Dư luận châu Á có thể bất ngờ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng cụm từ “Ấn Độ-Thái Bình Dương” tại hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp trong tuần lễ Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vừa diễn ra ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, cái tên này không mới ở Mỹ và một số nước châu Á.

Thủ tướng Modi (trái) và Tổng thống Trump có cuộc gặp song phương ở Manila hôm 13-11. Ảnh: Getty Images
Hãng tin CNS cho biết Tổng thống Trump đã nói tới “Ấn Độ-Thái Bình Dương” 10 lần trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh kinh doanh APEC, trong đó nhấn mạnh đến “chương mới cho Ấn Độ-Thái Bình Dương” và đề cao vai trò của Ấn Độ. Phát biểu trước giới truyền thông sau đó, ông Trump tuyên bố Mỹ cam kết “vì một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi các quốc gia mạnh mẽ và độc lập tôn trọng chủ quyền của nhau, tuân thủ luật pháp và thúc đẩy thương mại có trách nhiệm”.
Vì “một Ấn Độ - Thái Bình Dương”
Ông Trump cũng lặp lại cụm từ này tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Philippines, nhất là tại các cuộc gặp cấp cao 3 bên Mỹ-Nhật-Úc và Mỹ-Úc-Ấn. Đặc biệt, cái tên Ấn Độ-Thái Bình Dương đã được đại diện ngoại giao 4 bên Mỹ-Nhật-Úc-Ấn xác định là mục tiêu hợp tác an ninh chung trong tương lai.
Theo CNS, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster của Mỹ cũng thường xuyên đề cập tới khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, thay vì nói tới chính sách “xoay trục” châu Á-Thái Bình Dương vốn được phát triển dưới thời Tổng thống Barack Obama. Trong bài phát biểu tại Ấn Độ hồi tháng rồi, Ngoại trưởng Tillerson mô tả Mỹ và Ấn Độ “như ngọn hải đăng Đông và Tây của Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Ông còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thúc đẩy “các nền dân chủ Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Hãng tin Bloomberg thống kê, ông Tillerson có tới 19 lần sử dụng cụm từ Ấn Độ-Thái Bình Dương trong bài phát biểu trên. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Harry Harris của Mỹ thậm chí đã dùng cụm từ này từ năm 2014.
Theo Bloomberg, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trên thực tế đã nêu ra ý tưởng về một Ấn Độ-Thái Bình Dương khi bà giới thiệu chiến lược “xoay trục châu Á” của chính quyền Obama. Phát biểu tại Hawaii năm 2010, bà Clinton đề cập tới cái tên “biển Ấn Độ-Thái Bình”. Trong một bài viết trên tạp chí Foreign Policy năm 2011, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ nói rằng Mỹ muốn mở rộng liên minh với Úc nhằm biến “Ấn Độ-Thái Bình Dương thành một”.
Tương lai cặp bài trùng Mỹ-Ấn
Dù phát biểu tại APEC, Tổng thống Trump không ngại dành tặng lời khen đến Ấn Độ và cá nhân Thủ tướng Narendra Modi khi nói về triển vọng hợp tác khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ấn Độ được ông Trump ca ngợi là nền dân chủ lớn nhất thế giới và đạt thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng.
Bloomberg nhận định động thái trên của ông Trump cho thấy Mỹ muốn Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới và có nền kinh tế lớn thứ ba khu vực, đóng vai trò lớn hơn về các vấn đề an ninh. Bởi trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng sức mạnh kinh tế và quân sự, Ấn Độ được kỳ vọng có thể hỗ trợ an ninh cho những quốc gia nhỏ, nhất là các nước Đông Nam Á. Một quan chức cấp cao Mỹ xác nhận cụm từ Ấn Độ-Thái Bình Dương được giới lãnh đạo chóp bu nước này liên tục thể hiện là ý định gắn kết quan hệ Mỹ-Ấn thành “trụ đỡ” tại châu Á.
Thủ tướng Narendra Modi rất dè chừng khi đề cập đến hợp tác an ninh tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương vì ngại đụng chạm đến Trung Quốc. Tuy nhiên, ông là người thúc đẩy chính sách “Hành động hướng Đông” nhằm kết nối kinh tế và chiến lược của Ấn Độ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và các quốc gia Đông Nam Á. Trong lĩnh vực an ninh, Ấn Độ đang tăng cường hợp tác hải quân với Mỹ và Nhật Bản bằng các cuộc tập trận chung với tàu sân bay và tàu ngầm trên Ấn Độ Dương.
Hiện tại, “tứ giác” quan hệ cấp cao Mỹ-Nhật-Úc-Ấn chưa hình thành và mới chỉ được khởi động bằng cuộc đàm phán ngoại giao sau 10 năm gián đoạn. Tuy nhiên, khả năng một liên minh 4 bên ra đời có thể sớm thành hiện thực, qua đó thúc đẩy hợp tác rộng lớn ở tầm Ấn Độ-Thái Bình Dương.
KIẾN HÒA