08/10/2016 - 16:31

Bã cà phê – nguyên liệu lọc nước nhiễm chì hữu hiệu

Vì cà phê là một trong những thức uống phổ biến nhất thế giới nên mỗi năm có hàng triệu tấn bã cà phê bị thải ra môi trường, chỉ một ít trong số đó được dùng làm phân bón hoặc trộn với thức ăn gia súc. Nhằm tìm cách tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào này, các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Công nghệ Genoa của Ý đã điều nghiên khả năng ứng dụng bã cà phê trong xử lý nước.

Ảnh: cen.acs.org

Nghiên cứu do chuyên gia Despina Fragouli dẫn đầu đã tạo ra một màng lọc dạng xốp trong đó 60% thành phần cấu tạo là bã cà phê và 40% là chất đàn hồi silicon. Thử nghiệm trong tình trạng nước đứng cho thấy màng lọc dạng xốp (ảnh) đã lọc sạch đến 99% các ion chì và thủy ngân trong 30 giờ. Còn khi thử nghiệm trong điều kiện dòng nước nhiễm bẩn chảy qua màng lọc, miếng xốp chứa bã cà phê loại bỏ đến 67% lượng ion chì. Màng lọc sinh học này cũng dễ dàng loại bỏ sau khi sử dụng.

Công bố trên tạp chí của Hội Hóa học Mỹ (ACS), các chuyên gia cho rằng công nghệ chế tạo màng lọc mới giải quyết cùng lúc 2 vấn đề, vừa giảm lượng rác thải (từ bã cà phê) vừa giải quyết vấn đề khác cũng liên quan đến môi trường, đó là xử lý nước bẩn.

Được biết, nhiễm độc chì hay thủy ngân đều rất nguy hiểm đối với sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ em. Trong khi chì có thể gây hại hệ thần kinh, gây ra các chứng rối loạn não và máu, thậm chí dẫn đến ung thư, suy gan, suy thận, hoại tử đầu chi…, thủy ngân có thể làm tổn thương hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết, hoặc gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

HOÀNG ĐIỂU (Theo New Atlas, ACS)

Chia sẻ bài viết