19/07/2020 - 10:45

Ai hưởng lợi từ ngành công nghiệp đá quý Myanmar? 

Ngành công nghiệp đá quý trị giá hàng tỉ USD của Myanmar phát triển một cách bí ẩn và đang tiếp tục cướp đi nhiều sinh mạng. Tuy nhiên,  nhà nước và người khai thác mỏ được hưởng lợi quá ít, trong khi các thế lực ngầm trong nước và quốc gia láng giềng Trung Quốc thu lợi lớn.

Các phu mỏ tìm kiếm đá quý ở thị trấn Hpakant. Ảnh: AFP

►Phu mỏ đổ máu

Vụ sạt lở mỏ đá quý Wai Khar ở thị trấn Hpakant (bang Kachin) hôm 2-7 đã khiến 175 người thiệt mạng, chủ yếu là nam giới ở độ tuổi 20. Hpakant là trung tâm mỏ đá quý khi sở hữu trữ lượng lớn nhất Myanmar trên diện tích rộng 14.000ha. Mỏ này chính thức đóng cửa vào ngày 30-6 nhưng vẫn không ngăn được những phu mỏ đến đây tìm cơ hội đổi đời. Nếu các phu mỏ may mắn tìm được những mảnh đá quý lớn, họ chỉ được hưởng từ 10-20% giá trị hàng hóa. Còn nếu không may gặp tai nạn, gia đình họ khó có thể nhận được bất kỳ hình thức bồi thường nào từ chính phủ hoặc từ công ty họ “làm việc”, bởi các công ty này không được kiểm soát và vô trách nhiệm khi tai nạn xảy ra. Những người được hưởng lợi thật sự các tay “cò”, giới  buôn lậu và doanh nghiệp nước ngoài, lực lượng phiến quân, quân đội và những quan tham.

Tổ chức Mạng lưới phát triển Kachin bình luận: “Thảm kịch tại các mỏ đá quý ở Hpakant không phải do thảm họa thiên nhiên mà là thảm họa do con người gây ra. Nguyên nhân cốt lõi cho những cái chết nói trên là do sự quản lý yếu kém của chính quyền trung ương về nguồn tài nguyên và môi trường”. Quả thật, đây chỉ là một trong số nhiều vụ sạt lở mỏ đá quý tại Myanmar. Năm ngoái, ít nhất 50 phu mỏ bị núi “chôn sống” và con số này hồi năm 2015 là 113 người. Mỗi thảm họa đều đã dẫn đến nhiều lời kêu gọi cải cách dành cho ngành công nghiệp khai thác đá quý ở Myanmar. Sau khi lên nắm quyền cách đây 5 năm, bà Aung San Suu Kyi tuyên bố sẽ tiến hành cải cách ngành công nghiệp này nhưng mọi chuyện không đi đến đâu.

Năm 2019, Myanmar thông qua Luật Ðá quý nhưng giới phê bình cho rằng nó không đủ răn đe trong việc kiềm chế kinh doanh, khai thác ngọc bích phi pháp. Chính phủ Myanmar hồi năm 2014 cũng đã tham gia Sáng kiến Minh bạch Công nghiệp Khai khoáng (EITI) để gia tăng tính minh bạch và trách nhiệm trong cách nước này quản lý tài nguyên thiên nhiên.

►Nhà nước thất thu

Ðể ngăn chặn buôn lậu đá quý, chính quyền Myanmar thành lập nhiều chốt kiểm soát cấm người nước ngoài vào bất kỳ khu vực nào gần các mỏ đá. Tuy nhiên, nhiều công dân Trung Quốc vẫn tìm mọi cách đến tận nơi thu gom đá quý mà không cần qua khâu trung gian nhằm giảm chi phí. Mặt khác, những kẻ buôn lậu không ngần ngại đưa hối lộ hay trả “hoa hồng” cho chỉ huy quân đội ở các trạm kiểm soát.

