14/01/2015 - 20:01

“CƠ BẢN LÀ BUỒN”

Bản Boléro thời hậu chiến

“Cơ bản là buồn” là truyện dài của Nguyễn Ngọc Thuần, đoạt giải Nhì “Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần V 2012-2014”. Câu chuyện như một bản nhạc Boléro về thời hậu chiến, dẫn dắt người đọc đi từ sự hoang mang, vô định đến sự giải thoát của những tâm hồn bị ám ảnh về quá khứ, về nguồn cội...

X- nhân vật chính của truyện - là một cô gái sống độc lập, yêu nhạc và rất thoáng trong quan hệ yêu đương. Xoay quanh cô là các nhân vật cũng không có tên, chỉ được gọi bằng: J, F, K, Z…

Cứ ngỡ X là một cô gái “có sắc, không hương” nhưng càng đọc, độc giả càng có cảm tình bởi đằng sau vẻ ngoài bất cần đời là một tâm hồn nhạy cảm và đầy tình thương. Cô sẵn sàng giúp đỡ bạn bè lúc khó khăn cũng như sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh. Công việc của cô tại một công ty lớn là ngoại giao để giúp công ty ký kết hợp đồng với các đối tác. X làm tốt công việc nhờ sự khôn ngoan, sắc sảo và hiểu tâm lý khách hàng nhưng không bán rẻ lòng tự trọng.

X còn có nghề tay trái là làm thông dịch viên nên đã gặp vợ chồng ông John, một cựu binh Mỹ quay lại Việt Nam nhờ X tìm giúp bà Huệ, người yêu cũ của John ở Việt Nam. Khi tìm được manh mối, mọi người đều ngỡ ngàng khi biết bà Huệ đã chết, để lại một đứa con lai tên là Hữu Nghị nhưng bị tật nguyền, thiểu năng trí tuệ do nhiễm chất độc dioxin…

 

Đề cập đến nỗi đau thời hậu chiến nhưng không vì thế mà tác giả viết “lên gân” hoặc sáo mòn. Những nhân vật, tình tiết xuất hiện và hòa vào mạch truyện tự nhiên; văn phong khi nhẹ nhàng, sâu lắng, khi đanh đá, giễu cợt… nhưng không có sự lên án hay triết lý, giáo điều. Truyện tập trung vào số phận bất hạnh của những người bị nhiễm chất độc dioxin, những phụ nữ Việt Nam bất hạnh trong chiến tranh… Nhưng rõ nét nhất là những ám ảnh tâm lý sau cuộc chiến của các cựu binh Mỹ mà John là một trong số đó.

Trong câu chuyện, hầu như lúc nào cũng có âm nhạc hiện hữu: từ sự gắn bó của X với ban nhạc Anh Em, đến không gian của những phòng trà, quán cà phê hát với nhau hay những giây phút u hoài của các nhân vật, âm nhạc được dùng như một liều thuốc an thần hữu dụng. Trong đó, Boléro được nhắc đến như một dòng chủ đạo và có thể ví “Cơ bản là buồn” là một bản Boléro đặc trưng về thời hậu chiến. Số phận của John, bà Huệ và Hữu Nghị là những điểm nhấn chính trong bản nhạc trầm buồn ấy. Họ là những nhân chứng của chiến tranh, là đại diện cho những nỗi đau thời hậu chiến. Có lẽ đó cũng là lý do họ được đặt tên rõ ràng thay vì mang chữ cái tượng trưng như những nhân vật khác.

Chuyện của John đã đánh thức trong X một dự cảm mơ hồ về nguồn cội bởi cô cũng là một đứa con lai không biết cha là ai. Mẹ cô đến lúc chết vẫn mang theo bí mật về người tình Mỹ, bởi bà muốn X sống cho tương lai, đừng vì quá khứ mà trăn trở, băn khoăn. Thời gian gắn bó với John khiến X đã có lúc ước rằng, mình là con của ông để được sưởi ấm tình phụ tử mà cô chưa bao giờ có.

Sau khi tìm về quá khứ, đối mặt với nỗi đau và tìm được câu trả lời sau những ngày tháng bị dằn vặt vì tội lỗi, vì nguồn cội, tất cả đã tìm được lối thoát và sự bình yên trong tâm hồn. Vợ chồng John quyết định trao toàn bộ số tiền họ dành dụm cho Hữu Nghị dù biết cậu bé không phải là con ruột của mình. John tìm thấy niềm an ủi khi viết sách, còn vợ ông nhiều lần trở lại Việt Nam để thực hiện bộ sưu tập ảnh về những người phụ nữ mang tên Huệ. X nghĩ tới việc lập gia đình với người cô yêu. Họ tiếp tục sống, một cuộc sống ý nghĩa hơn…

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết