04/02/2021 - 09:45

Bến Tre phát triển chuỗi giá trị cây dừa 

Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất vùng ĐBSCL và dừa cũng chính là loại cây trồng chủ lực tại địa phương. Để phát huy lợi thế và hiệu quả sản xuất của cây dừa, tỉnh Bến Tre đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình trồng dừa hiệu quả, tăng cường liên kết trồng dừa theo hướng hữu cơ gắn kết với doanh nghiệp bao tiêu. Đồng thời, huy động nguồn lực phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ dừa.

Các sản phẩm từ dừa được bày bán tại siêu thị dừa ở tỉnh Bến Tre.

Các sản phẩm từ dừa được bày bán tại siêu thị dừa ở tỉnh Bến Tre.

Đa dạng sản phẩm chế biến từ dừa

Các đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở chế biến dừa trong tỉnh đã cho ra đời hàng trăm sản phẩm được chế biến từ dừa để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cùng với rất nhiều sản phẩm được chế biến từ thành phần chính của trái dừa khô nguyên liệu là cơm dừa, các phụ phẩm từ trái dừa như nước dừa, vỏ dừa và gáo dừa… cũng đã được tận dụng triệt để cho nhiều sản phẩm có giá trị. Ðơn cử, từ cơm và nước dừa, có thể chế biến thành các sản phẩm cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, dầu dừa, kẹo dừa, thạch dừa, nước dừa đóng hộp, các loại mỹ phẩm từ dừa. Vỏ dừa sản xuất ra chỉ xơ dừa, mụn dừa và các sản phẩm sau chỉ, còn gáo dừa được dùng làm than hoạt tính, than thiêu kết và hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa. Thân và lá cây dừa khi già cỗi bị đốn bỏ cũng được sử dụng để sản xuất nhiều sản phẩm đồ gia dụng và hàng thủ công mỹ nghệ đẹp mắt.

Các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở và hộ sản xuất kinh doanh tại tỉnh Bến Tre đã đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất và nghiên cứu  ngày càng đa dạng nhiều sản phẩm chế biến từ dừa. Qua đó, đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của thị trường và nâng cao giá trị cho chuỗi ngành dừa, cũng như giúp tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Ðến nay, nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu sản xuất và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới mang lại giá trị cao cho ngành công nghiệp chế biến dừa. Nhiều sản phẩm trong số này không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng mà còn thân thiện với môi trường. Ðó là các sản phẩm như mặt nạ dừa và các loại mỹ phẩm, dược phẩm làm từ dừa, giỏ xách, đồ trang trí nội thất, giấy, ống hút từ dừa… thay thế các loại sản phẩm bằng nhựa. Các đơn vị, doanh nghiệp cũng cho ra đời nhiều sản phẩm có giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và phù hợp xu hướng tiêu dùng hiện nay như mật hoa dừa và các sản phẩm được làm từ mật hoa dừa như đường, giấm, rượu vang, thức uống...

Bà Trương Thị Cẩm Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, cho biết: "Công ty đã nguyên cứu và cho ra thị trường 18 sản phẩm chế từ dừa, tập trung nhiều vào các mặt hàng mỹ phẩm như mặt nạ dừa, xà bông dừa, dầu massage từ dừa… và sản phẩm phục vụ tiêu dùng có tính an toàn cao và thân thiện môi trường như giấy dừa, ống hút dừa… Hiện có 6 sản phẩm của công ty đã được tỉnh Bến Tre xét, công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, trong đó có 1 sản phẩm đang được công ty làm hồ sơ để đề nghị Trung ương xếp hạng 5 sao để trở thành sản phẩm OCOP cấp quốc gia". Theo bà Hồng, bên cạnh phát triển thị trường xuất khẩu, với mong muốn tạo thuận lợi người dân trong tỉnh và khách tham quan du lịch từ các nơi đến Bến Tre có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm từ dừa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và làm quà tặng, công ty cũng đã mở siêu thị dừa đặt tại phường Phú Tân, TP Bến Tre từ tháng 8-2020. Siêu thị này hiện quy tụ và bày bán khoảng 500 sản phẩm từ dừa do 27 đơn vị, doanh nghiệp cung cấp và 30 sản phẩm OCOP của tỉnh Bến Tre, trong đó có hơn 20 sản phẩm OCOP từ dừa.

Liên kết, nâng cao hiệu quả trồng dừa

Nhờ liên kết thành lập hợp tác xã (HTX) để sản xuất dừa theo hướng hữu cơ và đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp mà hiện nhiều hộ dân trồng dừa tại xã Lộc Thuận, huyện Bình Ðại đã có đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập nhờ bán dừa được giá cao so với trước đây. Chị Võ Thị Họa Mi, Giám đốc HTX nông nghiệp Lộc Thuận ở xã Lộc Thuận, cho biết: "HTX hiện có 92 thành viên, với gần 90ha trồng dừa hữu cơ và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với giá thu mua cao hơn thị trường tại thời điểm thu hoạch ít nhất từ 5.000-10.000 đồng/chục (12 trái). Tới đây, ngoài việc tiếp tục thu hút thêm xã viên để mở rộng vùng sản xuất dừa hữu cơ tại địa phương, HTX dự kiến đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng nhà, xưởng để thực hiện khâu thu hoạch, phân loại, sơ chế dừa và phát triển sản xuất các sản phẩm được chế biến từ phụ phẩm dừa nhằm tăng thu nhập cho xã viên".

Theo bà Lê Thị Thu Dung, Chủ tịch UBND xã Lộc Thuận, dừa là loại cây trồng chủ lực tại xã, với tổng diện tích hơn 700ha, trong đó đã có 102ha dừa được trồng đạt theo tiêu chuẩn hữu cơ. Xã đang tiếp tục tích cực khuyến khích và hỗ trợ nông dân liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp để mở rộng vùng sản xuất dừa hữu cơ và xã đề ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích dừa hữu cơ tại xã đạt 300ha.

Tỉnh Bến Tre có tổng diện tích trồng dừa trên 72.770ha, chiếm hơn 71% trên tổng diện tích trồng cây lâu năm tại tỉnh. Trong đó, dừa công nghiệp chiếm 80-85% và dừa uống nước khoảng 15-20%. Năng  suất dừa tại tỉnh đạt 9.570 trái/ha/năm, với sản lượng dừa trong năm 2020 đạt 630 triệu trái. Ðến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 18 HTX và 52 tổ hợp tác trồng dừa. Các tổ chức hợp tác này đã tạo sự gắn kết giữa những nông hộ để hình thành các vùng sản xuất lớn, giúp thuận lợi trong ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ và kết nối với doanh nghiệp bao tiêu. Ðồng thời, các HTX và tổ hợp tác cũng phát triển được nhiều dịch vụ phục vụ cho thành viên, nhất là tham gia thu hoạch, thu mua, sơ chế dừa tại địa phương để giao cho doanh nghiệp. Hiện tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và được chứng nhận hữu cơ là trên 8.690ha, trong đó có gần 3.800ha đã đạt chứng nhận.

Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, dừa là cây trồng chính, lâu đời tại Bến Tre và tỉnh đã có đội ngũ các doanh nghiệp chế biến dừa rất mạnh, tạo nền tảng thuận lợi để tiếp tục phát triển chuỗi giá trị cây dừa. Bên cạnh việc quan tâm khuyến khích, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tăng cường liên kết, phát triển thêm các sản phẩm hàng hóa từ dừa và mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là phát triển xuất khẩu vào các thị trường khó tính, tỉnh cũng chú trọng việc xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho dừa Bến Tre. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân quảng bá sản phẩm, đổi mới phát triển sản xuất kinh doanh, thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm OCOP từ dừa và sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết