HẠNH NGUYÊN (Theo Guardian, Aljazeera)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cảnh báo béo phì đang gây ra 200.000 ca ung thư và 1,2 triệu người chết hàng năm tại cựu lục địa, chiếm hơn 13% tổng số ca tử vong của khu vực.

Ảnh: AFP
Trong báo cáo công bố ngày 3-5, WHO nhấn mạnh tỷ lệ thừa cân và béo phì đã chạm tới mức độ chết chóc và “vẫn đang leo thang”. Ở châu Âu hiện nay, khoảng 59% người trưởng thành bị thừa cân hoặc béo phì. Tỷ lệ này ở bé trai và bé gái trong độ tuổi 7-9 lần lượt là 29% và 27%. Số người béo phì ở châu Âu đã tăng 138% trong 5 thập kỷ qua và nơi đây có tỷ lệ béo phì cao hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới, ngoại trừ châu Mỹ.
“Trên khắp khu vực châu Âu theo cách phân chia của WHO, béo phì nhiều khả năng chịu trách nhiệm trực tiếp cho ít nhất 200.000 ca ung thư mới hàng năm và con số này sẽ tăng trong những thập niên tới. Ðối với một số quốc gia trong khu vực, béo phì được dự báo sẽ vượt qua hút thuốc để trở thành yếu tố nguy cơ chính gây bệnh ung thư”, báo cáo nêu rõ. Thừa cân và béo phì hiện là yếu tố nguy cơ phổ biến thứ 4 gây ra các bệnh không lây nhiễm trong khu vực châu Âu của WHO (gồm 53 nước), xếp sau cao huyết áp, các nguy cơ về chế độ ăn và thuốc lá.
WHO chỉ ra rằng không quốc gia nào tại khu vực này có khả năng đạt được mục tiêu là đến năm 2025 ngăn chặn tỷ lệ béo phì gia tăng.
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh không lây nhiễm, bao gồm tiểu đường tuýp 2, bệnh tim và ít nhất 13 loại bệnh ung thư. Chất béo dư thừa trong cơ thể cũng dẫn đến chết sớm và là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tàn tật. Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng 25-29,9 được xếp vào dạng thừa cân, trong khi BMI từ 30 trở lên là béo phì.
Ðược biết, COVID-19 ảnh hưởng đến người thừa cân và béo phì theo những cách khác nhau, trong đó người càng “nặng ký” càng có nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp này. Dữ liệu sơ bộ cũng cho thấy béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên tăng do đại dịch COVID-19.
Có thể đảo ngược “dịch bệnh” béo phì
Theo WHO, các nguyên nhân gây béo phì rất phức tạp, không chỉ là chế độ ăn không lành mạnh và lối sống ít vận động thể chất. Tổ chức này lưu ý những yếu tố môi trường đặc trưng cho việc sống trong xã hội số hóa cao của châu Âu cũng là thủ phạm gây béo phì, chẳng hạn như tiếp thị trực tuyến những thực phẩm không lành mạnh cho trẻ em và sự bùng nổ trò chơi trực tuyến.
Tuy nhiên, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge tin rằng vẫn có thể đảo ngược “dịch bệnh” béo phì ở châu lục. “Bằng cách tạo ra những môi trường thuận lợi cho sức khỏe người dân hơn, thúc đẩy đầu tư và đổi mới trong y tế, phát triển các hệ thống y tế bền bỉ và vững mạnh, chúng ta có thể thay đổi quỹ đạo của béo phì trong khu vực”, Tiến sĩ Kluge nhận định. Báo cáo đồng thời kêu gọi các chính trị gia đưa ra cam kết nhằm đẩy lùi béo phì, bên cạnh các biện pháp như đánh thuế lên các thức uống có đường, trợ giá những thực phẩm lành mạnh, chấm dứt tiếp thị thức ăn không lành mạnh cho trẻ em.
Theo tính toán của World Obesity Atlas, đến năm 2030 thế giới sẽ có hơn 1 tỉ người bị béo phì (20% nữ và 14% nam), tăng gấp đôi so với năm 2010. Béo phì tăng nhanh nhất ở các nước thu nhập trung bình và thấp. Trong 8 năm tới, số người béo phì ở những quốc gia thu nhập thấp được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần so với năm 2010.