27/04/2018 - 20:52

Ánh sáng cho trẻ em và người lớn tuổi ở ĐBSCL 

Theo Bệnh viện (BV) Mắt Trung ương, tỷ lệ mù lòa trẻ em ở ĐBSCL là 5-7%; khoảng 15% trẻ bị lác, lé bẩm sinh và tật khúc xạ. Trong khi đó, dịch vụ chăm sóc mắt cho trẻ em và tật khúc xạ tại ĐBSCL không nhiều, ảnh hưởng phần nào đến việc chữa trị các tật về mắt. Do vậy, Dự án “Ánh sáng cho trẻ em và người lớn tuổi ở ĐBSCL”- một dự án hợp tác quốc tế, được triển khai trong 2 năm qua đã giúp cho nhiều trẻ em, người lớn tuổi có vấn đề thị lực hoặc bệnh về mắt được phát hiện sớm, tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt chất lượng...

Sàng lọc từ trường học

Dự án “Ánh sáng cho trẻ em và người lớn tuổi ở ĐBSCL” được thực hiện ở TP Cần Thơ và tỉnh Cà Mau từ ngày 1-3-2016 đến 31-12-2018. Bác sĩ Lê Thị Cẩm Thanh, Phó Giám đốc BV Mắt- Răng hàm mặt Cần Thơ, cho biết: Dự án tại Cần Thơ có 3 hợp phần: Xây dựng Trung tâm Chăm sóc Mắt trẻ em tại BV Mắt- Răng hàm mặt Cần Thơ; Phát triển dịch vụ tật khúc xạ cho trẻ em (sàng lọc, khám xác định và cấp kính cho học sinh tại các trường tiểu học và THCS); Xây dựng năng lực sàng lọc phát hiện và điều trị bệnh võng mạc trẻ sơ sinh tại BV Nhi đồng Cần Thơ. Từ khi triển khai đến cuối tháng 3-2018, dự án đã sàng lọc thị lực tại trường học cho 21.474 học sinh và giáo viên, khám xác định cho 4.275 người, cấp kính cho 1.711 học sinh và 291 giáo viên.

Cán bộ y tế khám mắt cho học sinh Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ. Ảnh: H.HOA
Cán bộ y tế khám mắt cho học sinh Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ. Ảnh: H.HOA

Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ là một trong 26 trường THCS và tiểu học ở 3 quận, huyện: Ninh Kiều, Thốt Nốt và Vĩnh Thạnh được dự án triển khai sàng lọc, khám xác định và cấp kính cho học sinh. Các thầy thuốc ở BV Mắt- Răng hàm mặt và BV Nhi đồng Cần Thơ đã đến tận trường khám răng hàm mặt, tai mũi họng, thính lực, nội khoa... và khám thị lực cho 89 học sinh và giáo viên, nhân viên. Dự án đã cấp miễn phí 25 đôi kính cho học sinh và giáo viên, nhân viên mắc tật khúc xạ.

Theo cô Trần Thanh Xuân, Hiệu phó nhà trường, một số học sinh gia đình nghèo, ở nông thôn nên phụ huynh cũng không có điều kiện quan tâm đến trẻ. Số khác thì gia đình không giao tiếp được với trẻ, nên không phát hiện được những dấu hiệu bất thường về thị lực ở trẻ. Khi đoàn đến khám, các bác sĩ khám, đo khúc xạ, tư vấn cho phụ huynh (giáo viên hỗ trợ giao tiếp) rất tận tình và đã phát hiện nhiều em bị cận thị, loạn thị. Chị Thu Thủy, phụ huynh của học sinh đang theo học lớp 1, Trường dạy trẻ khuyết tật, được cấp kính, chia sẻ: “Bác sĩ cho biết con tôi bị cận 3 độ, kèm theo loạn thị. Con nhỏ hay nheo mắt, nhưng tôi không biết. Qua đợt này, tôi sẽ quan tâm cháu nhiều hơn”.

Theo bác sĩ Lê Thị Cẩm Thanh, trong hợp phần 2, Dự án tiến hành tập huấn cho nhân viên y tế trường học và giáo viên về sàng lọc bệnh về mắt. Sau đó, nhà trường tổ chức khám sàng lọc. Khi phát hiện các em có dấu hiệu bị tật khúc xạ hay bệnh về mắt, nhà trường lập danh sách gởi về BV Mắt-Răng hàm mặt Cần Thơ. Căn cứ trên số lượng học sinh, giáo viên, BV tổ chức đoàn khám tại trường. Sau khi khám, xác định bị tật khúc xạ, các em, giáo viên chọn gọng kính và tròng kính cho phù hợp sở thích, gương mặt. Mỗi đôi kính, dự án hỗ trợ 100.000 đồng. Với các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được nhà trường xác nhận, dự án cấp miễn phí. Học sinh cần thay tròng kính cũng được thay miễn phí. Ngoài ra, Dự án cũng tiến hành phúc tra tại các trường xem các cháu mang kính có phù hợp không hay có dung nạp với kính không... để phục hồi thị lực với nỗ lực cao nhất cho học sinh.

Kế hoạch trong tháng 5-2018, đoàn tiếp tục khám xác định và cấp kính tại 25 trường tiểu học tại huyện Vĩnh Thạnh và tháng 10-2018 tại 9 trường THPT ở quận Thốt Nốt.