Shima Verma, đến từ bang Rakhine, cho biết từng kinh doanh đá quý trong nhiều năm. Tuy nhiên, hiện nay anh là “cò” chuyên làm việc với giới thương buôn Trung Quốc. Trung bình mỗi khối đá quý bán được, Verma được nhận 150 USD, thương buôn Trung Quốc hưởng 500 USD, trong khi người khai thác mỏ chỉ nhận được 60 USD. Thu nhập trung bình của Verma từ 2.000-3.000 USD/tháng, cao gấp 10 lần lương trung bình ở Myanmar. Ngoài giới buôn lậu Trung Quốc và phe trung gian được hưởng lợi lớn, “chiếc bánh” đá quý cũng được chia cho lực lượng phiến quân  có tên Quân đội độc lập Kachin và các ông chủ người địa phương. Tuy nhiên, đối tượng được hưởng phần lớn nhất từ các mỏ đá quý được cho là giới quân đội một thời cầm quyền ở Myanmar.

Ðáng chú ý là tại quốc gia Ðông Nam Á này, người nước ngoài không được quyền sở hữu các mỏ đá, nhưng những nhà sản xuất lớn nhất lại thuộc quyền chi phối của các công ty đến từ Trung Quốc đại lục, Ðài Loan và Hong Kong. Myanmar có khoảng 100 công ty mỏ đá lớn nhưng chỉ thuộc quyền sở hữu của 10-15 ông chủ. Có nhiều công ty không có giấy phép hoạt động và thường rất khó xác định chủ sở hữu là ai. Chẳng hạn, mỏ đá quý Wai Khar vừa xảy ra tai nạn hôm 2-7 có đến 5 công ty sở hữu và không thể xác định ai là chủ, dù chúng được giới doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư.

Theo báo cáo của tổ chức giám sát tham nhũng quốc tế Global Witness hồi năm 2015, ngành công nghiệp đá quý của Myanmar có giá trị lên tới 31 tỉ USD. Tuy nhiên, báo cáo tiết lộ, ngành công nghiệp này là một mạng lưới rộng lớn với sự hoạt động của các công ty mờ ám có quan hệ mật thiết với quân đội Myanmar, các nhóm phiến quân hoạt động tại khu vực, bọn buôn bán ma túy, vũ khí cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc. Chỉ một số ít đá quý được giao dịch qua kênh chính thức trong khi phần lớn qua kênh chợ đen gần biên giới Trung Quốc. Ðiều này có nghĩa nhà nước Myanmar chỉ có thể truy dấu và thu thuế một lượng nhỏ doanh thu từ nguồn đá quý dồi dào của đất nước.

Thị trường đá quý lớn nhất thế giới

Theo những tay buôn ngọc bích ở thành phố Mandalay - thị trường đá quý lớn nhất thế giới, mỗi ngày có hàng ngàn người lui tới đây giao dịch. Tại Mandalay, người bán kết nối với người mua Trung Quốc, đa số đến từ Thụy Lệ (tỉnh Vân Nam) - thị trấn giáp biên giới với Myanmar. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hoạt động buôn bán đá quý diễn ra chậm chạp nhưng đến năm 2011, kinh doanh ngọc bích ở Thụy Lệ khởi sắc, thu hút rất nhiều thanh niên từ khắp Vân Nam đến làm việc tại đây, chủ yếu tinh chế loại đá quý này để bán cho khách hàng trên khắp Trung Quốc. Một số ngọc bích được chuyển đến bán tại các cửa hàng đá quý ở thủ đô Naypyidaw nhưng hầu hết được tuồn bằng đường chợ đen vào Trung Quốc. Đặc biệt, ngày càng ít giao dịch ngọc bích bằng tiền mặt. Với sự phổ biến của điện thoại thông minh và Internet tốc độ cao ở Myanmar, hầu hết những kẻ buôn bán đá quý tổ chức các buổi đấu giá trực tuyến hay bán trực tiếp, nhận tiền từ các ứng dụng như WeChat hay Taobao của Trung Quốc. Với những giao dịch không dùng tiền mặt như vậy, doanh thu buôn bán đá quý khó được theo dõi, nên có tới khoảng 80% giao dịch không đóng thuế.

TRÍ VĂN (Theo The Diplomat)

Chia sẻ bài viết