07/07/2024 - 22:00

Anh “đau đầu” vì tỷ lệ sinh giảm 

Số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang suy giảm trong thời gian dài trên khắp châu Âu, một số khu vực ở châu Á, châu Mỹ. Ðáng chú ý, tình trạng này lại diễn ra trầm trọng ở các nước giàu và có tiềm lực kinh tế lớn. Nước Anh cũng không ngoại lệ.

Trẻ sơ sinh tại một bệnh viện ở Anh. Ảnh: Guardian

Vanessa, 35 tuổi, giám đốc dự án ở thành phố Brighton (Anh), cho biết việc có con đã trở thành một điều xa xỉ đối với nhiều người cùng trang lứa với cô. “Ða số những người bạn của tôi đều nhận được khoản tiền lớn từ cha mẹ để có thể tự mua nhà ở. Song, đối với những người không đủ may mắn, họ bị mắc kẹt trong thị trường cho thuê nhà, có công việc không an toàn với lương thấp” - Vanessa chia sẻ. Vanessa cho hay triển vọng có con của cô cũng bị những lo ngại về khủng hoảng khí hậu, “sức khỏe tâm thần sa sút của giới trẻ” che mờ.

Không riêng Vanessa, nhiều phụ nữ trên khắp nước Anh cũng đưa ra quyết định tương tự, dẫn đến tỷ lệ sinh ở xứ sương mù giảm mạnh. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, tổng tỷ suất sinh trên khắp nước này giảm xuống còn 1,49 con/phụ nữ vào năm 2022, từ mức 1,55 con/phụ nữ hồi năm 2021. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, để duy trì dân số ổn định, các nước cần có tổng tỷ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ.

Khi tờ Observer yêu cầu độc giả, gồm cả Vanessa, cho biết lý do vì sao họ không muốn có con hoặc có thêm con, hầu hết đều trả lời rằng hạn chế về mặt tài chính là lý do chính dẫn đến tình trạng này. Hannah, một giám đốc tiếp thị 35 tuổi ở thủ đô Luân Ðôn, cho hay cô và bạn đời đã không thể có 2 con như mong muốn dù đã chuyển đến một khu vực rẻ hơn. Theo Hannah, không chỉ chi phí chăm sóc trẻ em rất cao, các chi phí sinh hoạt khác cũng cao không kém. “Gia đình mà chúng tôi muốn có lại nằm ngoài tầm với về mặt tài chính. Kể từ khi quen nhau, chúng tôi chỉ có một kỳ nghỉ cùng nhau. Hiện chúng tôi đang phải cắt giảm hóa đơn thực phẩm và tìm thêm việc làm để có thể sinh thêm con” - Hannah nói thêm.

Vào đầu những năm 2000, cả Anh và Pháp là những quốc gia có chính sách phúc lợi gia đình hào phóng và chính phủ xem việc hỗ trợ trẻ em là mục tiêu hàng đầu. Song, những khoản trợ cấp này đã bị thu hẹp sau cuộc suy thoái 2008-2009. Cả Paris và Luân Ðôn sau đó đều phải áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” đối với tất cả các dịch vụ công. Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn Fathom Consulting, sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, tương lai của nhiều hộ gia đình có vẻ ảm đạm, thu nhập không thay đổi trong khi các chi phí, đặc biệt là về nhà ở có xu hướng tăng. Kết quả là, nhiều cặp vợ chồng quyết định không sinh con. Phát hiện này trùng khớp với phát hiện ban đầu của một nghiên cứu của Nhật Bản, vốn cho thấy mối liên hệ giữa sự suy giảm khả năng sinh sản với tình trạng không chắc chắn của nền kinh tế. “Hóa ra là dự báo tăng trưởng trong 15 năm tới và tỷ lệ sinh ở Nhật Bản có mối liên quan. Nói cách khác, người ta có con khi họ cảm thấy lạc quan rằng khi con cái họ tham gia lực lượng lao động, mức sống của chúng sẽ tốt hơn ở hiện tại” - nghiên cứu cho biết.

Theo tổ chức nghiên cứu và chiến lược chính sách Resolution Foundation, nhiều trường học tuyến đầu ở Anh có nguy cơ bị đóng cửa trong bối cảnh số lượng học sinh ngày càng giảm sút. Ước tính, các trường học tuyến đầu ở nước này có thể mất tới 1 tỉ bảng tiền tài trợ vào năm 2030. Trong bối cảnh đó, các hội đồng giáo dục trên toàn nước Anh đã bắt đầu tham khảo ý kiến người dân địa phương về việc sáp nhập và đóng cửa trường học. Do đó, Lindsey Macmillan, chuyên gia chính sách giáo dục tại Ðại học Luân Ðôn, lo ngại rằng nước này có thể đối mặt với tình trạng dư thừa giáo viên tiểu học.

TRÍ VĂN

 

Chia sẻ bài viết