22/04/2015 - 15:09

Bến Tre khai thác lợi thế du lịch

"Xác định điểm mạnh, yếu của từng vùng để phát triển du lịch. Các dự án du lịch khi triển khai cần thường xuyên đánh giá hiệu quả. Du lịch không có khuôn mẫu chung, phải dựa vào đặc thù của từng địa phương". Đó là lời khuyên của các chuyên gia cho ngành du lịch tỉnh Bến Tre.

Nhiều lợi thế

Theo ông Trần Duy Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bến Tre đang thực hiện quy hoạch phát triển du lịch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng. Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2015, mục tiêu phấn đấu thu hút 440 ngàn lượt khách quốc tế và 560 ngàn lượt khách nội địa đến tham quan du lịch tại tỉnh. Phấn đấu đạt doanh thu du lịch ước đạt 700 tỉ đồng và đến năm 2020, thu hút 1,6 triệu lượt khách du lịch nội địa và quốc tế, doanh thu đạt 1.900 tỉ đồng. Để đạt mục tiêu này, ngành chức năng của tỉnh đang xây dựng các giải pháp khai thác thế mạnh du lịch. Trong đó, ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng xã hội có tác động trực tiếp đến phát triển du lịch; quy hoạch các vùng du lịch để tạo động lực thu hút và thực hiện các dự án cơ sở vật chất, kỹ thuật. Xây dựng hệ thống giao thông nhánh đến các vùng quy hoạch du lịch, điện, nước sạch, bưu chính - viễn thông, thông qua việc vận động doanh nghiệp, nhà nước và nhân dân cùng làm. Tỉnh tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, ngân sách địa phương đối ứng để các dự án hạ tầng du lịch.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ dừa của Bến Tre thu hút rất nhiều khách tham quan.

Bến Tre đã và đang kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước, đầu tư xây dựng các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng và dịch vụ vui chơi, giải trí, với quy mô khá và hiện đại. Tỉnh vận động, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch đầu tư phát triển các điểm du lịch cộng đồng, tập trung các xã ven sông thuộc huyện Châu Thành; điểm du lịch các xã Mỹ Thạnh An, Phú Nhuận, Hưng Phong; du lịch sinh thái huyện Chợ Lách, Ba Tri, Bình Đại. "Forever Green Resort" và dự án "Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre" là 2 khu du lịch đặc thù của tỉnh đang tập trung xây dựng hoàn chỉnh. Các khu di tích văn hóa - lịch sử: Lăng Nguyễn Đình Chiểu, Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, Di tích Đồng Khởi, Căn cứ Quân Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tiếp tục nâng cấp và phát triển kết hợp với phát triển loại hình du lịch tham quan làng nghề.

Ngoài những sản phẩm du lịch truyền thống, các ngành hữu quan tỉnh còn phối hợp tổ chức các sự kiện, chiến dịch về nguồn, phát triển dịch vụ vui chơi, giải trí, góp phần giữ khách lưu trú và kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách. Thực hiện các chương trình thông tin, xúc tiến quảng bá du lịch, giới thiệu đất nước, con người, tài nguyên, sản phẩm du lịch của tỉnh, huyện đến với du khách, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngành du lịch biên soạn và phát hành ấn phẩm, với những thông tin chính thức về du lịch để tạo lực đẩy mới cho du lịch tỉnh nhà.

Liên kết làm du lịch

Song song đó, Bến Tre mở rộng liên kết với TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch liên vùng, xây dựng sản phẩm du lịch chung cho cụm. Cộng đồng dân cư nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và hiệu quả của việc phát triển du lịch với xã hội, đồng thuận về chủ trương phát triển du lịch của tỉnh. Khuyến khích các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch. Tỉnh tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch, áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật hiện hành. Đặc biệt, tỉnh có chính sách hỗ trợ dự án phát triển du lịch cộng đồng về vay vốn, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá du lịch. Có chính sách thu hút đội ngũ lao động chuyên ngành du lịch được đào tạo trong và ngoài nước về tỉnh công tác.

Trong các quy hoạch vùng phát triển du lịch, tỉnh đặc biệt chú trọng đến hiệu quả quy hoạch, nhằm tránh chồng chéo trong khai thác tài nguyên giữa các ngành kinh tế, không để cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường. Mới đây, trong khuôn khổ Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần IV năm 2015, UBND tỉnh phối hợp cùng các ngành chức năng, đơn vị lữ hành tổ chức hội thảo "Du lịch có trách nhiệm - Mối quan hệ và lợi ích" để tìm giải pháp phát triển sản phẩm du lịch của địa phương. GS. TS Joost Van Buuren - Trường Đại học Wageningen (Hà Lan), góp ý tỉnh cần thực hiện tốt hơn đối với quy định của pháp luật về môi trường. Cơ quan chủ quản ngành Du lịch và du khách có trách nhiệm bảo vệ môi trường. GS. TS Jenan Marie Breton - Trường Đại học Antilles (Pháp) đề nghị tỉnh quan tâm việc khai thác, bảo tồn văn hóa của địa phương phải có sự tham gia của cộng đồng và tăng thu nhập cho địa phương. Phải xác định chỉ số du lịch, đưa ra biện pháp phát triển bền vững. Tỉnh cần xác định điểm mạnh, yếu của từng vùng để phát triển du lịch.

Các chuyên gia cũng khuyên tỉnh khi triển khai các dự án du lịch cần thường xuyên đánh giá hiệu quả. Bởi du lịch không có khuôn mẫu chung, phải dựa vào đặc thù của từng địa phương. Du lịch không nên lấn sân các lĩnh vực của một số ngành khác, thay vào đó là sự phối hợp mang tính bền vững. Qua du lịch làm nổi bật văn hóa của địa phương, nhất là những di sản văn hóa. Lợi nhuận trong du lịch phải được phân chia hài hòa, không nên quá ưu ái cho một tổ chức hay cá nhân nào. Đối với du lịch có trách nhiệm, ngành du lịch phải làm cho người dân địa phương hiểu và có trách nhiệm bảo vệ di tích, di sản, bảo vệ môi trường, loại bỏ tình trạng chặt chém tiền bạc đối với du khách, nhất là du khách nước ngoài. Vấn đề quan trọng trong phát triển du lịch là du khách đến một lần rồi thích thú và muốn đến nữa ở những lần tiếp theo.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

Chia sẻ bài viết