(CTO) - Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, các tỉnh phía Nam ghi nhận 41 ca bệnh ho gà và 317 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Nguyên nhân khiến cho các dịch bệnh này tăng là do tỷ lệ tiêm chủng thấp. BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết, từ đầu năm đến nay BV tiếp nhận 1 trường hợp ho gà và 7 trường hợp sởi, tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng Khoa Khám bệnh thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh minh họa.
Trước tình hình dịch bệnh ở các địa phương trong cả nước, Ban Giám đốc BV Nhi đồng TP Cần Thơ chỉ đạo thực hiện tốt công tác thu dung trẻ mắc sởi, ho gà; điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong. Tăng cường truyền thông khuyến cáo, hướng dẫn cộng đồng các biện pháp phòng bệnh, tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi, ho gà; rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, vaccine chống dịch, trang thiết bị, nhân lực... Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch dự phòng và ứng phó với dịch bệnh theo các mức độ, quy mô của dịch; ban hành các hướng dẫn, quy trình ứng phó khi có ca bệnh nhiễm, nghi nhiễm đến khám, bao gồm quy trình phân luồng, khám sàng lọc, cách ly, đưa người nhiễm vào khu điều trị, tuân thủ nghiêm các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn.
BS CKII Trương Cẩm Trinh khuyến cáo đến cộng đồng, nhất là các gia đình có con nhỏ:
- Khi trẻ bị bệnh, cha mẹ có thể chăm sóc con tại nhà nhưng cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý, vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, đặc biệt cần làm thông thoáng đường thở cho bé và tuân thủ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, không để trẻ tiếp xúc với những trẻ khác để phòng ngừa lây nhiễm.
- Trường hợp trẻ xuất hiện những dấu hiệu bất thường như cơn ho nghiêm trọng kèm theo biểu hiện tím tai, ho kéo dài, nôn sau ho, trẻ quấy khóc và ăn kém,… phụ huynh cần đưa trẻ đi khám sớm.
- Tiêm vaccine là phương pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả:
+ Hiện có ba loại mũi tiêm sởi, thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ, gồm mũi đơn, mũi phối hợp sởi - rubella, mũi phối hợp phòng sởi - quai bị - rubella (MMR).
+ Trẻ nhỏ cần tiêm chủng phòng bệnh sớm, đúng lịch khi trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên. Trẻ 4-6 tuổi được tiêm nhắc bổ sung vaccine sởi - quai bị - rubella để tăng hiệu quả miễn dịch tùy thuộc vào lịch tiêm phòng trước đó. Người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử chủng ngừa cần tiêm hai mũi vaccine để tránh trở thành nguồn lây cho trẻ nhỏ và những người xung quanh.
+ Tiêm đầy đủ hai mũi tăng hiệu quả phòng bệnh đến 97%. Vaccine có giá trị bảo vệ với người tiếp xúc nguồn lây nhiễm trong 72 giờ.
+ Ngoài tiêm chủng cần kết hợp nhiều biện pháp khác để tăng hiệu quả phòng ngừa như tăng cường vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, dinh dưỡng đầy đủ.
THU SƯƠNG