29/04/2015 - 20:09

ÂM VANG HÀO KHÍ 40 NĂM

* TRUNG DŨNG – THÁI LAM

Bài cuối: Tiếp bước cha anh

Sinh ra và lớn lên khi đất nước thanh bình, được chăm lo phát triển toàn diện, thế hệ trẻ trưởng thành sau năm 1975 luôn ghi nhớ, biết ơn và tự hào là thế hệ cách mạng kế thừa những thành quả mà cha ông đổ bao xương máu giành được. Những việc làm đầy tâm huyết, ý nghĩa của nhiều công dân trẻ thành phố thể hiện khát vọng cống hiến cho quê hương của thế hệ nối tiếp…

Hãy làm việc hết mình…

" Tìm hiểu về 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng của ông cha ta và những câu chuyện về những năm tháng chiến tranh ác liệt, gian khổ mà ba má tôi thường kể khiến tôi trân trọng hơn giá trị của cuộc sống hôm nay…"- Thạc sĩ Trịnh Công Đoàn, Giám đốc Công ty Cổ phần cấp nước Ô Môn tâm sự như vậy khi nói về động lực phấn đấu của bản thân. Năm 2004, sau khi Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật môi trường (Trường Đại học Cần Thơ), chàng thanh niên quê ở huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) xin vào công tác tại Công ty TNHH cấp thoát nước Cần Thơ, rồi học lên cao học ngành Quản lý môi trường (2008 – 2011). Đứng trước ngã rẽ trong quá trình lập nghiệp, người kỹ sư trẻ đã lựa chọn làm việc cho một công ty công ích xã hội với mong muốn được góp phần giúp người dân cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc cung cấp nước sạch.

Anh Trịnh Công Đoàn, Giám đốc Công ty Cổ phần cấp nước Ô Môn đã đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công việc.

10 năm qua, anh Đoàn đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, chống thất thoát nước, qua đó nâng cao lợi nhuận cho công ty. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, anh cùng với đồng nghiệp đã đề xuất và áp dụng vào thực tiễn 4 giải pháp, qua đó giảm tỷ lệ thất thoát nước từ 40% xuống còn khoảng 26%; số lượng sử dụng nước từ 4.200 khách hàng (cuối năm 2012) đến nay nâng lên 7.600 khách hàng; lợi nhuận mỗi năm từ vài chục triệu đồng đến năm 2014 đạt trên 2,1 tỉ đồng và dự kiến lợi nhuận năm 2015 là 2,5 tỉ đồng.

Ở tuổi 33, anh tâm niệm bản thân còn trẻ, hãy làm việc hết mình. Gia đình sinh sống ở quận Ninh Kiều, nơi công tác ở Ô Môn và phụ trách cả 2 địa bàn Thới Lai, Cờ Đỏ nên có những lần đi kiểm tra, giám sát công trình, anh "tá túc" luôn tại văn phòng công ty. Anh kể, tập quán dân cư địa bàn quản lý sử dụng nước mưa, nước sông, nước giếng chiếm tỷ lệ khá lớn, người dân chưa quan tâm đến chất lượng nước sử dụng, trong khi nguồn kinh phí của công ty phục vụ cho công tác mở rộng mạng lưới cấp nước còn hạn chế, chi phí lắp đặt đồng hồ nước khá cao so với mức sống của người dân. Từ thực trạng đó, anh đề xuất giải pháp "Xã hội hóa công tác mạng lưới cấp nước". Gần 7 tháng, anh cùng với đồng nghiệp khảo sát địa bàn quản lý, liên hệ với các hộ dân, chính quyền địa phương, vận động người dân sử dụng nước sạch. Sau khi xác định nhu cầu của người dân, công ty tiến hành đầu tư đường ống phân phối trước, sau đó khách hàng mới đăng ký sử dụng nước và lắp đặt đồng hồ nước. Giải pháp này không chỉ tăng số lượng khách hàng sử dụng nước sạch, mà còn mở rộng mạng lưới cấp nước lên 12 tuyến, làm lợi cho công ty gần 116 triệu đồng. Hay như giải pháp "Tiết kiệm điện nước trong sản xuất" được thực hiện tại Trạm cấp nước Cờ Đỏ giúp tiết kiệm 400m3 nước mỗi tháng; hoặc giải pháp "Thực hiện các công tác chống thất thoát nước", mỗi tháng làm lợi cho công ty khoảng 48 triệu đồng…

