trên đất bị giặc chiếm, nên đã cùng những sĩ phu yêu nước như Nguyễn Thông, Võ Gia Hội
cải táng phần mộ của gia đình cụ Võ về làng Bảo Thạnh, Ba Tri.
* Đến chuyện nay
Năm 1955 đến 1956, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng từng về xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm để hoạt động, chỉ đạo cách mạng miền Nam lúc ấy đang bước vào giai đoạn kháng chiến trường kỳ. Khi ấy, xã Hưng Lễ có tên là Hiệp Hưng, là vùng giải phóng, cơ sở của quân dân ta hoạt động hiệu quả. Cụ Nguyễn Văn Trác (Mười Trác) là lão nông khá giả trong vùng, đồng thời là Bí thư chi bộ Đảng bí mật, có hai con trai và con rể tham gia cách mạng nên được giao cho nhiệm vụ bí mật nuôi giấu cố Tổng Bí thư. Ngôi nhà của cụ Mười Trác kín đáo, nằm trọn giữa vườn dừa, thuận tiện hành động khi có biến. Cố Tổng bí thư Lê Duẩn trú ẩn trong gian thứ ba, nhà còn có những căn hầm bí mật và có đội du kích bảo vệ. Tại đây cố Tổng Bí Thư đã xây dựng cơ sở và vạch ra đường lối cho cách mạng miền Nam, điều nghiên về cửa sông Hàm Luông, bãi biển Thuận Phong- sau này là bến tàu không số quan trọng ở Nam Bộ vận chuyển vũ khí cho kháng chiến. Sau khi đất nước thống nhất, cố Tổng Bí thư đã từng trở về ngôi nhà này thể hiện lòng tri ân. Hiện nay ngôi nhà được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và được xây dựng lại khang trang, làm Khu lưu niệm của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào Mậu Thân 1968 của quân dân ta, địch ra sức mở các cuộc tấn công trả đũa và trấn áp quân ta bằng các phương tiện, vũ khí hiện đại. Trong đó khu ngoại ô Sài Gòn Gia Định bị chúng bình định rất ác liệt. Các vị lãnh đạo Thành ủy Sài Gòn Gia Định như Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Mai Chí Thọ trong hai năm 1969 và 1970 cũng tạm lánh về căn cứ được xây dựng tại xã Tân Phú Tây và xã Thành An huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, còn được gọi với mật danh là Y4 hay T4. Căn cứ được xây dựng trải dài trong các khu vườn gồm 16 hầm nổi và 14 hầm bí mật. Tuy nhiên, căn cứ bị địch phát hiện và tổ chức đánh rát, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng Khu ủy quyết định rút khỏi căn cứ trong thời gian ngắn nhất. Sau chiến tranh, di tích này đã được Bộ Văn hóa Thông tin ra quyết định công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 23-12-1995. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre đã phục chế và hoàn thành di tích vào năm 2013.
***
Từ những sự kiện nêu trên, có thể nói Bến Tre là một trong những vùng đất ghi dấu nhiều sự kiện với những câu chuyện và nhân vật gắn liền một phần văn hóa, lịch sử và di tích của dân tộc.
Phạm Bội Anh Thuyên
..................
Tư liệu tham khảo:
- "Tiểu sử Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu (1752 1827)", Lê Thọ Xuân, Nhà in An Ninh, Sài Gòn 1959.
- "Lịch sử Đảng bộ huyện Giồng Trôm 1930 2010", giấy phép xuất bản số 10/GPXB STTTT do Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Bến Tre cấp ngày 11 tháng 01 năm 2011.
- Tư liệu tổng hợp của Bảo tàng tỉnh Bến Tre.