13/07/2017 - 16:20

Báo động sạt lở bờ sông

* HÀ VĂN

Ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ có hệ thống sông ngòi chằng chịt, vừa phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu của người dân, vừa tạo nét đẹp đặc trưng của vùng sông nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch ở TP Cần Thơ thường xuyên xuất hiện, đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân. Do đó, các địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp khắc phục sạt lở, ổn định cuộc sống cho người dân ven sông, kênh, rạch…

Bài1: SỐNG TRÊN MIỆNG THỦY THẦN

Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão - Tìm kiếm Cứu nạn (PCLB-TKCN) TP Cần Thơ, hằng năm vào mùa mưa bão, trên địa bàn thành phố đều xảy ra các vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch và để lại hậu quả nặng nề. Trong khi nhiều điểm sạt lở cũ ngày càng trầm trọng chưa được xử lý thì những điểm sạt lở mới lại tiếp tục xuất hiện. Hiện tượng sạt lở đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân nhiều năm sinh sống, gắn bó với bến nước, bờ sông.

* CUỐN THEO DÒNG NƯỚC

Đi dọc theo tỉnh lộ 923, cặp theo sông Cần Thơ mùa nước nổi, dòng sông chảy xiết, nước sông cuồn cuộn đục ngầu như muốn nuốt chửng những căn nhà nằm cheo leo trên miệng "thủy thần". Nhìn lại đoạn bờ sông bị khoét sâu (tại tổ 22, ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền), nơi căn nhà thân yêu của mình bị cuốn trôi, anh Dương Văn Dưa bùi ngùi kể lại: "Trước đây, nơi này là khu dân cư sầm uất, bà con thuận tiện sinh hoạt với nếp sống "trên bến, dưới thuyền". Nhưng không ngờ vào lúc giữa đêm (trong tháng 3-2013), bà con đang ngon giấc thì nghe tiếng kêu răng rắc phát ra từ phía sau căn nhà, lập tức, mọi người hô to và cùng nhau chạy ra ngoài. Chỉ sau 1 ngày, 5/12 căn nhà ở khu vực này đã sụp đổ hoàn toàn xuống sông, tài sản trong nhà được đảm bảo nhờ lực lượng cứu hộ kịp thời di dời. 7 căn nhà còn lại cũng được hỗ trợ di dời khẩn cấp trong ngày". Hiện trường vụ sạt lở được bảo vệ, rào chắn, không để người dân đến gần. Tuy nhiên, nguy cơ tiếp tục sạt lở tại khu vực này rất cao, đe dọa tỉnh lộ 923...

Hiện trường vụ sạt lở tại ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền đã để lại hậu quả nặng nề cho 12 hộ dân cư ngụ tại điểm sạt lở. Ảnh: H.V

Sau vụ sạt lở, gia đình anh Dưa phải ở nhờ nhà kho của một người em. Hằng ngày, anh đi làm hồ. Vợ anh bán nước giải khát trước nhà, phụ anh lo cho ba đứa con đến trường. Anh Dưa cho biết: "Ở nhờ nhà kho của đứa em bà con mà mình thấy yên tâm hơn. Trước đây, do điều kiện khó khăn đành phải sống cặp bờ sông, mỗi khi trời mưa lớn, giông gió, nước lũ lên cao luôn phập phồng lo sợ, nhất là vào ban đêm, nước lũ lên cao thì cả nhà thức trắng vì sợ sạt lở xảy ra. Nhưng cuối cùng cũng không giữ nổi căn nhà. Nhờ chính quyền địa phương, ngành chức năng huyện Phong Điền và TP Cần Thơ hỗ trợ vật chất, di dời tài sản nên gia đình tôi giảm bớt khó khăn, cuộc sống hiện nay tương đối ổn định". Anh Dưa cũng cho chúng tôi biết thêm tin vui về việc UBND huyện Phong Điền đang xem xét hồ sơ bố trí cho gia đình anh một nền tái định cư tại khu dân cư dành cho hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở thuộc thị trấn Phong Điền.