Tăng nguồn lực cho bệnh viện

Bác sĩ Lê Thị Cẩm Thanh, Phó Giám đốc BV Mắt - Răng hàm mặt Cần Thơ, cho biết: “Học sinh bị tật khúc xạ, nếu không phát hiện, được chỉnh kính (đeo kính) thích hợp sẽ có nguy cơ dẫn đến nhược thị, mắt lé. Với nhược thị, trẻ lớn hơn 8 tuổi thì khả năng phục hồi thị lực gần như không thể. Tật khúc xạ là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây mù lòa trên thế giới”.

Khám sàng lọc bệnh lý võng mạc trẻ sinh non tại BV Nhi đồng Cần Thơ. Ảnh: H.HOA
Khám sàng lọc bệnh lý võng mạc trẻ sinh non tại BV Nhi đồng Cần Thơ. Ảnh: H.HOA

Để chăm sóc toàn diện về mắt cho trẻ và thực hiện mục tiêu thành lập đơn vị khúc xạ, Dự án đào tạo 4 kỹ thuật viên khúc xạ, 3 kỹ thuật viên mài lắp kính cho BV Mắt- Răng hàm mặt Cần Thơ, BV Đa khoa huyện Vĩnh Thạnh và quận Thốt Nốt để hình thành 3 đơn vị khúc xạ chuyên khám, ra đơn kính và cấp kính tại 3 đơn vị này. Tất cả học viên đều được BV Mắt TP Hồ Chí Minh đào tạo theo đúng chuẩn của Bộ Y tế. Dự án cung cấp trang thiết bị thành lập đơn vị khúc xạ như: máy đo khúc xạ tự động, máy mài lắp kính, đèn soi bóng đồng tử... Tại BV Mắt – Răng hàm mặt Cần Thơ, hiện nay BV đang xúc tiến xây dựng đề án cung cấp kính dịch vụ để phục vụ người dân bị tật khúc xạ có nhu cầu khám, đặt kính.

 

Dự án “Ánh sáng cho trẻ em và người lớn tuổi ở ĐBSCL” có kinh phí 1 triệu USD; trong đó, Standard Chartered tài trợ 800.000 USD và phần còn lại là của các tổ chức khác, gồm Orbis International (Mỹ), Helen Keller International (Mỹ) và Eye Care Foundation (Hà Lan).

Đối tác chính của dự án: BV Mắt-Răng hàm mặt Cần Thơ, BV Nhi đồng Cần Thơ, Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội Cà Mau.

   

Ngoài ra, dự án cũng chuẩn bị mở 16 lớp đào tạo sàng lọc tật khúc xạ và bệnh về mắt cho cán bộ trạm y tế, nhân viên y tế trường học, giáo viên ở trường mẫu giáo trên địa bàn toàn TP Cần Thơ để phát hiện sớm những dấu hiệu nghi ngờ tật khúc xạ và bệnh về mắt; qua đó, tư vấn, chuyển tuyến đến BV có chuyên khoa mắt điều trị. Trung tâm Mắt trẻ em cũng được thành lập tại BV Nhi đồng và BV Mắt- Răng hàm mặt Cần Thơ. Dự án hiện đã hoàn thành phần cải tạo, trang trí Trung tâm Mắt trẻ em tại hai BV. Dự án cũng trang bị các máy móc, thiết bị cần thiết cho hai trung tâm mắt trẻ em và đơn nguyên sơ sinh của BV Nhi đồng Cần Thơ (trang thiết bị khám, gây mê, mổ).

Dự án cũng đưa 10 lượt bác sĩ, điều dưỡng BV Mắt- Răng hàm mặt Cần Thơ học trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực khám, điều trị các bệnh mắt trẻ em. Đồng thời, đào tạo bác sĩ, điều dưỡng BV Nhi đồng Cần Thơ về khám, sàng lọc và quản lý bệnh võng mạc trẻ sinh non (ROP). Qua đào tạo, BV Mắt- Răng hàm mặt Cần Thơ đã triển khai các dịch vụ khám, điều trị thuốc, phẫu thuật, kê đơn kính cho bệnh nhân. BV Nhi đồng Cần Thơ triển khai khám sàng lọc ROP (tại BV và các BV lân cận) và chuyển tuyến 22 ca bệnh cần điều trị lên TP Hồ Chí Minh. BV Nhi đồng Cần Thơ đang triển khai tư vấn nhóm về ROP. Trước đó, dự án đã thực hiện khám, chuyển giao kỹ thuật trên BV Bay Orbis. Qua đó, có 214 bệnh nhân được khám, điều trị 66 bệnh nhân. Đào tạo hàng trăm lượt bác sĩ, điều dưỡng.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hòa, Giám đốc BV Mắt-Răng hàm mặt Cần Thơ cho biết, thực hiện dự án, phía Cần Thơ đã đóng góp tương đương 1,205 tỉ đồng. Đây là đóng góp ngày công, đi lại của cán bộ nhân viên BV, trường học, truyền thông; đóng góp trang thiết bị sử dụng cho việc khám; hỗ trợ địa điểm, điện, nước, liên lạc cho các khóa đào tạo… Gần 2 năm triển khai dự án, bước đầu thực hiện dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em cơ bản tại Cần Thơ; tạo được sự quan tâm và ủng hộ phát triển dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em của các cơ quan quản lý cũng như các nhà tài trợ. Từ nay đến cuối năm 2018, dự án tiếp tục đào tạo 2 phẫu thuật viên lác, lé, sụp mi; tập huấn kỹ năng truyền thông cho 28 cán bộ y tế ở 4 BV (Nhi đồng, Mắt-Răng hàm mặt, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt), tổ chức sinh hoạt cộng đồng.

H.HOA

Chia sẻ bài viết