Khát khao cống hiến

"Nhiệt tình, năng động, tâm huyết..." là những điều mà tôi nghe nhiều cán bộ, người dân phường Thới Long (quận Ô Môn) khen ngợi khi nhắc đến Bí thư Đảng ủy phường Tống Huy Hoàng. Anh Nguyễn Văn Út ở khu vực Cái Sơn, một hộ có hoàn cảnh khó khăn, được địa phương giúp đỡ phát triển mô hình chăn nuôi bò, hiện có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Anh Út xem anh Hoàng như "người ơn", luôn tin tưởng và thực hiện những điều anh Hoàng dặn dò mỗi khi anh ghé thăm mô hình. Theo anh Út, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của anh Hoàng và chính quyền địa phương, gia đình anh được hỗ trợ vay 30 triệu đồng để mua con giống, xây dựng chuồng trại phát triển kinh tế, cuộc sống khấm khá hơn.

Bí thư Đảng ủy phường Thới Long (quận Ô Môn) Tống Huy Hoàng thăm mô hình nuôi bò và dê của thanh niên ở khu vực Cái Sơn. Ảnh: Q. THÁI

Tốt nghiệp ngành Xây dựng (Trường Đại học Cửu Long), năm 2004, Hoàng xin về công tác tại Ban Tổ chức Quận ủy Ô Môn, rồi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Quận đoàn từ năm 2010 đến tháng 3-2014. Sau đó, Hoàng được điều động về làm Bí thư Đảng ủy phường Thới Long cho đến nay. Theo Hoàng, trước đó anh cũng có cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn, nhưng anh quyết định gắn bó với công tác ở địa phương một phần cũng vì mong muốn nối tiếp truyền thống của gia đình. Cha anh nguyên là cán bộ Tiểu đoàn Tây Đô 2, sau là Chỉ huy phó Huyện đội Ô Môn (cũ), còn bà nội của anh là Mẹ Việt Nam Anh hùng, các chú, cậu cũng tham gia bộ đội, du kích ở địa phương; mẹ anh – bà Giang Ngọc Lanh cũng đã từng bị địch bắt giam và tra tấn dã man tại Khám lớn Cần Thơ. Sau giải phóng, dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng bà Lanh luôn chăm lo, động viên các con cố gắng học hành để trở thành công dân có ích cho xã hội. Nhờ vậy, trong 5 anh em của anh Hoàng (4 trai, 1 gái), 4 người con trai đã tốt nghiệp đại học hoặc cao học và đều là đảng viên. Anh Hoàng tâm sự: "Mình sinh ra khi đất nước đã giải phóng, chỉ biết về chiến tranh, sự hy sinh của thế hệ cha anh qua sách vở và những lời kể của cha mẹ, nhưng hào khí ngày 30-4 luôn cổ vũ và mang lại cho mình một động lực rất lớn trong công việc cũng như cuộc sống".

Trong quá trình gắn bó với cơ sở, anh Hoàng nhận thấy chỉ có đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì mới giúp nông dân nâng cao đời sống, có điều kiện làm giàu trên mảnh đất quê hương. Vì vậy, khi được điều động về đảm nhiệm Bí thư Đảng ủy phường, mỗi tuần anh đều có sắp xếp thời gian đến từng khu vực, trò chuyện, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người nông dân. Chỉ tay về cánh đồng mè đang tươi tốt, anh nói vụ hè thu này gần 99% diện tích trồng lúa đã chuyển sang trồng mè, trung bình mỗi vụ cho lợi nhuận hơn 50 triệu đồng/ha. Trong hơn 1 năm qua, anh cũng nỗ lực lãnh đạo phường đẩy mạnh vận động, xây dựng hệ thống đường giao thông. Chỉ tính trong năm 2014, toàn phường đã xây dựng 4.000m đường bê tông, với tổng trị giá hơn 2 tỉ đồng; xây dựng 5 tuyến đường "Thanh niên thắp sáng quê hương", tổng chiều dài trên 17,2 km, làm lợi cho Nhà nước hơn 200 triệu đồng.

