14/07/2014 - 15:16

Ánh sáng cuối đường hầm ?

Việc các chính trị gia người Sunni tối 12-7 chọn được ứng viên cho vị trí chủ tịch quốc hội là một tín hiệu đáng mừng đối với nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng an ninh- chính trị ở nước này. Nó mở đường cho việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc để đối phó với phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) cũng như phong trào đòi độc lập của người Kurd đang lăm le chia năm xẻ bảy đất nước. Cùng ngày, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc Nickolay Mladenov cảnh báo nếu chính giới đang bị chia rẽ sâu sắc của Iraq không sớm gác qua bất đồng để thành lập một chính phủ mới thì nước này chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Theo qui ước, chiếc ghế chủ tịch quốc hội được dành cho người Sunni thiểu số, ghế tổng thống của người Kurd và vị trí thủ tướng dành cho người Shiite chiếm đa số. Các nghị sĩ Sunni đã nhất trí đề cử tiến sĩ Salim al-Juburi làm người đứng đầu cơ quan lập pháp.

Vấn đề là ở chỗ cùng với việc giới thiệu ông al-Juburi, họ cũng tuyên bố không chấp nhận Thủ tướng sắp mãn nhiệm Nuri al-Maliki làm tiếp nhiệm kỳ thứ ba. Đây là trở lực lớn nhất đối với việc thành lập chính phủ mới bởi đảng của ông al- Maliki giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử quốc hội hồi cuối tháng 4, và bản thân ông này cũng tuyên bố sẽ không bao giờ chịu nhường ghế thủ tướng cho người khác. Massoud Barzani, lãnh đạo chính quyền tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq, mới đây cũng đã yêu cầu ông al-Maliki phải từ chức. Dưới thời ông al-Maliki, người Sunni và người Kurd cảm thấy bị gạt ra bên lề xã hội trong khi mọi ưu ái được dành cho người Shiite.

Phiên họp đầu tiên của Quốc hội Iraq khóa mới hôm 1-7 đã kết thúc trong hỗn loạn vì không tìm được tiếng nói chung về vấn đề nhân sự cho chiếc ghế chủ tịch. Cuộc họp dự kiến vào ngày 8-7 cũng bị hoãn lại do vẫn còn bất đồng. Hôm qua 13-7 nghị sĩ các phái bắt đầu ngồi lại với nhau nhưng liệu lần này họ có chọn ra được chủ tịch quốc hội để sau đó chỉ định tổng thống và thủ tướng hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ khi mà các bên chưa có dấu hiệu nhượng bộ lẫn nhau. "Tôi nghĩ cuộc họp này cũng giống như lần trước. Tôi nghi ngờ khả năng các đảng đạt được sự nhất trí về ba vị trí đó"- Rizan Diler Mustafa, nghị sĩ người Kurd, nói với AFP hôm 12-7.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết