26/10/2023 - 09:33

Bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo hành 

Theo UNICEF, trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng của mình. Tuy nhiên, ở Việt Nam, có 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình. Bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành, xâm hại cần được sự quan tâm từ nhiều phía.

* Những câu chuyện đau lòng

Ông Lê Thiện Thành, Phó trưởng Khoa Giám định tổng hợp, Trung tâm Pháp Y TP Cần Thơ kể những câu chuyện đau lòng thực tế đã xảy ra trong quá trình thực hiện công tác giám định pháp y.

Trong đó, có câu chuyện của bé T.V.T (sinh năm 2022), ngụ tại tỉnh Sóc Trăng. Cha của bé tên T.D, do vợ của D bỏ nhà đi, để lại T cho cha chăm sóc. Một ngày cuối tháng 1-2023, T ngủ dậy quấy khóc, D bế con, lấy sữa cho con uống nhưng bé T lại khóc to hơn. Do nhiều đêm thức chăm con, D bực tức, D ném con xuống giường, nhưng do mặt giường bằng sắt, cơ thể lại non nớt,  bé T đã tử vong khi mới được 2 tháng 4 ngày tuổi.

Trường hợp của bé V.H.P (sinh năm 2016), ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ bị cha ruột bạo hành, đánh đập bằng ống nhựa bơm nước. Bé P được đưa đi Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt điều trị với nhiều vết bầm tím khắp người, tinh thần vô cùng hoảng loạn. Kết quả giám định của Trung tâm Pháp Y TP Cần Thơ, P bị sưng nề vùng má phải, má trái, đùi phải, bầm tím vùng mông.

Hay bé N.T.A có cha mẹ ly hôn, mẹ sống chung với người tình mới. Ngày thứ 2 sau khi người tình của mẹ về sống chung nhà, ông đã dùng cây trúc đánh bé T.A (sinh năm 2019)  vào đầu, lưng, mông, gây chảy máu. Không chỉ vậy, mẹ ruột của A cũng tham gia bạo hành con. Đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi đã hứng rất nhiều trận đòn roi từ chính mẹ ruột và người cha dượng. Đầu tháng 4-2023, là trận đòn gây nhiều thương tích nhất, bé A phải nhập viện. Theo kết quả giám định của Trung tâm Pháp Y TP Cần Thơ, bé A có nhiều vết sưng nề, bầm tím và xây xát ở nhiều vùng trên cơ thể như má, cổ, lưng, đùi.

Đó là những trường hợp bị bạo hành bằng đòn roi. Còn nhiều trường hợp bị chính người thân xâm hại tình dục càng đau lòng hơn. Như B.T, ở tỉnh Hậu Giang phải điều trị tâm lý bị chính cha ruột của mình xâm hại. Khi ấy, T chỉ là đứa trẻ mới 12 tuổi.

Còn K.A, ở Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, do cha mẹ phải đi làm ăn xa, A được gửi cho ông nội chăm sóc. Ông nội tuổi cao sức yếu, nên chị L (là cô ruột của A) đưa cháu về nhà ở cùng. Chồng của chị L, đã lợi dụng lúc nhà không có người, đã vi xâm hại tình dục cháu A. Đối tượng G khai nhận đã thực hiện hành vi đồi bại này 2 lần. Tại thời điểm bị xâm hại lần đầu, A chỉ mới 5 tuổi 8 tháng.

Trẻ bị bạo hành. Ảnh CTV.

* Bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo hành và xâm hại tình dục

Theo ông Lê Thiện Thành, Phó trưởng Khoa Giám định tổng hợp, Trung tâm Pháp Y TP Cần Thơ, bạo hành, lạm dụng trẻ em là trường hợp trẻ bị một người khác làm hại đến sức khỏe, tình cảm, hạnh phúc và sự phát triển bình thường về mặt thể chất và tinh thần. Bạo hành được chia làm các dạng như: bạo hành thể chất, bạo hành tâm lý, xâm hại tình dục, bỏ bê và lạm dụng.

“Khó khăn của phòng chống bạo hành và xâm hại tình dục ở trẻ em là tâm lý gia đình còn e ngại, chưa mạnh dạn lên tiếng, tố cáo với cơ quan chức năng khi nhận thấy các hành vi bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em. Khi xảy ra các trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục, bạo hành thì gia đình cũng chưa hoàn toàn hợp tác với cơ quan chức năng, việc kéo dài thời gian điều tra sẽ khiến việc chứng minh hung thủ gặp nhiều khó khăn hơn” - ông Thành nói.

Giải pháp bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi bạo hành, xâm hại tình dục, cần nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về hậu quả của bạo lực đối với trẻ em. Chú trọng hỗ trợ, cung cấp kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ, người chăm sóc và gia đình. Đẩy mạnh truyền thông, cung cấp kiến thức về ảnh hưởng của bạo lực đối với trẻ em, xác định trách nhiệm của gia đình, xã hội, cộng đồng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo, có trách nhiệm với con cái. Chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo cho trẻ em. Đặc biệt, cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo hành.

Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, phải có biện pháp tiếp nhận tin báo kịp thời và xử trí sớm như đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế để đánh giá tình trạng sức khỏe, tìm các dấu vết sinh học của thủ phạm cũng như xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục của nghi phạm để nạn nhân được uống các thuốc dự phòng lây truyền (ví dụ như phòng HIV,…) trong giai đoạn sớm.

Thiên Thanh

Chia sẻ bài viết