Mong cống hiến nhiều hơn nữa

Thầy Lê Văn Quới, cựu giáo viên Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều), một công dân mẫu mực, có tình yêu sâu sắc đối với vùng đất, con người Cần Thơ, vừa đón nhận niềm vui lớn khi cả hai người con trai đều được phong Phó Giáo sư vào đầu năm 2015, khi cả hai tuổi đời còn rất trẻ. 39 năm đứng trên bục giảng, thầy đã đào tạo, dìu dắt, tiếp sức cho bao thế hệ học sinh nên người, trong đó có nhiều người thành đạt. Và điều khiến vợ chồng thầy vui nhất là dành bao tâm huyết nuôi dạy hai người con trai thành đạt, dù cuộc sống từng trải qua những giai đoạn rất khó khăn. Trong đó, con trai lớn Lê Nguyễn Đoan Duy (sinh năm 1973), hiện là Trưởng Bộ môn Công nghệ thực phẩm và con trai út Lê Nguyễn Đoan Khôi (sinh năm 1974), hiện là Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (Trường Đại học Cần Thơ). Đoan Duy học lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành công nghệ thực phẩm tại Pháp; còn Đoan Khôi tốt nghiệp thạc sĩ tại Thái Lan và tiến sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Hà Lan. Cả hai anh em đều quyết tâm gắn bó với nghề giáo với mong muốn nối bước cha mẹ, góp phần giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Mỗi người một lĩnh vực, song từ nhỏ hai nhà giáo trẻ hiểu rằng chỉ có con đường học tập, nâng cao dân trí mới đưa đất nước tiến kịp với thế giới.

Phó Giáo sư, tiến sĩ Lê Nguyễn Đoan Khôi luôn phấn đấu học tập, nghiên cứu nhiều đề tài giúp ích cho đất nước.

Cùng chung mối quan tâm, trăn trở về sự phát triển của con cá tra - vốn làm nên kỳ tích xuất khẩu của vùng ĐBSCL, Đoan Khôi và Đoan Duy dành phần lớn thời gian thực hiện nhiều công trình nghiên cứu, tham gia các dự án hướng về bà con nông dân, đặc biệt là quản lý chất lượng chuỗi cung ứng xuất khẩu thủy sản. Đoan Duy tâm sự: "Hiện nay, một số nước tiên tiến rất quan tâm đến xuất xứ, chất lượng sản phẩm, vì vậy tôi cố gắng thực hiện những nghiên cứu về phương pháp để có thể dễ dàng xác định nguồn gốc xuất xứ của con cá tra Việt Nam". Đoan Duy cũng từng viết một quyển sách (bằng tiếng Anh) về chuyên đề truy xuất nguồn gốc cá tra, trong đó xác định nguồn gốc, khẳng định chất lượng sản phẩm của con cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hiện nay, Đoan Duy đang tập trung nghiên cứu về đa dạng hóa các sản phẩm dâu Hạ Châu, nhằm nâng cao giá trị loại trái cây đặc sản của TP Cần Thơ. Còn Đoan Khôi, tháng 10-2014, với vai trò là Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ trực thuộc Trường Đại học Cần Thơ, anh cũng đang xúc tiến các giải pháp phát triển trung tâm, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học. Theo Đoan Khôi, trung tâm được thành lập nhằm cung cấp dịch vụ và cơ sở vật chất cần thiết để hỗ trợ cho việc khởi nghiệp của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ từ giai đoạn hình thành ý tưởng tới phát triển sản phẩm, thành lập doanh nghiệp và hoạt động độc lập trên thương trường. Trung tâm tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu ươm tạo như nông nghiệp và thủy sản, chế biến và bảo quản nông sản thực phẩm, công nghệ sinh học, sản phẩm xử lý và bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh. Hoạt động ươm tạo nhằm thương mại hóa sản phẩm thông qua các hoạt động nối kết thị trường và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Đối tượng nhắm đến là những DN quyết tâm đổi mới, sáng tạo sản phẩm, hoạt động sản xuất kinh doanh hay những sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu, doanh nhân quyết tâm khởi nghiệp từ đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ về những dự định sắp tới, hai nhà khoa học, nhà giáo trẻ đều tâm sự rằng, được sinh ra và lớn lên trong thời bình, vì thế hai anh luôn ý thức trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước, và cả hai sẽ tiếp tục thực hiện nhiều công trình nghiên cứu phục vụ người nông dân tốt hơn, góp phần cải thiện đời sống bà con...

Cũng như 3 công dân trẻ mà chúng tôi giới thiệu, còn rất nhiều gương mặt công dân trẻ khác rất thông minh, ham học hỏi, năng động và khát khao cống hiến, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, giàu đẹp. Họ đem lại cho xã hội niềm tin tưởng, kỳ vọng vào một thế hệ bản lĩnh, tâm huyết, giỏi giang, kế thừa xứng đáng thành quả cha ông để lại.

Chia sẻ bài viết