Còn anh Dương Tấn Đức, ở ấp Nhơn Hưng A, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, cho biết: "Bây giờ nhắc đến cảnh ở trong căn nhà nửa trên bờ, nửa dưới sông mà tôi thấy sợ. Bởi dù có giữa đêm khuya, nghe tiếng sóng lớn, gió thổi mạnh thì cả gia đình phải tốc mùng chạy ra vì sợ sạt lở". Vợ chồng anh Đức mới ra riêng, được cha mẹ hỗ trợ xây dựng nhà mới cặp sông Cần Thơ. Gần đây, vợ chồng anh mở tiệm bán hàng tạp hóa tại nhà để tăng thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình. Nhưng do bờ sông sạt lở, nhà anh bị sụp lún phải tháo dỡ, di dời. Bây giờ, vợ chồng anh trở thành "vô gia cư", phải ở nhờ nhà cha mẹ.

Đến khu vực Thới Thạnh 2, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt vào lúc thủy triều đang xuống, chúng tôi thấy rõ mồn một những vết nứt, lún của dãy nhà dân ven sông Bò Ót; nhiều căn nhà bị ngã nghiêng, có nguy cơ sụp đổ xuống sông bất cứ lúc nào. Theo UBND phường Thới Thuận, đoạn đường nông thôn tại khu vực trên có dấu hiệu bị sạt lở dài gần 100m, vết nứt rộng từ 15cm đến 20cm, đã làm 7 căn nhà và 1 nền nhà bị sụp lún, bong tróc nền, xé vách tường và có nguy cơ đổ sụp xuống sông. Các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở đã được UBND quận Thốt Nốt và phường Thới Thuận vận động di dời chỗ ở, tài sản ra khỏi vùng sạt lở. Do các hộ này hoàn cảnh khó khăn, quận Thốt Nốt và phường Thới Thuận hỗ trợ chi phí nhà trọ.

Trong 9 tháng qua, TP Cần Thơ đã xảy ra 4 vụ sạt lở bờ sông, làm 6 căn nhà bị sụp xuống sông, 10 căn phải di dời khẩn cấp... Tổng thiệt hại tài sản trên 2 tỉ đồng.

* NGUY HIỂM CHỰC CHỜ

Trên địa bàn TP Cần Thơ, nhiều nơi từng là khu vực buôn bán sầm uất, đông đúc dân cư, hay những đoạn đường giao thông trải nhựa, bê tông thẳng tắp, giờ trở nên hoang vắng, nham nhở do bị "bà thủy" "nuốt" làm mất một góc phố hay một góc chợ, một đoạn đường... Theo Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão - Tìm kiến Cứu nạn TP Cần Thơ, hơn 10 năm qua, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra 45 điểm sạt lở bờ sông, trong đó có 2 điểm sạt lở làm chết 4 người, thiệt hại tài sản hàng chục tỉ đồng. Mặc dù sau khi sự cố sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương và ngành chức năng TP Cần Thơ đã nỗ lực trong việc khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những điểm có nguy cơ sạt lở đe dọa cuộc sống người dân.

Trong căn nhà cheo leo, cặp theo sông Thốt Nốt, chị Nguyễn Thị Diễm (ở phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt) lo lắng từng ngày. Chị nói: "Do không có nơi ở, gia đình tôi phải dựng nhà cặp mé sông. Chúng tôi biết ở như vầy rất nguy hiểm nên mọi vật dụng gia đình, tài sản quý giá đều gởi người thân cho an toàn. Mấy tháng trước (tháng 5-2013) tại khu vực này đã xảy ra sạt lở, tôi thấy lo nhưng không có chỗ di dời, đành phải víu nơi đây để sống".

Cùng tâm trạng này, chị Trần Thị Thu Liễu, ở ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, bộc bạch: "Nhà tôi nằm cặp mé sông Cần Thơ, cách khu vực sạt lở ở tổ 22 (điểm sạt lở gần chợ Mỹ Khánh) vài trăm mét. Thấy những hộ bị cuốn trôi nhà cửa tôi sợ lắm, nhưng gia đình không ruộng vườn, chỉ có căn nhà là tài sản duy nhất để che mưa, che nắng, không ở đây thì biết ở đâu. Chúng tôi thật sự khó khăn, mong chính quyền địa phương, các ngành chức năng huyện và TP Cần Thơ xem xét, hỗ trợ nơi ở, để người dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở như tôi di dời lên bờ, có nơi ở an toàn".

Theo khảo sát của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), toàn hệ thống sông, kênh, rạch trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có trên 24 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao. Các điểm sạt lở này đang tiềm ẩn nguy cơ, hậu quả nghiêm trọng trong thời gian tới.

 


 

Bài cuối: Không thể chủ quan, lơ là

 

Chia sẻ bài viết