17/12/2018 - 22:01

Anh sẽ không trưng cầu dân ý lần hai về Brexit 

Những người ủng hộ Thủ tướng Anh Theresa May đã dập tắt những suy đoán xuất hiện ngày 16-12 về khả năng chính phủ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc có nên rời Liên minh châu Âu (EU) hay không. Họ cho rằng một cuộc bỏ phiếu Brexit khác chỉ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ ở Anh, chứ không giúp hàn gắn.


Thủ tướng May thất vọng vì không đạt được tiến triển gì tại hội nghị thượng đỉnh EU về Brexit tuần qua. Ảnh: Guardian

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Anh đang chật vật tìm hướng giải quyết thế bế tắc chính trị nhiều ngày qua vì bất đồng với các điều khoản trong thỏa thuận rời khỏi liên minh 28 nước của bà May. Quốc hội Anh đáng lẽ đã tiến hành bỏ phiếu quyết định kế hoạch Brexit hồi tuần rồi, nhưng nữ Thủ tướng đã hoãn lại vì biết chắc các nhà lập pháp sẽ bác bỏ nó, sau khi bà trở về từ hội nghị thượng đỉnh EU về Brexit hôm 14-12 mà không nhận được bất kỳ sự nhượng bộ nào từ Brussels.

Thông tin nhiễu loạn, nội bộ xào xáo

Giữa lúc tình cảnh rối ren, tờ Sunday Times ngày 16-12 đưa tin do Thủ tướng May không đạt được tiến bộ nào mới khi đối thoại với EU, một số đồng minh quan trọng nhất của bà đang chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý thứ hai. Tờ báo viết rằng Phó thủ tướng David Lidington cùng với các Bộ trưởng Philip Hammond, Amber Rudd, David Gauke và Greg Clark tin rằng trưng cầu dân ý mới là cách duy nhất phá vỡ sự bế tắc ở Quốc hội.

Tuy nhiên, Chánh văn phòng Thủ tướng Anh Gavin Barwell đã đăng một loạt thông điệp trên Twitter vào sáng cùng ngày, bác bỏ nội dung các bài báo viết ông đã nói với các đồng nghiệp rằng trưng cầu dân ý lần hai là cách duy nhất vượt qua khủng hoảng Brexit. Bộ trưởng Giáo dục Damian Hinds cũng cho biết chính sách của chính phủ không thể rõ ràng hơn, trong đó khẳng định nội các không hề có cuộc thảo luận nào liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý mới. Các nguồn tin thân cận với Phó thủ tướng David Lidington cũng phủ nhận ông đã đề cập với các nghị sĩ Công đảng đối lập trong cuộc họp tuần trước rằng Số 10 Phố Downing quan tâm đến lựa chọn trưng cầu dân ý, mà ông chỉ trong tâm thế lắng nghe.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng May nói rằng “một cuộc bỏ phiếu khác sẽ gây thiệt hại không thể khắc phục đối với tính toàn vẹn của nền chính trị, bởi nó sẽ nói với hàng triệu người tin tưởng vào nền dân chủ rằng nền dân chủ của chúng ta không hiệu quả”. Trước đó, bà đã công khai chỉ trích cựu Thủ tướng Tony Blair vì kêu gọi EU chuẩn bị gia hạn Điều 50 Hiệp ước Lisbon (hạn chót là 29-3-2019) để có thêm thời gian đàm phán hoặc thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý khác. Bà May cho rằng người tiền nhiệm đang làm suy yếu các cuộc đàm phán Brexit bằng cách ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai, gọi đó một sự xúc phạm đối với cương vị ông từng nắm giữ và những người ông từng phục vụ.

Đáp lại, ông Blair nói rằng ông lên tiếng vì lợi ích quốc gia và lợi ích của nền dân chủ. Ông còn công kích bà May “vô trách nhiệm” vì cố đưa thỏa thuận Brexit qua ải Quốc hội. “Chính phủ đã mất thế chủ động. Nghị viện tiếp nhận nó và phải quyết định chọn giải pháp nào cho Brexit. Nếu Quốc hội cũng không thể, thì quyền quyết định nên thuộc về người dân” - cựu lãnh đạo Công đảng lý giải. Ông Blair cùng với Gordon Brown và John Major là ba trong số bốn cựu thủ tướng còn sống ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý mới, chỉ có David Cameron, người tiền nhiệm của bà May, không chấp nhận điều này.

Nhằm giải quyết tình trạng bế tắc hiện nay, chính phủ Anh đang xem xét một số giải pháp thay thế khả thi. Ngay cả những người tin thỏa thuận của Thủ tướng May với EU là một sự thỏa hiệp hợp lý cũng cho rằng sẽ hữu ích khi kiểm tra xem có bao nhiêu nghị sĩ ủng hộ các lựa chọn thay thế thông qua các cuộc bỏ phiếu, tốt nhất là nên tiến hành trước Giáng sinh.

Bộ trưởng Giáo dục Hinds cùng với Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Liam Fox tin rằng làm như vậy sẽ cho thấy các lựa chọn thay thế, bao gồm mối quan hệ kiểu Na Uy với EU, không nhận được sự ủng hộ của số đông. Khi đó, các nghị sĩ sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn thực sự: chấp nhận thỏa thuận của bà May, một cuộc trưng cầu dân ý khác hoặc Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào.

Hơn 1.000 nhà hàng “sập tiệm” vì tác động tiêu cực

Ngày 17-12, công ty kế toán uy tín hàng đầu tại Anh Moore Stephens công bố báo cáo cho thấy trong giai đoạn từ tháng 9-2017 đến tháng 9-2018, hơn 1.000 nhà hàng tại Anh đã phải đóng cửa, tăng 24% so với 12 tháng trước đó, mà lý do chủ yếu được đưa ra là do xu hướng cắt giảm chi tiêu của người dân khiến các nhà hàng ngày càng ế ẩm.

Giám đốc bộ phận tái cơ cấu và trả nợ của Moore Stephens, Jeremy Willmont, cho biết hiện tình trạng “sập tiệm” đang lan rộng và có thể dễ dàng nhận thấy tại hầu khắp các tuyến đại lộ ở bất kỳ thành phố hay thị trấn lớn nào. Ông Willmont cho rằng tác động từ tình trạng không chắc chắn của tiến trình Brexit và việc tăng lãi suất đã khiến cho khách hàng thắt chặt chi tiêu. 

THANH TRÚC (Theo Guardian, CNN, Independent)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
AnhBrexit