09/01/2023 - 21:50

Bạo loạn tại thủ đô của Brazil 

Phe ủng hộ cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro chiều ngày 8-1 đã tràn vào toà nhà Quốc hội, dinh Tổng thống và Tòa án Tối cao của đất nước nhằm phản đối tổng thống đương nhiệm.

Những người ủng hộ cựu Tổng thống Bolsonaro tràn vào tòa nhà Quốc hội Brazil hôm 8-1. Ảnh: AFP

Hàng trăm người biểu tình tuần hành trên con đường hướng đến tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Brasilia, sau đó xông vào Phòng Xanh nằm bên ngoài phòng của Hạ viện. Video trên mạng xã hội cho thấy người biểu tình phá hủy các tác phẩm nghệ thuật, lấy những món quà mà các phái đoàn quốc tế tặng cho Brazil bên trong tòa nhà Quốc hội. Các văn phòng của Quốc hội Brazil đóng cửa khi đám đông di chuyển lên đoạn đường dốc trước tòa nhà, trèo lên mái nhà và đập vỡ cửa sổ.

Những người ủng hộ ông Bolsonaro còn đột nhập dinh Tổng thống và Tòa án Tối cao, dựng rào chắn bằng đồ nội thất để ngăn cảnh sát tiến vào. Trong Tòa án Tối cao, người biểu tình đập phá camera an ninh và cửa sổ tòa nhà.

Vụ bạo loạn chưa từng có

Gần ba tiếng sau khi có thông tin ban đầu về cuộc bạo loạn, lực lượng an ninh đã kiểm soát được ba tòa nhà trên. Theo Thống đốc Brasilia Ibaneis Rocha, hơn 400 người đã bị bắt và giới chức đang nỗ lực xác định danh tính những người khác. Ông Rocha đã sa thải Giám đốc an ninh công cộng thủ đô Anderson Torres - người từng giữ chức bộ trưởng tư pháp dưới thời cựu Tổng thống Bolsonaro.

Văn phòng tổng chưởng lý cũng đã đệ đơn yêu cầu bắt giữ ông Torres. Torres nói với trang web UOL rằng ông đang cùng gia đình đi nghỉ tại Mỹ nhưng không gặp ông Bolsonaro. Theo UOL, ông Torres ở thành phố Orlando (bang Florida, Mỹ), nơi cựu Tổng thống Bolsonaro cũng đang có mặt.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Brazil Alexandre de Moraes cũng đã ra phán quyết định tạm đình chỉ chức vụ của người đứng đầu chính quyền thủ đô Brasilia Ibaneis Rocha trong 90 ngày do để xảy ra các sai sót an ninh dẫn tới việc người biểu tình tràn vào phá phách các tòa nhà chính quyền.

Trong cuộc họp báo khi đang có chuyến công tác tới bang Sao Paulo, Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva đã quy trách nhiệm cho người tiền nhiệm Bolsonaro về vụ bạo loạn, đồng thời chỉ trích về tình trạng thiếu an ninh ở Brasilia, dẫn đến việc “những phần tử phát xít” và “cuồng tín” tàn phá thủ đô của quốc gia Nam Mỹ. “Những đối tượng phá hoại này... đã làm điều chưa từng có trong lịch sử đất nước. Tất cả những người này sẽ bị lôi ra ánh sáng và bị trừng phạt”, Tổng thống Lula nhấn mạnh. Ông Lula cũng đã ban bố lệnh tăng cường an ninh tại Brasilia kéo dài đến ngày 31-1.

Cuộc bạo loạn trên cho thấy sự chia rẽ nghiêm trọng bủa vây Brazil những ngày qua sau khi Tổng thống Lula nhậm chức hôm 1-1. Ông Lula đã đánh bại ông Bolsonaro trong cuộc bầu cử vòng 2 vào ngày 30-10-2022. Cảnh tượng biển người biểu tình mặc áo vàng và xanh gây hỗn loạn ở Brasilia cũng đã kéo dài nhiều tháng qua sau cuộc bỏ phiếu đó.

