01/07/2021 - 08:22

Dạy và học tích hợp: Phải đào tạo đội ngũ giáo viên mới

Bài 2. Dạy và học tích hợp: Trao quyền chủ động cho các nhà trường 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay sẽ có hướng dẫn riêng về vấn đề dạy học tích hợp và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường và của giáo viên.


(Ảnh minh họa: TTXVN)

Việc dạy các môn tích hợp sẽ chính thức được triển khai trong các trường phổ thông trên cả nước từ năm học 2021-2022, bắt đầu với lớp 6. Nhưng, triển khai dạy học như thế nào trong khi đội ngũ giáo viên hiện nay đều chỉ dạy đơn môn là câu hỏi lớn.

Trước những băn khoăn của giáo viên và các nhà trường, phóng viên VietnamPlus đã phỏng vấn phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này.

-  Thưa ông, trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ không còn các môn đơn lẻ Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học ở bậc trung học cơ sở, thay vào đó là các môn tích hợp. Những môn này được thiết kế khác như thế nào so với chương trình cũ?

Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành: Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, các môn như Lịch sử-Địa lý, Khoa học-Tự nhiên được thiết kế thành các chủ đề với các mạch kiến thức theo tinh thần tích hợp. Ví dụ như mạch kiến thức liên quan đến vật sống, năng lượng và biến đổi, trái đất và bầu trời... không thiết kế theo cách gọi môn học trước đây là vật lý, hóa học hay sinh học.

Bất kỳ hiện tượng tự nhiên và xã hội nào bao giờ cũng được hình thành bởi nhiều yếu tố, nhiều lĩnh vực, nhiều kiến thức trong đó. Ví dụ như ở môn Khoa học Tự nhiên, khi nói về sự sôi không chỉ có kiến thức vật lý mà còn có các yếu tố của hóa học, thậm chí cả sinh học; sự sống của cây không chỉ có kiến thức sinh học mà còn nhờ cả sự quang hợp, kiến thức thuộc lĩnh vực vật lý... Tương tự như vậy với môn Lịch sử và Địa lý, một hiện tượng trong xã hội bao giờ cũng phải có cả hai yếu tố không gian và thời gian, một vấn đề của lịch sử không thể tách rời địa lý và ngược lại.

Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Moet.gov)

Do đó, khi xây dựng chương trình theo mạch kiến thức như vậy phải là các kiến thức tích hợp vì nội dung kiến thức cho dù ở mạch nào cũng không đứng độc lập một mình. Các nội dung kiến thức ở các môn tích hợp theo đó cũng không phải ghép cơ học độc lập theo kiểu “ba củ khoai trong một rổ” như một số người lầm tưởng mà cùng bổ trợ để giúp học sinh hiểu về một vấn đề. Việc dạy theo chủ đề cũng giúp học sinh không phải học lại một vấn đề, hiện tượng ở nhiều môn khác nhau.

- Có môn học tích hợp theo hướng mới nhưng đội ngũ giáo viên hiện nay lại quen dạy đơn môn và được đào tạo theo hướng đơn môn. Vậy các nhà trường sẽ phải bố trí giáo viên như thế nào để vừa đảm bảo giáo viên dạy được, vừa đảm bảo yêu cầu môn học, thưa ông?

Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành: Được thiết kế theo chủ đề với các mạch kiến thức nhưng mỗi mạch kiến thức sẽ có thể nghiêng nhiều hơn về một môn nào đó theo cách gọi trước đây, như mạch kiến thức về vật sống liên quan nhiều hơn đến sinh học.

Vì thế, các giáo viên có thể phụ trách phần tương ứng, không phải hai giáo viên cùng lên lớp một lúc để dạy nên sẽ không tăng số giờ. Tuy nhiên, khi dạy đều phải nhìn ở góc độ tích hợp, giáo viên sử khi dạy phần sử phải nhìn vấn đề cả ở khía cạnh địa lý và ngược lại. Cách bố trí có vẻ cũ nhưng cách tiếp cận phải hoàn toàn mới theo hướng đó. Riêng với các chủ đề liên môn, các giáo viên chủ động kết hợp với nhau để dạy.

Theo đó, với đội ngũ giáo viên hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao quyền chủ động cho các nhà trường và sẽ có hướng dẫn để các trường tự tin trong việc bố trí phân phối chương trình và phân công giáo viên dạy học.

Nếu đủ điều kiện thuận lợi, nhà trường phân công giáo viên phụ trách từng mạch kiến thức và cố gắng tuân thủ trình tự thời gian đã được thiết kế trong chương trình. Như vậy sẽ thuận lợi cho học sinh vì các nội dung chương trình trước sẽ giúp học sinh có được sự phát triển năng lực để thuận lợi cho việc tiếp nhận và thực hiện các nhiệm vụ học tập của các phần sau.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyển chủ động bố trí giáo viên cho các nhà trường. (Ảnh: TTXVN)

Nếu việc phân công như vậy gặp khó khăn thì nhà trường có thể bố trí sắp xếp lại nội dung kiến thức để phù hợp với điều kiện thực tiễn về cơ sở vật chất và con người ở đơn vị mình.

Vì vậy, trong các tình huống rất cụ thể của trường, có những chủ đề hay những bài học của các phần kiến thức có thể bố trí dạy học song song trong cùng một khoảng thời gian để đảm bảo đội ngũ giáo viên phù hợp nhất.

Nhưng cho dù thế nào cũng phải chú ý khai thác các nội dung kiến thức ở góc độ của sự tích hợp. Đó là cái khác căn bản của việc thiết kế chương trình mới để các em học sinh khi đã nghiên cứu một hiện tượng tự nhiên nào thì không phải nghiên cứu lại lần thứ hai. Điều đặc biệt quan trọng nữa là phương pháp dạy học để tổ chức cho học sinh hoạt động học chứ không phải là giáo viên lên lớp để giảng bài, Đây là yếu tố cốt lõi của phương pháp dạy học phát triển năng lực. Bộ đã có khung hướng dẫn giúp giáo viên có thể hình dung các nhiệm vụ của mình để có thể vận dụng linh hoạt.

Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn riêng về vấn đề này. Chúng tôi sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường và của giáo viên. Đây là nội dung quan trọng để triển khai kế hoạch giáo dục nhà trường đáp ứng yêu cầu mới trên tinh thần giao quyền cho nhà trường xây dựng và tự chủ kế hoạch giáo dục. Theo đó, sẽ không còn khái niệm phân phối chương trình “đồng phục” toàn quốc như trước đây.

- Điều đó sẽ đòi hỏi giáo viên ngoài đơn môn mình đang dạy sẽ phải tìm hiểu thêm các đơn môn khác trong môn tích hợp, thưa ông?

Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành: Trên thực tế không một giáo viên lịch sử nào khi dạy lại không nói đến yếu tố địa lý và ngược lại, không giáo viên dạy địa lý nào lại không nói về hoàn cảnh lịch sử. Ví dụ dạy học sinh về lịch sử một quốc gia thì không thể không nói quốc gia đó nằm ở đâu. Tuy nhiên, có thể vì quá quen nên nhiều khi giáo viên có thể không để ý và nghĩ là mới. Điều mới ở đây là việc tích hợp kiến thức liên môn được nhấn mạnh để giáo viên chủ động hơn, giống như chuyển từ tự phát sang tự giác. Trước đây giáo viên vẫn làm nhưng nay chủ động hơn, có kế hoạch hơn, bài bản hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng được các yêu cầu của chương trình mới.

- Xin cảm ơn ông!

Bài 3. Dạy và học tích hợp: Môn học mới cần giáo viên mới

Theo Phạm Mai (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết