|
Người biểu tình Ai Cập giao chiến bằng đá với binh sĩ. Ảnh: BBC |
Ít nhất 3 người chết và 257 người bị thương trong cuộc xung đột giữa binh sĩ với người biểu tình ở Cairo ngày 16-12. Hãng tin Anh Reuters hôm qua gọi đây là vụ bạo lực tồi tệ nhất trong lúc Ai Cập bắt đầu tiến hành bầu cử tự do lần đầu tiên trong 6 thập niên qua.
Tình hình an ninh Ai Cập diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là khi biểu tình tái diễn thường xuyên suốt 9 tháng quân đội điều hành đất nước từ sau vụ phế truất cựu Tổng thống Hosni Mubarak hồi tháng 2. Trong cuộc náo loạn hôm 16-12, nhiều xe hơi và một phần tòa nhà quốc hội bị đốt cháy. Bạo lực bùng phát từ đêm trước, khi quân đội và cảnh sát nỗ lực giải tán đám đông người biểu tình ngồi trước trụ sở văn phòng nội các. Những vụ va chạm giữa hai bên nhanh chóng chuyển thành cuộc chiến ném đá trên đường phố. Từ trên nóc của một trong những tòa nhà quốc hội, binh sĩ và lực lượng an ninh ném đá vào người biểu tình. Đáp lại, người biểu tình cũng ném đá, mảnh kiếng vỡ và bom xăng nhắm vào tòa nhà nội các, làm vỡ cửa sổ và các camera an ninh.
Trong một tuyên bố phát trên truyền hình quốc gia, Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) nắm quyền đã phủ nhận việc quân đội dùng vũ lực giải tán đám đông biểu tình ngồi. SCAF cũng phủ nhận việc binh sĩ dùng súng lửa và bạo lực bùng phát do một trong những nhân viên an ninh đang làm nhiệm vụ bên ngoài quốc hội bị tấn công.
Tuy nhiên, Hội đồng cố vấn dân sự mới, vừa được thành lập nhằm tham vấn cho các tướng lĩnh quân đội về mặt chính sách, tuyên bố họ sẽ từ chức nếu những khuyến cáo của họ về cách thức giải quyết khủng hoảng không được chú ý. Ứng viên tổng thống Amr Moussa, thành viên của hội đồng dân sự, cho biết hội đồng sẽ hoãn các cuộc họp cho đến khi SCAF đáp ứng các yêu cầu, trong đó có việc chấm dứt tất cả hành động bạo lực chống người biểu tình.
Vấn đề khiến tình hình bất ổn ở Ai Cập kéo dài là do SCAF lấp lửng việc đưa ra dấu hiệu rõ ràng về thời gian biểu và chiến lược chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự. Người biểu tình muốn các tướng lĩnh chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự ngay lập tức và không chờ đợi cho tới cuộc bầu cử tổng thống vào giữa năm 2012. Tuy nhiên, 3 tuần trước, SCAF lại bổ nhiệm thủ tướng mới Kamal al-Ganzouri và nội các mới đã tuyên thệ nhậm chức vào hôm 7-12. Trước động thái này của SCAF, người biểu tình đã tập trung trước văn phòng nội các để phản đối, buộc chính phủ phải họp nơi khác.
Cuộc tổng tuyển cử bắt đầu vào ngày 28-11, được coi là “thuốc thử” liệu Ai Cập có thể ổn định hay không. Nhưng xung đột đã bùng phát chỉ 2 ngày sau khi diễn ra vòng bỏ phiếu thứ hai hôm 14 và 15-12. Dân Ai Cập sẽ bỏ phiếu một vòng nữa vào đầu tháng Giêng năm sau và quốc hội dự kiến sẽ triệu tập vào cuối tháng.
Theo các chỉ số sơ bộ về kết quả bầu cử, các đảng Hồi giáo đang chiếm ưu thế. Nhiều người dự đoán đảng Tự do và Công lý (FJP) của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo sẽ tiếp tục dẫn đầu sau khi đã về nhất vòng 1. Đảng Hồi giáo Salafi al-Nour theo đường lối cứng rắn đang bám sát FJP, trong khi khối Ai Cập Tự do chỉ về thứ ba. Tuy quân đội sẽ nắm quyền cho tới khi diễn ra bầu cử tổng thống giữa năm 2012, nhưng quốc hội sẽ là nơi giám sát quá trình chuyển giao quyền lực. Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo vốn có vai trò chính trong các cuộc biểu tình, bị các chính khách chỉ trích là “âm mưu làm suy yếu nền dân chủ mới manh nha của Ai Cập”. Do vậy, SCAF sẽ luôn theo dõi sát kết quả cuộc bầu cử và tình hình sẽ còn diễn biến rất khó lường.
N. MINH (Reuters, AP)