Cựu Tổng thống Bolsonaro, thường được ví là “Donald Trump của Brazil”, đã đưa ra cáo buộc rằng hệ thống bỏ phiếu điện tử của Brazil dễ bị gian lận, làm dấy lên phong trào bạo lực từ những thành phần phủ nhận bầu cử. Cựu lãnh đạo theo đường lối cực hữu này đã im lặng trong gần 6 tiếng về vụ bạo loạn tại Brasilia trước khi viết trên Twitter rằng ông sẽ “bác bỏ” những cáo buộc của ông Lula đối với mình.

Phản ứng của quốc tế

Cùng ngày, các lãnh đạo thế giới đã lập tức lên án vụ gây rối làm rung chuyển những cơ quan quyền lực nhất của Brazil. “Tôi lên án cuộc tấn công nhắm vào nền dân chủ và quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình ở Brazil. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các thể chế dân chủ tại Brazil và không ai được phép làm suy yếu ý chí của nhân dân Brazil”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ với chính quyền tân Tổng thống Lula.

Lãnh đạo nhiều nước ở khu vực Mỹ Latinh cũng lên tiếng ủng hộ Tổng thống Lula sau vụ tấn công của những người ủng hộ ông Bolsonaro, những hành động được coi là nhằm thực hiện âm mưu đảo chính và ngăn cản các hoạt động của chính quyền mới vừa nhậm chức.

Tổng thống Colombia Gustavo Petro lên án việc “Chủ nghĩa phát xít có ý định đảo chính”, đồng thời cho rằng cánh hữu cực đoan tại Brazil không thể giữ được hiệp ước không sử dụng bạo lực. Nhà lãnh đạo Colombia cũng kêu gọi áp dụng Hiến chương Dân chủ của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS). Trong khi đó, Tổng thống Chile Gabriel Boric phê phán các hành động tấn công vào ba cơ quan quyền lực nhà nước tại Brazil là “không thể chấp nhận được”, vi phạm những nguyên tắc dân chủ. Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso thì coi đây là những hành động thiếu tôn trọng và phá hoại các thể chế dân chủ nhà nước, chống lại trật tự dân chủ và sự an toàn của người dân.

Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel lên án hành động tấn công các thể chế dân chủ tại Brazil, đồng thời nhấn mạnh ông Lula đã được bầu một cách dân chủ thông qua một cuộc bỏ phiếu công bằng và tự do.

Cơn đau đầu của Washington

Vụ bạo loạn tại Brazil gây đau đầu cho giới chức Mỹ trong bối cảnh ông Bolsonaro đang ở Florida. Các nghị sĩ nổi bật của đảng Dân chủ cho rằng Mỹ có thể không còn cấp “quyền tị nạn” cho ông Bolsonaro tại nước này.

Joaquin Castro, thành viên của Ủy ban đối ngoại Hạ Viện, nói ông Bolsonaro “sử dụng chiến thuật của ông Trump để truyền cảm hứng cho những phần tử khủng bố trong nước tìm cách tiếp quản chính phủ”. Castro đề nghị nên dẫn độ ông Bolsonaro về Brazil. Nữ nghị sĩ đảng Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez cũng kêu gọi Mỹ ngừng cấp quyền tị nạn cho ông Bolsonaro.

Ngày 30-12-2022, hai ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Tổng thống Bolsonaro đã lên đường tới Mỹ và không tham dự lễ chuyển giao quyền lực và nhậm chức của Tổng thống đắc cử Lula.

Vụ việc ở Brazil gợi nhớ đến cuộc bạo động tại tòa nhà Quốc hội Mỹ vào năm 2021 do những người ủng hộ tổng thống lúc đó là ông Donald Trump tiến hành. Tại Washington vào ngày 6-1-2021, những người ủng hộ cựu Tổng thống Trump thuộc đảng Cộng hòa đã tấn công cảnh sát, phá rào chắn và xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ trong nỗ lực nhằm ngăn chặn quá trình phê chuẩn chức vụ của Tổng thống Biden.​

Chia sẻ bài viết