04/10/2008 - 09:33

Ấn Độ trong tầm nhìn “chiến lược hạt nhân” của Mỹ và châu Âu

Trong hai cuộc họp thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ tại thành phố Marseille cũng như cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Manmohan Singh tại Thủ đô Paris của Pháp hồi cuối tháng 9 vừa qua, người ta có thể nghe rõ những điều bày tỏ hối tiếc của các nhà lãnh đạo châu Âu về sự chậm trễ kéo dài quá lâu của mình trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại với một cường quốc đang lên ở châu Á như Ấn Độ.

Nhưng với phương châm “chậm còn hơn không”, Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử châu Âu (Euratom) và tập đoàn năng lượng hạt nhân số một của Pháp Areva đã đồng ý ký thỏa thuận hạt nhân với Ấn Độ, nơi mà vốn đầu tư cho năng lượng hạt nhân rất lớn. Chính phủ Ấn Độ đã phát động một chương trình hạt nhân dân sự với mục tiêu sản xuất thêm 20.000 megawatt điện bằng các nhà máy hạt nhân cỡ nhỏ sử dụng công nghệ trong nước và 40.000 megawatt bằng các lò phản ứng có công suất lớn sử dụng công nghệ nước ngoài. Tổng dự chi cho chương trình này lên tới khoảng 71 tỉ euro (100 tỉ USD). Trong đó, Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ cho biết nước này có kế hoạch xây dựng từ 18-20 nhà máy hạt nhân trị giá khoảng 27 tỉ USD từ nay đến 15 năm tới. Với tiềm năng hạt nhân to lớn như vậy của Ấn Độ, các nhà phân tích cho rằng các tập đoàn hạt nhân của Mỹ như Westinghouse Electric, General Electric chắc chắn sẽ sớm “đổ bộ” vào thị trường của quốc gia đông dân thứ hai thế giới khi mà quốc hội lưỡng viện Mỹ đã thông qua kế hoạch chuyển giao công nghệ hạt nhân cho New Delhi. Dư luận cho rằng chính sách hạt nhân của Mỹ với Ấn Độ dựa trên học thuyết thực dụng, bởi cường quốc Nam Á mới nổi này vẫn chưa chịu ngồi vào bàn ký Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, kể từ năm 2001, Nga đã giúp Ấn Độ xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân 1.000 megawatt và đang bắt đầu thảo luận xây thêm 4 lò phản ứng trị giá nhiều tỉ USD nữa theo thỏa thuận giữa hai nước đầu năm 2007. Động thái mới của EU và Paris có lẽ cũng chạy theo xu hướng vì lợi ích hạt nhân thương mại của liên minh cũng như của mỗi quốc gia thành viên.

Thủ tướng Manmohan Singh (giữa), Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso tại hội nghị thượng đỉnh EU-Ấn Độ ngày 29-9 tại Marseille. Ảnh: Reuters 

Không chỉ dừng lại ở vấn đề hạt nhân, Mỹ và EU tin rằng quan hệ giữa Ấn Độ và phương Tây sẽ ngày càng thắt chặt và phụ thuộc vào nhau hơn. Trước mắt, Washington đang hy vọng sẽ có cơ hội tốt hơn để thuyết phục Ấn Độ ký hợp đồng mua máy bay chiến đấu của Mỹ, thay vì của bạn hàng truyền thống Nga, trị giá 10 tỉ USD. Còn EU mong muốn sẽ đạt được thỏa thuận tự do thương mại vào năm 2009 với Ấn Độ, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba châu Á và có tốc độ tăng trưởng nhanh đứng thứ hai thế giới. Thỏa thuận này sẽ giúp EU khai thác tối đa tiềm năng của quốc gia đông dân với thị trường bán lẻ hàng hóa có sức mua từ 2.800 tỉ USD hiện nay lên khoảng 3.800 tỉ USD vào năm 2010. Ngoài ra, EU muốn lôi kéo các nhà đầu tư đến từ Ấn Độ với hy vọng quốc gia có trình độ công nghệ viễn thông rất nhạy bén này sẽ góp phần thúc đẩy công nghệ của “lục địa già” phát triển.

Và xa hơn nữa, theo các nhà phân tích chiến lược, Mỹ và EU muốn thúc đẩy Ấn Độ thành một cường quốc hạt nhân dân sự phụ thuộc vào phương Tây và có vai trò quan trọng hơn tại châu Á để có thể kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

PHÚC GIA AN
(Theo Le Monde, Reuters, The Times of India)

PHÚC GIA AN (Theo Le Monde, Reuters, The Times of India)

Chia sẻ bài viết