29/05/2024 - 08:46

Ba Lan tăng cường năng lực phòng thủ 

Sau thỏa thuận mua hệ thống radar cảnh báo sớm bằng khí cầu trị giá gần 1 tỉ USD từ Mỹ, Ba Lan gần đây tiếp tục chi thêm 735 triệu USD cho lô tên lửa dẫn đường tầm xa không đối đất JASSM do tập đoàn Lockheed Martin phát triển.

Tên lửa JASSM được phóng từ máy bay ném bom hạng nặng Boeing B-1B. Ảnh: Lockheed Martin

Hồi tháng 4, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán các hệ thống tên lửa tiên tiến trị giá 3,68 tỉ USD cho Ba Lan bao gồm 821 tên lửa không đối đất AGM-158B-2 phóng ngoài vùng phòng không tăng tầm (JASSM-ER), 745 tên lửa không đối không tầm trung AIM-120C-8 (AMRAAM) và 232 tên lửa chiến thuật AIM-9X Sidewinder Block II. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết, Nhà Trắng sẽ hỗ trợ đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khoản vay 2 tỉ USD để mua vũ khí do Mỹ sản xuất.

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ cho biết các tên lửa tiên tiến mới sẽ nâng cao năng lực của Không quân Ba Lan, cũng như tăng khả năng tương tác với lực lượng Mỹ cùng NATO. Và theo thỏa thuận được ký ngày 28-5, Washington sẽ chuyển giao lô tên lửa JASSM cho Ba Lan trong khoảng thời gian từ năm 2026 đến năm 2030. Hiện Warsaw sở hữu một phiên bản JASSM có tầm bắn khoảng 370 km trang bị trên phi đội chiến đấu cơ F-16. Đối với lô vũ khí mới, tầm bắn của các tên lửa được nâng lên khoảng 1.000 km và có thể tấn công các mục tiêu mặt đất với bán kính sai số trung bình là 3 m.

Việc Ba Lan ký kết các thương vụ mua vũ khí từ Mỹ diễn ra khi nước này đang chạy đua hiện đại hóa quân đội nhằm củng cố mạng lưới phòng thủ và khả năng răn đe trước các mối đe dọa tiềm tàng. Được biết, quốc gia Đông Âu đã tăng ngân sách quốc phòng lên khoảng 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức cao nhất trong số các nước thành viên NATO khi tình hình chiến sự ở Ukraine tiếp tục gây quan ngại cho nhiều quốc gia láng giềng.

Trong bối cảnh trên, các quan chức quốc phòng Ba Lan ngày 28-5 đã cho công bố chi tiết kế hoạch “Bức màn sắt” mới nhằm bảo vệ sườn phía Đông NATO và Liên minh châu Âu (EU) trước các hành vi thù địch. Đây là hoạt động lớn nhất nhằm củng cố biên giới phía Đông của Ba Lan kể từ năm 1945. Dự kiến tiêu tốn hơn 2,5 tỉ USD và hoàn thành vào năm 2028, Chương trình mang tên “Lá chắn phía Đông” hay còn được truyền thông Ba Lan gọi là “phòng tuyến Tusk” theo tên thủ tướng nước này, bao gồm các công sự, chiến hào và bẫy xe tăng dựng dọc theo khoảng 700 km ở biên giới giữa Ba Lan với vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga và Belarus. Ba Lan cũng phối hợp với các đồng minh NATO khác như Phần Lan, Estonia, Latvia và Litva trong các dự án trung tâm và hệ thống viễn thông.

Chương trình trên tách biệt với bức tường biên giới được xây dựng nhằm ngăn dòng người di cư khổng lồ từ Belarus. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk gọi đây là “chiến tranh phức hợp” mà Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã tạo điều kiện để Nga tiến hành gây bất ổn cho EU. Trong nỗ lực ngăn chặn chiến thuật “chiến tranh lai” của Mát-xcơ-va, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski ngày 27-5 thông báo Warsaw sẽ bắt đầu hạn chế sự di chuyển của các nhà ngoại giao Nga tại nước này. Quy tắc mới không áp dụng đối với các đại sứ mà chỉ giới hạn ở những đối tượng khác làm việc tại lãnh sự quán và đại sứ quán Nga. Những cá nhân bị ảnh hưởng sẽ chỉ được phép di chuyển trong khu vực nơi họ công tác.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết