ÁI LAM
Văn hóa chợ nổi Cái Răng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2016. Ðây cũng là điểm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay chợ nổi Cái Răng đang cần có phương án bảo tồn và phát triển thích hợp.
Ghe tàu trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: CTV
Khi giao thông và giao thương đường bộ, hàng không ngày càng phát triển, tất yếu hoạt động nhiều chợ nổi ở ĐBSCL không còn tấp nập như xưa. Riêng chợ nổi Cái Răng vẫn tồn tại một cách đặc biệt: phát triển kinh tế gắn với du lịch.
Nhiều du khách, nhất là khách quốc tế, biết và ấn tượng về Cần Thơ qua chợ nổi Cái Răng và những kênh rạch xanh mát. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng: “Chợ nổi Cái Răng là nét đặc trưng sông nước không chỉ của Cần Thơ mà còn của ĐBSCL, là không gian văn hóa gắn liền với lịch sử vùng đất, là tài sản quý phải được gìn giữ. Nếu không có chợ nổi Cái Răng thì du lịch Cần Thơ sẽ bị ảnh hưởng lớn”. Thực tế, tour chợ nổi Cái Răng luôn phải có trong hành trình Cần Thơ của hầu hết các công ty du lịch, khởi hành mỗi ngày.
Thế nhưng trong khi du lịch chợ nổi Cái Răng vẫn chưa giải quyết những tồn tại (rác thải gây mất mỹ quan; sản phẩm và trải nghiệm còn đơn điệu...) thì xuất hiện thêm việc chợ nổi bị phân tán không gian do tác động của việc xây bờ kè. Cụ thể, hiện nay công trình xây dựng Dự án Kè bờ sông - Ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, đến đoạn của chợ nổi Cái Răng. Trước kia, đây là khu vực có nhiều nhà dân, vựa rau củ quả kết nối giao thương “trên bến dưới thuyền”. Khi kè được xây dựng đã khiến nhiều vựa đã phải dời đi, kéo theo sự di chuyển của các ghe nông sản và phân tán nhiều khu vực, chứ không tập trung đông đúc trải dài trong một không gian như trước kia. Vấn đề này đòi hỏi sự chung tay giải quyết của nhiều ngành, nhiều cấp.
Từ năm 2016, Ðề án Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng đã được TP Cần Thơ triển khai, với 13 hạng mục. Đến nay nhiều phần việc đã hoàn thành, nổi bật là hoạt động an sinh xã hội. UBND quận Cái Răng đã tạo điều kiện để 170 hộ vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch, nông sản. Lượng khách đến chợ nổi Cái Răng tăng bình quân 12-15% mỗi năm. Nhưng thực tế, công tác bảo tồn chợ nổi Cái Răng vẫn còn nhiều khó khăn, cụ thể: quản lý nhà nước trên chợ nổi thuộc nhiều ngành, nhiều cấp chồng chéo; bảo vệ môi trường còn bất cập… Hiện nay là xây dựng kè sông đang ảnh hưởng đến không gian văn hóa chợ nổi Cái Răng.
Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo các sở, ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn, với mục tiêu quan trọng nhất là giữ chân thương hồ, bảo tồn văn hóa chợ nổi Cái Răng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đang phối hợp Viện Kinh tế - Xã hội thành phố hoàn chỉnh Đề cương đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chợ nổi Cái Răng đến năm 2030”; Sở Công thương nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù tạo điều kiện duy trì chợ nổi Cái Răng theo quy định; Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất thành lập ban quản lý chợ nổi, các chính sách cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp, chuyên gia nghiên cứu phát triển chợ nổi Cái Răng; Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, triển khai các đề án bảo vệ môi trường, chiến dịch thu gom rác thải trên sông; Sở Giao thông vận tải rà soát, quản lý, quy hoạch bến thủy nội địa phục vụ hành khách du lịch, quản lý phương tiện chở khách du lịch…
Hiện nay, có nhiều ý kiến đề xuất trong xây dựng kè sông đoạn chợ nổi Cái Răng nên cân nhắc bổ sung các cửa, ngõ tạo điều kiện cho các vựa, thương hồ có nơi mua bán, kết nối “trên bến dưới thuyền”. Địa phương và ngành hữu quan tìm giải pháp để chợ nổi Cái Răng được công nhận là làng nghề truyền thống để có những chính sách hỗ trợ kinh tế với thương hồ. Bên cạnh bảo tồn hiện trạng chợ nổi thì nên cân nhắc xây dựng một không gian phát triển theo hướng du lịch. Vì thực tế nhiều tiểu thương trên chợ nổi Cái Răng không tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch, họ chỉ mua bán sỉ rau củ quả. Chỉ số ít ghe nhỏ lẻ có dịch vụ ăn uống, nên trải nghiệm cho du khách không đa dạng. Việc có không gian du lịch sẽ giúp đầu tư sản phẩm, dịch vụ phong phú hơn.