07/04/2008 - 22:32

Báo động bệnh cận thị học đường !

Mới đây, Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt (M - RHM) Cần Thơ đã tổ chức khám sàng lọc bệnh về mắt cho trên 37.000 học sinh ở 36 trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn TP Cần Thơ. Kết quả thật đáng lo ngại, tỷ lệ học sinh bị cận thị khá cao, đặc biệt hơn 50% học sinh bị cận thị mà gia đình và bản thân các em không hề hay biết...

Học lớp 1 đã cận thị

Kết quả kiểm tra ở khoa Mắt, Bệnh viện M - RHM, cho thấy khi khám 18.753 học sinh (HS) tiểu học đã phát hiện 1.784 trẻ bị cận thị, chiếm tỷ lệ gần 9,5%. Ở học sinh trung học cơ sở (THCS) tỷ lệ HS bị cận thị còn cao hơn. Trong 18.955 em được khám, số HS bị cận thị chiếm 16,2%. Bác sĩ Nguyễn Phước Thiện, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện M - RHM Cần Thơ cho biết: “Tuy tỷ lệ học sinh bị cận thị ở Cần Thơ tương đương với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Nhưng đáng lưu ý là tình trạng học sinh càng học bậc cao thì tỷ lệ bị cận thị càng nhiều hơn. Đặc biệt có 50% học sinh bị cận thị mà gia đình và bản thân các em không hề hay biết”.

 Lớp 8A3 Trường THCS Đoàn Thị Điểm có gần 20 em bị cận thị.

Nhiều HS mới chỉ học lớp 1 đã phải mang kính cận như Lư Trọng Đức, HS lớp 1D Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Đầu năm học, Đức khá to con nên cô giáo xếp cho ngồi cuối lớp. Nhưng từ khi phát hiện mắt Đức nhìn không rõ, cô chủ nhiệm liền chuyển chỗ cho Đức lên ngồi ở bàn thứ hai. Lư Trọng Đức nói: “Mỗi lần học lâu là con bị mỏi mắt. Con có nói với mẹ đưa con đi khám nhưng mẹ nói bữa nào rảnh mới chở con đi khám được”. Lê Hoàng Bảo Châu, HS lớp 1P2, Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi bị cận thị. Anh trai của Châu cũng bị cận. Châu cho biết: “Cô giáo nói mắt con nhìn xa không rõ nên mẹ đưa con đi khám và mua kính cận. Mẹ nói con phải bớt xem truyện và xem ti-vi. Nhưng con thích xem phim hoạt hình lắm”. Còn Trần Minh Duy, HS lớp 2P1 thì nói: “Cứ khi nào rảnh là con xem ti-vi. Con xem sáng, trưa, chiều, tối. Con cũng rất thích chơi điện tử trên điện thoại của ba mẹ”. Khi đi học, Duy thường xuyên quên kính cận ở nhà. Mỗi khi quên kính cận, Duy phải nhìn tập bạn chép bài. Còn Đ.T.H, sinh viên năm nhất chuyên ngành Tài chính, Trường Đại học Cần Thơ tâm sự: “Em bị cận từ năm học cấp 2. Do xấu hổ với bạn bè nên em không thường xuyên mang kính. Hồi còn học ở phổ thông, ngoài giờ học, em làm bạn với ti-vi và truyện tranh. Chỉ trong vòng vài năm độ cận của em tăng chóng mặt. Bây giờ em cận 6 đi-ốp. Mỗi lần học bài lâu, học bài khuya là em chảy nước mắt. Lúc nào em cũng phải mang kính cận. Trời mưa đến là khổ, vì chạy xe, nước mưa tạt ướt kính, em không thấy đường mà chạy. Mỗi năm em tốn khoảng 2 triệu đồng tiền thay kính”.

Thiếu quan tâm

Chị Trần Thị Phương, có cô con gái đang học lớp 5 ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, nói: “Con tôi mê nhất là đọc truyện tranh. Ban đầu, tôi quy ước cứ học bài xong mới được đọc truyện. Tháng nào điểm giỏi nhiều, con tôi đòi đi nhà sách mua truyện, sách. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là nó đọc sách dù sao cũng tốt, còn hơn lêu lổng ngoài đường. Bữa cô giáo báo cho tôi biết mắt nó yếu. Tôi đưa nó đi bác sĩ, bác sĩ nói nó cận 2 đi-ốp”. Sau khi phát hiện con mình bị cận, chị Phương giảm thời gian đọc sách truyện của con. Nhưng, con chị Phương có phòng riêng để học nên ban đêm sau khi cha mẹ đã ngủ, con chị lén dậy mở đèn ngủ để đọc truyện tiếp. Cha mẹ không cho tiền mua sách thì cháu nhịn tiền ăn sáng để mua, mượn bạn về đọc. Và trong 1 năm độ cận của con chị Phương tăng thêm 1,5 đi-ốp.

