27/11/2021 - 08:15

Anh, Pháp khẩu chiến vì thảm kịch trên Eo biển Manche 

Các lãnh đạo Anh và Pháp đã có lời qua tiếng lại về trách nhiệm sau khi ít nhất 27 người thiệt mạng trong nỗ lực vượt Eo biển Manche bất thành.

Trong vụ lật xuồng cao su thương tâm hôm 24-11, các nạn nhân chủ yếu là công dân Iraq, gồm 17 nam, 7 phụ nữ và 3 trẻ em. Ðây là thảm kịch tồi tệ nhất trên Eo biển Manche trong nhiều năm qua. Ngày 25-11, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin đã thúc giục các nước láng giềng ở châu Âu như Bỉ, Ðức tăng cường hỗ trợ bởi chỉ mỗi Paris không thể ngăn chặn nạn buôn người. Khi được hỏi tại sao nước Anh lại hấp dẫn đối với rất nhiều người di cư trái phép, ông Darmanin đổ lỗi cho những biện pháp quản lý vấn đề di cư “yếu kém” của Luân Ðôn và việc cho phép lao động không giấy tờ làm việc với mức lương thấp.

Lực lượng biên phòng Anh cứu hộ những người di cư vượt biển. Ảnh: AFP

Ðáp lại, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel cho rằng ngăn cản người di cư vượt biển từ Pháp sang Anh là trách nhiệm của phía Paris và nhà chức trách Pháp cần phải thực hiện thêm nhiều biện pháp nhằm ngăn thảm kịch tương tự tái diễn.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson đều tỏ ra “sốc” trước vụ chìm xuồng. Ông Macron khẳng định Pháp sẽ không để cho Eo biển Manche trở thành “nghĩa địa”, kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn giữa các Bộ trưởng châu Âu đồng thời cam kết truy tìm những đối tượng phải chịu trách nhiệm về thảm kịch. Cảnh sát Pháp đã bắt 5 đối tượng buôn người tình nghi liên quan đến vụ việc. Mặc dù nhất trí tăng cường nỗ lực chung nhằm đẩy lùi các cuộc vượt biển của người di cư, lãnh đạo hai nước lại cáo buộc nhau chưa hành động đúng mức. Trong cuộc điện đàm tối 24-11, Tổng thống Macron thúc giục ông Johnson ngừng chính trị hóa cuộc khủng hoảng người di cư vì lợi ích chính trị trong nước.

Nhất trí ngăn chặn dòng người di cư

Về giải pháp đối phó khủng hoảng di cư, Thủ tướng Johnson đề xuất với ông Macron 5 bước cần thực thi sớm nhất có thể để tránh lặp lại thảm kịch trên Eo biển Manche. Ðề xuất bao gồm tăng cường các cuộc tuần tra chung để ngăn cản xuồng của người di cư rời khỏi bờ biển Pháp, chia sẻ thông tin tình báo tốt hơn và nghiên cứu về việc hai nước ký thỏa thuận trục xuất. Ông Johnson tin rằng thỏa thuận trả người di cư về Pháp sẽ có “tác động lớn và tức thì”.

Với quyết tâm triệt phá mô hình kinh doanh mất nhân tính của bọn buôn người, Chính phủ Anh cũng muốn tăng hình phạt các đối tượng này lên mức tù chung thân, mở các tuyến đường “an toàn” cho những người di cư trực tiếp từ những vùng xung đột hoặc trại tị nạn. Nhiều người di cư ở Pháp chỉ có thể xin tị nạn tại Anh khi đã vào lãnh thổ xứ sương mù, do đó phải chấp nhận rủi ro là vượt Eo biển Manche trên những con thuyền ọp ẹp của đường dây buôn người. Hồi tháng 6 năm nay, Anh đã đồng ý trả cho Pháp 63 triệu euro để xử lý khủng hoảng di cư.

Trong khi đó, Pháp sẽ sử dụng máy bay không người lái và lực lượng dự bị để đối phó dòng người di cư “lậu”, đồng thời muốn Anh hỗ trợ thêm cảnh sát. Tổng thống Macron đề nghị cả Anh và Pháp phải hợp tác xóa sổ mạng lưới các băng nhóm buôn người trục lợi.

“Eo biển tử thần”

Manche, nằm giữa Pháp và Anh với chỗ hẹp nhất chỉ 33km, là một trong những vùng biển nhộn nhịp và nguy hiểm nhất thế giới. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người di cư chạy trốn xung đột, nghèo đói ở đất nước mình đã mạo hiểm vượt qua “eo biển tử thần” để tới được nước Anh. Người nhiều tiền dùng xuồng bơm hơi, còn người nghèo thì sử dụng ván chèo, thuyền kayak hoặc phao cao su. 

Trong chưa đầy 11 tháng của năm 2021, hơn 25.700 người đã vượt Eo biển Manche để đến Anh bằng những chiếc xuồng nhỏ, cao gấp 3 lần số lượng của cả năm 2020. Trước thảm kịch vừa rồi, đã có 14 người chết đuối khi cố vượt eo biển trong năm nay. 

Trước đây, người di cư từng trốn trên những chiếc xe tải qua Anh bằng phà hoặc đường sắt. Nhưng trong những năm gần đây, lộ trình này trở nên đắt đỏ khi bọn buôn người “thu phí” hàng ngàn euro cho mỗi chuyến đi.

Truyền thông Pháp ngày 26-11 đưa tin Bộ trưởng Nội vụ nước này Gerald Darmanin vừa hủy cuộc gặp với người đồng cấp Anh Priti Patel dự kiến diễn ra vào ngày mai 28-11. Quyết định được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson có những phát ngôn chỉ trích mới nhất nhằm vào Paris về vấn đề người di cư bất hợp pháp.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, AFP)

Chia sẻ bài viết