16/11/2011 - 22:02

Bất hòa trong khủng hoảng

Sự thất vọng của Đức về thái độ của Anh đối với cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng euro (Eurozone) thể hiện rõ sau khi một liên minh thân cận của Thủ tướng Angela Merkel cáo buộc Anh “ích kỷ” và “né tránh trách nhiệm” do từ chối ủng hộ thuế giao dịch tài chính - một biện pháp nhằm gây quỹ để giúp đỡ các nước đang bị khủng hoảng.

Những chỉ trích của ông Volker Kauder, trưởng đoàn nghị sĩ đảng cầm quyền Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), đưa ra trong bối cảnh hai nhà lãnh đạo Anh và Đức sắp nhóm họp tại Thủ đô Berlin ngày 18-11. “Tôi không thể hiểu sao Anh không muốn áp dụng thuế giao dịch khi họ tạo ra gần 30% tổng sản phẩm quốc nội từ thị trường tài chính Luân Đôn”, ông Kauder nói, đồng thời nhấn mạnh Anh “chỉ biết bảo vệ lợi ích của mình” thay vì lợi ích của cả Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Đức Merkel và Thủ tướng Anh Cameron liệu có thể tìm được tiếng nói chung sau cuộc gặp ngày 18-11? Ảnh: Getty Images 

Thuế giao dịch nhằm vào cổ phiếu và các giao dịch chứng khoán khác tại sàn Luân Đôn - còn gọi là thuế Tobin hoặc thuế Robin Hood - đã được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và các hội từ thiện hàng đầu ở Anh ủng hộ. Tuy nhiên, Anh phản đối thi hành nếu Mỹ và các nền kinh tế lớn khác không làm giống như vậy. Trước đó, bà Merkel từng nói Eurozone nên thực thi thuế này nếu Anh tiếp tục cản trở, cho dù điều đó khiến cho Sở giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức chịu thiệt trước Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn.

Vấn đề này có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Merkel và người đồng cấp Anh David Cameron, người đã cho rằng thuế giao dịch tài chính sẽ tác động mạnh đến thị trường Luân Đôn vì đây là trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cũng đồng tình với ý kiến trên và gọi kế hoạch thuế Tobin là “một viên đạn nhắm thẳng vào trái tim của Luân Đôn”.

Theo giới quan sát, cuộc hội đàm giữa ông Cameron và bà Merkel được cho sẽ tập trung vào lời kêu gọi của bà Merkel về một “liên minh chính trị” để vượt qua cuộc khủng hoảng mà Eurozone đang đối mặt. Lập trường của bà Merkel trái ngược hoàn toàn với quan điểm của ông Cameron, người đề nghị châu Âu nên phát triển với “một hệ thống linh hoạt, đừng cứng nhắc như một khối”.

Có lẽ hai nhà lãnh đạo khó có thể tìm được điểm chung khi mà Thủ tướng Merkel muốn cải thiện việc điều hành của Eurozone thông qua việc sửa đổi hiệp ước Lisbon, có thể vào cuối năm 2012, để tạo nền tảng cho chính sách tài khóa chung. Trong khi đó, Thủ tướng Cameron không tán thành việc sửa đổi vì không muốn châu Âu rơi vào một cuộc đàm phán dài lê thê để bàn về vấn đề này.

Xung quanh vấn đề nợ công của châu Âu, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng nợ đang lan rộng khắp khu vực này, khi lãi suất trái phiếu của Pháp, Tây Ban Nha và cả Bỉ đều tăng lên đáng kể. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý đã tăng trên 7%, tương đương với mức “nguy hiểm” mà Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đề nghị gói cứu trợ.

THANH TRÚC (Theo FT.com, Guardian)

Chia sẻ bài viết