Một phụ huynh làm cán bộ y tế trường học tại một trường tiểu học ở quận Ninh Kiều, có con học lớp 12 Trường THPT Châu Văn Liêm và con trai đang học năm thứ hai Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nói: “Tôi làm trong ngành y tế, biết rõ là phải cẩn thận giữ gìn đôi mắt cho con nhưng tôi đi làm tối ngày về đến nhà thấy con chúi mũi vào học. Chương trình bây giờ học nặng lắm. Sáng học, chiều học, tối còn đi học thêm, khuya về học bài nên mắt bọn trẻ ít được nghỉ ngơi. Khi xong việc học, bọn trẻ lại tìm đến ti-vi, điện tử, sách báo... vì thế mà đôi mắt càng mỏi hơn”.

Bác sĩ Nguyễn Phước Thiện Trưởng khoa mắt, Bệnh viện M-RHM Cần Thơ cho biết: “Trẻ em bây giờ ít có điều kiện phóng tầm nhìn ra xa. Học bài, xem ti-vi, đọc truyện đều nhìn gần. Đến mức ra đường, tầm nhìn cũng bị giới hạn vì nhà cao tầng. Trẻ ít có điều kiện vui chơi khoảng không bên ngoài, bó hẹp ở nhà trường và gia đình nên rất dễ bị cận. Chính vì thế mà con nhà khá giả ở thành phố lại dễ bị cận hơn trẻ ở nông thôn. Qua kiểm tra, tỷ lệ học sinh cận thị chiếm số đông nằm ở các trường trong nội ô thành phố Cần Thơ”.

Theo kỹ sư Huỳnh Phước Lợi, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ: Hiện nay, Nhà nước chưa có những qui định sách cho thiếu nhi cỡ chữ bao nhiêu, tranh ảnh in như thế nào nên sách cho thiếu nhi cỡ chữ còn quá nhỏ, tranh ảnh in lem nhem làm cho trẻ phải điều tiết mắt quá nhiều. Ở gia đình, cha mẹ chưa quan tâm, nhắc nhở con em mình để các em đọc tranh truyện, xem ti-vi và sử dụng máy vi tính quá nhiều. Ở trường, thầy cô chỉ quan tâm dạy học sinh cho tốt, ít quan tâm đến vấn đề giữ gìn sức khỏe cho học sinh... Vì thế gia đình, xã hội và nhà trường đều có vai trò trong phòng chống cận thị trong học đường.

Phòng ngừa cận thị: Còn bỏ ngỏ ?

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ hiện nay chỉ có 125/344 trường (từ mầm non đến đại học) có cán bộ y tế trường học, chiếm tỷ lệ hơn 37%. Các trường còn lại đa số do giáo viên kiêm nhiệm. Những giáo viên này được nhân viên y tế ở địa phương và chữ thập đỏ đào tạo ngắn hạn về chữ thập đỏ, sơ cấp cứu. Theo đánh giá của kỹ sư Huỳnh Phước Lợi, quận Ninh Kiều tỷ lệ các trường có cán bộ y tế có chuyên môn tương đối cao còn các quận, huyện còn lại rất thấp. Cán bộ y tế trường học đa số là y tá, y sĩ, riêng ở các trường trung học, cao đẳng và đại học đa số là bác sĩ. Nhiều khi giáo viên kiêm thêm y tế trường học thường ít báo cáo công tác y tế trường học do người làm công tác này chế độ chính sách còn hạn hẹp, không có điều kiện đi học để nâng cao chuyên môn, kinh phí đầu tư cho công tác này chỉ trông mong vào tiền do Bảo hiểm xã hội trích lại (từ tiền học sinh đóng mua BHYT tự nguyện).

Kỹ sư Huỳnh Phước Lợi thừa nhận: “Nếu cán bộ y tế được phủ đều khắp các trường thì công tác này có hiệu quả hơn. Hiện nay, ngành y tế mới chỉ tuyên truyền nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ cao dẫn đến cận thị”. Nhưng công tác tuyên truyền mới chỉ dừng lại ở việc tập huấn cho cán bộ phụ trách y tế ở các trường học để các cán bộ này tuyên truyền lại cho phụ huynh và học sinh, còn việc có tuyên truyền hay không thì không ai biết (?). Việc tuyên truyền cũng chỉ thực hiện “chay” mà không hề có panô, áp phích, khẩu hiệu, tờ tơi...

Ông Nguyễn Quí Đôn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho biết: Bệnh học đường nói chung và tật cận thị nói riêng có yếu tố sâu xa bắt nguồn từ cơ sở vật chất. Phòng học thiếu ánh sáng, hệ thống sân chơi, bãi tập thiếu. Hoạt động thể dục thể thao yếu nên sau giờ học HS chỉ biết chúi mũi vào truyện tranh, ti- vi và nguy cơ gia tăng bệnh cận thị trong học đường là không tránh khỏi.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Bác sĩ Nguyễn Phước Thiện, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện M-RHM Cần Thơ: Nguyên nhân bị cận thị đến nay vẫn chưa xác định chính xác nhưng học sinh có cha mẹ bị cận thị thì nguy cơ con bị cận thị rất cao. Cộng với việc các em thường xuyên nhìn gần, học tập nơi ánh sáng yếu, sử dụng máy vi tính, xem ti-vi quá nhiều... là các yếu tố nguy cơ cao gây nên cận thị. Người bị cận thị dễ bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động và sinh hoạt khó hơn người khác do nhìn không rõ. Từ đó, cận thị không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của các em sau này.

Chia sẻ bài viết