27/05/2020 - 09:53

An Giang di dời khẩn cấp 27 hộ dân trong vùng sạt lở nguy hiểm Quốc lộ 91  

(CTO)- Sau 5 ngày kể từ khi xuất hiện các vết nứt trên tuyến Quốc lộ 91, tỉnh An Giang đã triển khai nhiều biện pháp xử lý nhưng đều không thành công. Sáng 27-5, 1/3 mặt đường dài hơn 40 m đã sụp hoàn toàn xuống sông Hậu, buộc phải di dời khẩn cấp 27 hộ dân.

Khoảng 5 giờ 30 sáng 27-5, tuyến Quốc lộ 91 (cũ) đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú, An Giang) liên tục xảy ra sạt lở khiến 1/3 mặt đường nhựa Quốc lộ 91 với chiều dài hơn 40 m về phía hạ lưu bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu, sạt lở đe dọa đến 81 hộ dân, trong đó có 27 hộ phải di dời khẩn cấp.

Hiện trường vụ sạt lở.

Như vậy, sau 5 ngày kể từ lúc xuất hiện các dấu hiệu sạt lở trên tuyến Quốc lộ 91 (cũ) đoạn qua ấp Bình Tân, tỉnh An Giang đã triển khai nhiều biện pháp xử lý khẩn cấp để bảo vệ nhưng đều không thành công. Tuy nhiên, nhờ có chủ động đưa ra phương án phòng ngừa trước đó nên vụ sạt lở không gây thiệt hại về người và tài sản. Hiện tình trạng sạt lở đang có dấu hiệu tiếp tục mở rộng về phía hạ lưu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Thanh Lâm cho biết khu vực cảnh báo sạt lở nguy hiểm (trong bán kính 350 m từ sông Hậu vào) này có 81 hộ dân sinh sống, trong đó có 27 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Địa phương đang huy động các lực lượng giúp những hộ này di dời tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; những hộ còn lại huyện đang vận động chuẩn bị tư thế sẵn sàng để di dời nếu sạt lở tiếp tục phát triển thêm.

Trước đó, khoảng 6 giờ 10 sáng 23-5, mặt đường Quốc lộ 91 (cũ) đoạn đi qua ấp Bình Tân (cách vị trí sạt lở hiện nay – sạt lở vào tháng 8 năm 2019 khoảng 80 m về hướng TP Long Xuyên) xuất hiện nhiều vết răn nứt trên mặt đường. Vị trí các vết răn nứt mới nằm ở khu vực ngã 3 giao giữa đường tránh khu sạt lở Quốc lộ 91 năm 2010 và Quốc lộ 91; vết răn ăn sâu vào 1/3 mặt đường với chiều dài khoảng 20 m, bề rộng vết răn nứt từ 0,1 - 1,2 cm chạy dài cặp theo bờ sông Hậu, có nguy cơ sạt lở, đe dọa đến 7 nhà dân ở phía trong Quốc lộ 91; qua khảo sát vết răn nứt có dấu hiệu tiếp tục mở rộng.

Nguyên nhân bước đầu được xác định là do chế độ dòng chảy thay đổi qua đoạn sông cong, dòng chảy áp sát bờ, mái sông thẳng đứng, nền đất yếu gây ra hiện tượng răn nứt.

Ngay sau khi xuất hiện dấu hiệu sạt lở, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã cùng các sở ngành liên tục đi khảo sát để đưa ra hướng xử lý, cũng như tiến hành cặt bỏ cây xanh ở khu xuất hiện các vết răn nứt, gắn hàng rào, biển báo không cho phương tiện giao thông (đường thủy và đường bộ) đi qua khu vực này (đối với đường thủy, các phương tiện được phân luồng đi sang phía bờ huyện Phú Tân; đối với đường bộ, các phương tiện đi qua tuyến tránh sạt lở Quốc lộ 91, đoạn từ cầu Bình Mỹ tới cầu Cây Dương) nhằm hạn chế sạt lở và đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông qua khu vực này.

Trong chuyến khảo sát tình hình răn nứt mặt đường, nguy cơ xảy ra sạt lở trên tuyến Quốc lộ 91 vào chiều 24-5, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết để xử lý sạt lở một cách căn cơ, triệt để, sớm ổn định dân cư và hoàn trả lại mặt đường Quốc lộ 91 (đoạn thuộc xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) cần phải thực hiện việc nạo vét, thông luồng, chỉnh trị dòng chảy sông Hậu.

Tỉnh An Giang đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép An Giang thực hiện xã hội hóa Dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ Quốc lộ 91 (đoạn thuộc xã Bình Mỹ) với chiều dài khoảng 3 km (đoạn bị thắt hẹp còn khoảng 300 m (do phù sa) so với đoạn thượng lưu và hạ lưu liền kề rộng 600 m); việc chỉnh trị, nạo vét thông luồng kết hợp tận thu cát. Đơn vị thực hiện chỉnh trị chịu chi phí lập dự án chỉnh trị và chi phí đền bù đất bãi bồi (ngoài phạm vi 30 m đất bãi bồi do nhà nước quản lý); trường hợp mức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cát tận thu lớn hơn chi phí lập dự án và đền bù đất bãi bồi, đơn vị thực hiện chỉnh trị phải nộp lại ngân sách phần chênh lệch.

Minh Anh

Chia sẻ bài viết