Các hợp chất hóa học trong thảo mộc có rất nhiều công dụng hữu ích, cả trong chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Đó là lý do các nhà khoa học luôn tìm tòi, khám phá những phương pháp mới nhằm tăng sản lượng thu hoạch các hoạt chất sinh học có lợi từ những cây dược liệu tự nhiên này.
Thảo mộc được chiếu đèn LED trong thử nghiệm tại Đại học Monash Malaysia.
Theo báo cáo nghiên cứu và thị trường của GlobeNewswire, thị trường thuốc thảo mộc toàn cầu dự kiến sẽ đạt giá trị hơn 411 tỉ USD vào năm 2026, với các yếu tố thúc đẩy chủ yếu gồm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gia tăng trên toàn thế giới, chính phủ các nước tăng nguồn tài trợ cho nghiên cứu và phát triển thuốc từ thảo mộc, mang lưới phân phối sản phẩm ngày càng được mở rộng. Không chỉ vậy, người tiêu dùng ngày nay cũng rất chú trọng các thành phần tự nhiên và cảnh giác với các thành phần tổng hợp trong sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Điều này thúc giục các nhà khoa học tìm kiếm và làm tăng tác dụng dược lý của cây thảo dược.
Tại Đại học Monash Malaysia, một trong những phân viện của Đại học Monash (Úc), các nhà nghiên cứu đang nỗ lực nhận diện và xác định hoạt tính sinh học của các loại thảo dược, cũng như tìm cách nâng cao sản lượng những hoạt chất có lợi trong cây. Dự án nghiên cứu dẫn đầu bởi Phó giáo sư Lim Yau Yan tập trung chiết xuất các hoạt chất sinh học từ cây thảo dược để bảo tồn các hợp chất có lợi cho sức khỏe và sử dụng đèn LED màu để điều chỉnh tăng sản lượng các chất dinh dưỡng trong cây. Được biết, các nhà khoa học từ lâu đã nghiên cứu sự phát triển của thực vật dựa vào nguồn sáng LED, song họ vẫn chưa hiểu nhiều về tác động của nó đối với sản lượng các hoạt chất sinh học, hoặc cách chúng phản ứng với các màu ánh sáng LED khác nhau.
Theo đó, chuyên gia Lim đã hợp tác với Phó Giáo sư Khoa Kỹ thuật Vineetha Kalavally xây dựng một hệ thống đèn LED trong một khu vườn khép kín để thử nghiệm. Nhiều sự kết hợp màu sắc ánh sáng LED khác nhau đã được sử dụng để kích thích sự sản sinh các hợp chất có hoạt tính sinh học trong cây thảo dược. Họ phát hiện ra rằng tỷ lệ ánh sáng đỏ cao hơn ánh sáng xanh lam đã khiến sản lượng axit rosmarinic trong cây râu mèo tăng thêm tới 70%. “Đó là một mức tăng đáng kể so với cải tạo đất hoặc thay đổi khí hậu” - Phó Giáo sư Lim nói, đồng thời nhận định đèn LED thực sự có thể kích thích quá trình trao đổi chất của cây. Axit rosmarinic thường có trong các loài thực vật thuộc họ Lamiaceae, bao gồm các loại thảo mộc như hương thảo, xô thơm, húng quế, bạc hà, râu mèo...
Điều mới lạ ở nghiên cứu này là ánh sáng LED trước giờ hiếm khi được thử nghiệm để kích thích sự gia tăng các hóa chất thúc đẩy sức khỏe đặc trưng như axit rosmarinic. “Axit Rosmarinic là một hợp chất có lợi về mặt dinh dưỡng và dược lý. Nó được sử dụng rộng rãi trong ngành dược phẩm và mỹ phẩm. Nó cũng chứa các đặc tính chống tiểu đường, chống viêm và chống ôxy hóa - Phó giáo sư Lim cho biết thêm.
Nhóm nghiên cứu hiện tiếp tục thử nghiệm trên các loại cây khác nhau, đồng thời từng bước cải thiện hệ thống đèn LED nhằm nâng cao hiệu quả chiếu sáng. Họ cho biết sự kết hợp giữa 50% ánh sáng đỏ và 25% ánh sáng xanh lam là tỷ lệ tốt nhất, song hiệu quả ở mỗi loại thảo mộc khác nhau thì vẫn cần tiến hành thêm nhiều thử nghiệm cụ thể.
HOÀNG ĐIỂU (Theo Monash.edu)